Chỉ số thương mại qua biên giới, thuế quan sẽ được cắt giảm mạnh mẽ
Một trong những việc “nóng” nhất của Hội thảo chính là cam kết từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải thiện chỉ số thuế quan và thương mại qua biên giới. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business 2014) do Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng thế giới (WB) công bố, mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam năm 2014 đứng ở mức 149/189 nền kinh tế trên thế giới, tụt 4 bậc so với năm 2013 và đứng cuối bảng xếp hạng so với các nước trong khu vực.
Hàng hoá XNK qua cửa khẩu Tân Thanh- Lạng Sơn. Ảnh: M.Hùng. |
Gánh nặng tuân thủ về thủ tục hành chính thuế ở Việt Nam, nhất là chi phí về thời gian để thực hiện thủ tục hành chính thuế liên tục nhiều năm đều ở nhóm các nước cao nhất thế giới. Năm 2009-2010, tổng thời gian nộp thuế của Việt Nam là 1.050 giờ (bao gồm 650 giờ nộp thuế thông thường và 400 giờ đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc). Năm 2013-2014 là 872 giờ, trong đó thời gian mà DN thực hiện thủ tục thuế chiếm tỷ trọng lớn với 537 giờ trong tổng số 872 giờ.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, mục tiêu trung hạn đến tháng 12-2014, thời gian thực hiện thủ tục thuế sẽ giảm còn 354 giờ; đến tháng 6-2015 phải còn 171 giờ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, để đạt chỉ tiêu này sẽ là thách thức lớn đối với cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó cơ quan Thuế phải chấp nhận để thay đổi. Cụ thể, thực tế hiện nay còn tồn tại những bất cập như: Thời gian liên quan đến DN phải đáp ứng trong công tác thanh, kiểm tra thuế rất mất thời gian vì phương thức thanh, tra kiểm tra, quy định luật pháp về thanh, kiểm tra DN; Thời gian giải quyết vướng mắc khiếu nại của DN chậm bởi thực tế có tình trạng DN không biết khiếu nại của mình đang ở đâu? Bao giờ giải quyết vì thời gian giải quyết rất dài; Nhóm hoàn thuế cho DN phải làm sao hồ sơ, phương thức hoàn thuế đạt tiêu chuẩn như Malaysia, Singapore..
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Về phía Bộ Tài chính đã làm việc với Ngân hàng Thế giới thống nhất thực hiện một Dự án trong năm 2014-2016, trong đó triển khai 4 mục tiêu:
Thứ nhất,Tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế và quy trình hành chính thuế theo tiêu cuẩn quốc tế;
Thứ hai, Tổng cục Thuế xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý trong quản lý rủi ro về thuế. Để có chế độ khai thuế, kiểm tra thuế phù hợp. Chẳng hạn đối với các Tập đoàn, Tổng công ty là DN lớn cần có hình thức quản lý phù hợp; DN nhỏ và vừa thuộc nhóm DN yếu thế thì cần được ưu tiên; Nhóm DN rủi ro cao cần dồn lực lượng vào quản lý chặt chẽ.
Thứ ba,nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin;
Thứ tư, Thực hiện cơ chế tính giờ, chi phí khai nộp thuế. Hàng năm phải đánh giá chấm điểm không phải trong cơ quan Thuế mà do DN chấm.
"Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2014 là giảm 50% thời gian thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu so với hiện nay và giảm số lượng giấy tờ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; công khai các chỉ số thông quan. Tuy nhiên, trong tổng số thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, cơ quan Hải quan chỉ chiếm 28% còn lại là qua nhiều khâu như: Cảng vụ, cơ quan Biên phòng, Công an, lưu thông đường bộ từ cảng về nhà máy, năng lực bốc xếp…”- Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Bảo hiểm Xã hội, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh cho hay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thực hiện rà soát 110 thủ tục, trong đó có 10 thủ tục liên quan đến DN. Theo đó, những thủ tục nào không giảm thì sẽ phải giảm; thủ tục nào đã giảm thì phải giảm tiếp. Bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục hỗ trợ phần mềm và tập huấn cho đội ngũ CBCC làm công tác bảo hiểm chuyên trách với DN; Thực hiện mở rộng khai báo điện tử ở các tỉnh, thành phố trên cả nước…
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, EVN đã đặt ra mục tiêu sẽ giảm thời gian tiếp cận điện năng đối với các dự án của DN thuộc mọi thành phần kinh tế xuống còn tối đa là 70 ngày thay vì 115 ngày như công bố của Doing Business 2014.
Theo đó, EVN đã chủ động thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực phải bố trí giải quyết kịp thời vốn, vật tư thiết bị để đảm bảo đầu tư công trình đường dây, trạm biến áp cấp điện cho khách hàng, phù hợp với quy hoạch, đảm bảo chất lượng công trình, đồng thời giảm tối đa thủ tục đối với khách hàng. Đồng thời, rà soát lại phân cấp, cơ chế đầu tư, trình tự thủ tục thực hiện để rút ngắn thời gian khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt dự án, mua sắm vật tư thiết bị, quản lý dự án, thi công dự án..., đảm bảo rút ngắn thời gian đầu tư công trình cấp điện cho khách hàng. Thực hiện nghiêm chế độ “1 cửa”, mọi giao dịch với khách hàng.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu cụ thể và đảm bảo khả thi, minh bạch. Theo đó, hướng tới mục tiêu giảm chi phí, rủi ro, chi phí tuân thủ cho DN. Do vậy, Hội thảo hôm nay chính là giải pháp đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các cam kết với cộng đồng DN trong và ngoài nước
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn
Back Top page Print Email |