Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Kiên Giang
Trả lời:
Thời gian qua, số vụ việc tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài xua đuổi, đâm va, bắt giữ có xu hướng gia tăng. Tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, trong bối cảnh chung căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động tuần tra và xua đuổi, hủy hoại tài sản, ngư cụ của các tàu cá Việt Nam, đặc biệt gần đây có vụ việc tàu Trung Quốc xua đuổi tàu cá của ta trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (vụ việc ngày 23/8/2019). Tại vùng biển chồng lấn, chưa phân định với các nước ASEAN, Indonesia đẩy mạnh việc tuần tra, truy đuổi, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu cá, thậm chí đối với tàu chấp pháp của ta, nhất là trong khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế chưa được phân định.
Trước tình hình trên, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương ven biển để kịp thời xử lý các vụ việc tàu cá và ngư dân của ta bị phía nước ngoài bắt giữ. Sau khi nhận được thông tin về việc tàu cá của các địa phương bị nước ngoài xua đuổi, đâm va, phá hủy tài sản và ngư cụ hay bị phía nước ngoài bắt giữ, xử lý trong vùng biển chồng lấn, chưa phân định, Cục Lãnh sự đã tiến hành xác minh thông tin với các cơ quan chức năng hữu quan (Cục Tác chiến/Bộ Quốc phòng, Cục kiểm ngư/Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn..) để xác minh và yêu cầu cung cấp bằng chứng để đấu tranh đối ngoại.
Đối với các vụ việc nghiêm trọng và có xác minh của các cơ quan chức năng Việt Nam về sai phạm của phía nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã 04 lần trao công hàm và 03 lần triệu đại diện Đại sứ quán Indonesia lên để phản đối, 02 lần triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam lên trao công hàm phản đối, theo đó yêu cầu cơ quan chức năng các các nước này xử lý nghiêm đối với các nhân viên và tàu chức năng, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, thả ngay người và tàu.
Sau một loạt các tác động cấp cao, đấu tranh ngoại giao trong tháng 5/2019, vấn đề Indonesia bắt giữ tàu cá của ta trong vùng biển chồng lấn đã giảm cả về số lượng vụ việc và tính chất phức tạp (trong tháng 7-8/2019 chỉ ghi nhận 01 vụ việc tàu cá của ta bị Indonesia bắt giữ trong vùng biển chồng lấn).
![]() ![]() ![]() ![]() |