Công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2019
Theo kết quả Chỉ số CCHC 2019 của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số này là Bộ Giao thông vận tải. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của các tỉnh thì Quảng Ninh đứng đầu cả nước, cuối cùng là tỉnh Bến Tre.
Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số CCHC đạt 90,09%, cao hơn 5,45% so đơn vị đứng ở vị trí thứ hai là TP. Hà Nội, đạt 84,64%. Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với kết quả Chỉ số CCHC đạt 84,43%, tăng 0,72%. Vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC 2019 lần lượt thuộc về TP Hải Phòng (84,35%) và tỉnh Long An (84,33%). Đây cũng là những đơn vị có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện CCHC những năm gần đây…
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 các bộ tập trung vào 2 nhóm điểm:
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 03 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp.
Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y Tế và Bộ Giao thông vận tải.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85.63%, tăng 2.95% so với năm 2018 (giá trị trung bình năm 2018 là 82.68%).
Năm 2019 không có Bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 80%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với kết quả là 95.40%. Bộ Giao thông vận tải có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 80.53%.
16/17 đơn vị có Chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2018, trong đó, Bộ Giao thông vận tải có giá trị điểm số tăng 5.4% so với năm 2018, là đơn vị có điểm số tăng cao nhất so với các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ Công Thương có giá trị Chỉ số CCHC thấp hơn so với năm 2018 là 0.02%.
Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với Bộ có kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 thấp nhất (Bộ Giao thông vận tải) là 14.87% (năm 2018 khoảng cách này là 15.44% và năm 2017 là 20.23%). Điều này cho thấy các Bộ đã có nhiều sự cải thiện về điểm số, phản ánh những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành trong năm vừa qua.
Về Chỉ số SIPAS 2019, ba tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; ba tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng. Chỉ số SIPAS 2019 nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước (CQHCNN) dựa trên ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức. Thông qua đó, các CQHCNN nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Năm 2019 là năm thứ 3 SIPAS được triển khai trên phạm vi toàn quốc và kết quả Chỉ số SIPAS 2019, tương tự như năm 2018, 2017, tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của CQHCNN ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương (BNĐP), nhất là Bộ Nội vụ trong việc triển khai xác định PAR INDEX và SIPAS năm 2019.
Phó Thủ tướng đánh giá, kết quả Chỉ số PAR INDEX và SIPAS năm 2019 cho thấy, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về CCHC và chỉ đạo quyết liệt. Các BNĐP và thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời, các BNĐP cũng tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật, coi đây là một trong những tiền đề, nền tảng quan trọng thúc đẩy triển khai các nội dung cải cách. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử đạt được nhiều kết quả tích cực tại nhiều BNĐP, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu người dân, DN, đặc biệt là các yêu cầu cấp thiết liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các BNĐP trong công tác CCHC năm 2019, đồng thời biểu dương các BNĐP đã đạt kết quả cao ở những chỉ số đã công bố; nhấn mạnh cải cách là để làm cho bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ, công chức phải biết đề cao ý thức là công bộc của dân, phục vụ nhân dân, không được sách nhiễu nhân dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Back Top page Print Email |