Hội nghị kinh tế đối ngoại Diễn đàn cấp cao Việt Nam: Ra khơi thuận buồm xuôi gió
Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 thảo luận các cơ hội, thách thứcvà định hướng phát triểncủa kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Hội nghị thảo luận các vấn đề: (i) Định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu, triển vọng và các cơ hội của Hiệp định TPP; (ii) Triển vọng ngành chế tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự chuyển dịch các lợi thế cạnh tranh từ lao động chi phí thấp sang các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến và hàm ý chính sách cho Việt Nam; (iii) Thảo luận về phát triển nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là chính sách đối với các nông sản Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như gạo, cà phê, thủy sản…; (iv) Định vị Việt Nam trong xu thế phát triển khoa học công nghệ của khu vực, các giải pháp tháo gỡ rào cản phát triển công nghệ ở Việt Nam; (v) Thảo luận phương thức, biện pháp giúp Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các nước trong khu vực và (vi)Chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Sáng 3/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, với tư cách là diễn giả chính của Hội nghị, đã có buổi đối thoại và trực tiếp giải đáp những câu hỏi của các học giả, lãnh đạo doanh nghiệp. Phó Thủ tướng chia sẻ những thành tựu kinh tế Việt Nam và chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn đến thành công của Việt Nam trong suốt 30 năm qua và vẫn còn nguyên giá trị đối với sự phát triển của Việt Nam trong nhiều năm tới, đó là: (i) Đổi mới tư duy trong quản lý kinh tế thông qua việc chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế; (ii) Chủ động, tích cực hội nhập với thế giới đã mở không gian phát triển rộng lớn cho Việt Nam, đồng thời giúp tranh thủ nhiều nguồn lực bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; (iii) Tận dụng và phát huy được lợi thế về nhân lực, đặc trưng kinh tế nông nghiệp, điều kiện tự nhiên và phẩm chất, giá trị con người Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh với sự phát triển của khoa học công nghệ, của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chiến lược phát triển theo chiều rộng (bao gồm lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên) không còn phù hợp nên Việt Nam đã chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững, kết hợp phát triển cả chiều sâu và chiều rộng. Trên cơ sở đó, Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo kỹ năng lao động, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực và nhất là không phát triển bằng mọi giá mà chú trọng các vấn đề dài hạn như phát triển xanh và bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ đưa ra những chính sách nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ luật pháp cho phép để doanh nghiệp và và người dân phát huy hết tiềm năng của mình trong phát triển kinh tế. Kiến tạo là Chính phủ tạo sân chơi chung mà trong đó tất cả người dân và doanh nghiệp đều bình đẳng và Chính phủ minh bạch trong chính sách của mình, không có vấn đề xin-cho.
Về những biện pháp của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam đã có nhiều chính sách tăng cường thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó quan trọng nhất là đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chính sách miễn giảm visa cũng là một trong những biện pháp thúc đẩy nhưng đó không phải là tất cả. Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương với 11 nước, mới đây nhất là với 5 nước châu Âu. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam cũng phải quan tâm tới quyền lợi của người Việt Nam bởi hiện nay người Việt Nam đi sang các nước còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin visa và mong muốn không chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam mà người Việt Nam cũng phải được hưởng quyền lợi như vậy khi sang các nước khác.
Về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết định tham gia thương lượng và ký kết Hiệp định TPP với mong muốn thúc đẩy tự do thương mại giữa các nước trong khu vực Thái Bình Dương, mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên TPP.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị còn có ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp, ông Stephen Groff, Phó Chủ tịch ADB; ông Matthew Morrell, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu lúa quốc tế cùng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp và các viện nghiên cứu Việt Nam và quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ triển vọng, cơ hội và thách thức của kinh tế Việt Nam cũng như tư vấn chính sách cho Chính phủ. Cơ hội nổi bật được nhấn mạnh là khả năng tận dụng các mạng lưới liên kết kinh tế khu vực mà Việt Nam hiện đang là điểm giao thoa quan trọng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định TPP và Hiệp định thương mại tự (FTA) với EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu... Đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất quan tâm và kỳ vọng nhằm tranh thủ tối đa lợi ích của các liên kết kinh tế này mang lại. Song bên cạnh đó, các thách thức về biến đối khí hậu, môi trường và bẫy thu nhập trung bình lại đưa ra nhiều bài toán khó để duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, triển vọng cho Việt Nam là tích cực khi ta còn nhiều dư địa cho phát triển kinh tế bằng cách đầu tư cho chất lượng nhân lực, phát triển khu vực tư nhân, triển khai hiệu quả tái cơ cấu kinh tế và cỏ phần hoá doanh nghiệp nhà nước…
Hội nghị kinh tế đối ngoại năm 2016 thu hút sự tham dự của 250 đại biểu là doanh nghiệp, học giả và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội nghịđã tạo cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư và tiềm năng, triển vọng phát triển của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, truyền tải thông điệp của Đảng và Nhà nước Việt Nam về cải cách kinh tế đến cộng đồng doanh giới quốc tế và tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tiếp cận và quảng bá, mở rộng quan hệ đối tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước./.
![]() ![]() ![]() ![]() |