Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Bảo hiểm xã hội phải đi trước một bước, góp phần hướng tới mục tiêu an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đa tầng, linh hoạt, bền vững

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quyền mới của công dân là quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Để cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp, các đại biểu dự Hội thảo tham vấn Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức cho rằng, cần đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, cũng như cách thức tổ chức thực hiện.

Mở rộng diện bao phủ bằng cách bổ sung những đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội có thực sự là giải pháp khả thi không?

 

Trong những năm qua, trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước. Trong đó, bảo hiểm xã hội phải được coi là trụ cột chính trong các chính sách chủ đạo về an sinh xã hội của nước ta. Thực tế, trải qua các thời kỳ khác nhau, chính sách bảo hiểm xã hội đã góp phần ổn định đời sống cho người lao động, từ đó tạo sự ổn định cho đất nước. Tuy nhiên, mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện còn thấp. Đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm khoảng 78% tổng số lao động có quan hệ lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia, tương đương khoảng 20% lực lượng lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện mới chiếm 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Như vậy, để thực hiện mục tiêu đề ra là đạt 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020, thì trong thời gian tới, bình quân số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ phải là 3,2 triệu người tham gia/năm.  

Quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất của nước ta cũng được cho là có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì đến năm 2021, số thu của quỹ hưu trí và tử tuất sẽ không bảo đảm nhu cầu chi, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi sẽ lớn hơn rất nhiều số thu, quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất không còn khả năng bảo đảm. Xu hướng mất cân đối thu – chi khá rõ ràng. Tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Ngoài ra, cách tính lương hưu cao, song độ tuổi về hưu thấp, thời gian trả lương hưu kéo dài khiến quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất mất cân bằng. Mặt khác, tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi chỉ 1% nên không có khả năng ngăn chặn việc nghỉ hưu sớm, thời gian đóng bảo hiểm cũng giảm theo. 

Để góp phần mở rộng diện bao phủ, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung đối tượng tham gia bắt buộc gồm cả người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Dự thảo Luật cũng bổ sung những quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: bỏ quy định khống chế tuổi tham gia hình thức bảo hiểm này; quy định cho phép người lao động đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm được đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu, không khống chế tuổi. Và bổ sung phương thức đóng mỗi năm một lần, đóng một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu, cũng như quy định Chính phủ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với một số trường hợp đặc biệt.

Để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn cho quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên mức 62 tuổi và của nữ lên 60 tuổi theo phương thức mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng đối với lao động tại khu vực nhà nước từ năm 2016 và các đối tượng còn lại từ năm 2020. Lương hưu đối với cán bộ, viên chức, công chức tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1.1.2015 thay vì tính bình quân 10 năm trước khi nghỉ hưu, thì sẽ là bình quân toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội như đối với người lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước. Và sửa đổi quy định tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. 

Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nếu mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội đến cả lao động ký hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng, thì sẽ giúp bổ sung đáng kể lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, tiến gần hơn đến việc bảo đảm 50% lực lượng lao động tham gia vào năm 2020. Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giảm thời gian thụ hưởng, nên chênh lệch giữa mức đóng góp và mức hưởng sẽ giảm, giúp bảo đảm an toàn cho quỹ. 

Nhưng việc mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội bằng cách bổ sung những đối tượng bắt buộc tham gia thực sự là giải pháp khả thi không? Và quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất sẽ được bảo toàn khi tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính lương hưu?

Lý giải cho câu hỏi này, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, diện bao phủ của bảo hiểm xã hội hiện còn thấp không chỉ do các quy định hiện hành chưa tạo động lực cho cơ quan quản lý mở rộng đối tượng, hay còn thiếu hấp dẫn với người lao động. Bởi thực tế, hiện nay cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được số lượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng thêm, còn chưa kiểm soát được khu vực sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp ngoài công lập. Trong khi đó, nếu quản lý được số lượng lao động thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay và lượng lao động giúp việc, thì cũng có thể thực hiện mục tiêu đạt 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Nói cách khác, nếu không rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước, chưa có phương thức quản lý hiệu quả, thì kể cả mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội cũng chưa chắc đã giúp tăng độ bao phủ. Chưa kể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần trả lời câu hỏi sẽ có những cải cách, đổi mới nào trong phương thức, quy trình, thủ tục quản lý để đáp ứng yêu cầu khi khối lượng công việc sẽ tăng lên nhiều do mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội? Nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa đưa ra lộ trình cải cách bài bản, thì có lẽ cần xem lại về tính khả thi của quy định này – Phó chủ tịch Mai Đức Chính thẳng thắn.

Hệ thống pháp luật và cách thức thực hiện bảo hiểm xã hội cần được đổi mới căn bản và toàn diện

Một thực tế khác, quỹ bảo hiểm cho thai sản, an toàn lao động (bảo hiểm ngắn hạn) hiện đang dư thừa lớn, trong khi quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất (bảo hiểm dài hạn) lại có nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, việc bù trừ giữa hai quỹ này không được thực hiện, thay vào đó lại dành tiền để tạo ra chế độ nghỉ dưỡng cao. Vì thế, quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất an toàn cũng có một phần do chưa có sự cân đối giữa quỹ bảo hiểm ngắn hạn và dài hạn. Hơn nữa, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hiện chiếm 35% tổng số lương thực lĩnh của người lao động. Đây là mức cao so với mức đóng bình quân trên thế giới, thậm chí cao so với một số quốc gia phát triển (Hàn Quốc chiếm 9%, Thái Lan chiếm 7%). Mặt khác, cách tính lương hưu hiện nay thực chất chỉ giúp lao động thuộc khu vực Nhà nước có lương hưu cao, còn lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước có lương hưu thấp do cách tính vẫn dựa vào mức lương tối thiểu. Trong bối cảnh lương hưu chưa thật sự bảo đảm cho cuộc sống của người lao động, thì có nên thắt chặt điều kiện với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội hay không?

Các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa một số nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, mà không khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế hiện nay thì không thể gọi là cải cách. Hệ thống pháp luật và cách thức thực hiện bảo hiểm xã hội cần được đổi mới căn bản và toàn diện. Trong đó, hạn chế lớn nhất của chế độ bảo hiểm xã hội hiện nay, theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi, là không rõ bản chất hình thức bảo hiểm hưu trí. Việc chưa xác định được bản chất của bảo hiểm hưu trí cũng bởi chế độ hưu trí ở nước ta còn hạn chế, thiếu công bằng, gây lãng phí nguồn nhân lực. Thực tế, việc xác định tuổi về hưu hiện được phân thành nhiều mức, tùy thuộc vào ngành nghề, công việc, quân hàm và địa bàn sinh sống, chứ không chỉ là tuổi về hưu chung theo quy định của Bộ luật Lao động (60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ). Chế độ này khiến một số đối tượng không được tiếp tục làm việc dù còn khả năng, sức khỏe để làm đúng chuyên ngành hoặc theo chuyên ngành khác. Chế độ hưu trí như hiện nay đã khiến bảo hiểm hưu trí của Việt Nam đã trở thành bảo hiểm sức khỏe theo công việc, quân hàm, theo địa bàn sinh sống, không đúng với bản chất là bảo hiểm cho suy giảm sức khỏe làm việc. 

Một số ý kiến cũng cho rằng, nếu giữ chế độ nghỉ hưu như hiện nay thì có lẽ sẽ khó đưa quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Nguyên nhân do nếu tăng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm dân số vàng như hiện nay sẽ giảm cơ hội tìm việc làm cho lực lượng lao động trẻ. Kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, do đặc thù giữa các loại công việc khác nhau, nên không phải người lao động thuộc ngành nghề nào cũng mong muốn kéo dài tuổi làm việc, thậm chí một số lĩnh vực đặc biệt còn mong muốn có tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với quy định hiện nay. Như vậy, nếu không được bố trí công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình, thì nhiều khả năng những đối tượng này sẽ vẫn nghỉ hưu sớm, chấp nhận mức lương hưu thấp hơn. Trong trường hợp này, bảo hiểm xã hội có lẽ sẽ không giữ được ý nghĩa là một nguồn thu nhập thay thế hoặc hỗ trợ cho người lao động khi mất, giảm thu nhập.             

Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020  đã nêu rõ:Bảo hiểm xã hội phải đi trước một bước trong đổi mới chính sách, chế độ, linh hoạt, đa dạng cả về hình thức, mục tiêu và xã hội hóa để góp phần hướng tới mục tiêu an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đa tầng, linh hoạt, bền vững, có thể hỗ trợ lẫn nhau, công bằng về trách nhiệm và lợi ích, chia sẻ rủi ro, hướng tới bao phủ toàn dân, chú trọng bảo vệ các đối tượng yếu thế phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận với thông lệ quốc tế.

Vậy thì, không lý nào mà không thay đổi chế độ hưu trí ở nước ta để tạo cơ sở cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra những quy định thể hiện sự đi trước một bước trong đổi mới chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo daibieunhandan.vn

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer