Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 27 tháng 10 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An

Hiện nay, tình hình Trung Quốc thường xuyên đưa các tàu Hải Dương xâm phạm chủ quyền nước ta, tiếp tục xây dựng và triển khai trái phép các khí tài quân sự tại các đảo chìm, đảo nổi thuộc chủ quyền của Việt Nam, cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước có các chủ trương, chính sách đấu tranh quyết liệt hơn nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đồng thời, đề nghị Trung ương có thông tin chính thống, cụ thể và hướng xử lý của Đảng, Nhà nước ta đối với hành vi gây hấn của Trung Quốc tại bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Việt Nam để người dân hiểu rõ, góp phần đấu tranh với các hành vi xuyên tạc, nói không đúng sự thật trên các trang mạng xã hội không chính thống hiện nay.


Trả lời :

          Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn là vấn đề thiêng liêng đối với đất nước. Trước việc Trung Quốc thường xuyên đưa các tàu Hải Dương xâm phạm chủ quyền nước ta; đẩy mạnh các hoạt động lấn biển, xây dựng, phát triển hạ tầng và triển khai trái phép khí tài quân sự ở Biển Đông với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng, Đảng và Nhà nước ta đã huy động sức mạnh tổng hợp, chỉ đạo thực hiện những biện pháp tổng thể, toàn diện để đấu tranh đảm bảo mục tiêu và lợi ích cao nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, đi đôi với kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của Tổ quốc bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
          Trên thực địa, các lực lượng chức năng của ta thường xuyên nâng cao cảnh giác, không để bị động, bất ngờ, kiên quyết, kiên trì giữ vững thực địa, khẳng định và thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ các đảo, đá, công trình, khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, bảo vệ ngư dân và tàu cá. Ở trong nước, các lực lượng chức năng đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để các thế lực xấu trong và ngoài nước lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân để gây bất ổn xã hội, đảm bảo an toàn và tài sản của người nước ngoài, đảm bảo cho các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư diễn ra bình thường.
          Trên mặt trận chính trị, ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao, các cơ quan Chính phủ và các Cơ quan đại diện ở ngoài nước kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển của Việt Nam, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, duy trì quan hệ với các nước. Về chính trị-ngoại giao, đối với Trung Quốc, ta tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, trao công hàm, giao thiệp phản đối, trong các dịp tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc; kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lí và hoạt động vi phạm của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động này; không tiếp diễn các hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hoạt động quân sự hóa, cản trở các hoạt động phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam. Ta cũng nói rõ vấn đề Biển Đông tác động trực tiếp đến tâm tư tình cảm của cán bộ, Đảng viên và nhân dân Việt Nam. Đối với các nước, các đối tác, bạn bè gần xa, các tổ chức quốc tế và khu vực, ta chủ động tiếp xúc, thông tin, vận động sự ủng hộ của cộng đồng và dư luận quốc tế, làm rõ để các nước hiểu chính sách của ta.
         Về thông tin, tuyên truyền, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thường xuyên và kịp thời tuyên bố, trả lời phỏng vấn, qua đó củng cố lập trường, đảm bảo lợi ích của ta; ta qua nhiều kênh kịp thời thông tin đến dư luận quốc tế. Liên quan đến tình hình Biển Đông gần đây, tính đến hết tháng 11/2019, tại các cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao có 11 phát biểu trả lời 60 câu hỏi của báo chí về vấn đề Biển Đông, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, lập trường và chủ trương xử lý của Việt Nam; cung cấp quan điểm phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hài hòa lợi ích quốc gia với các quy định, luật pháp quốc tế.
           Đồng thời, ta xác định rõ giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết để đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các địa phương. Trung Quốc là nước láng giềng chung biên giới, nước lớn, là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với sức mạnh tổng hợp ngày càng gia tăng, đồng thời cũng là nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chia sẻ nhiều điểm đồng với Việt Nam, là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc vẫn rất coi trọng quan hệ với ta. Ta có lợi ích trong việc đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông để tập trung cho công cuộc phát triển, thúc đẩy xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị, lành mạnh và bền vững với Trung Quốc, làm sâu sắc mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi để phục vụ yêu cầu phát triển của nước.
           Đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích của đất nước gắn liền với đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và sẽ còn nhiều phức tạp, đòi hỏi cần có sự bình tĩnh, đồng thuận, đồng tâm, nhất trí của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, không để các thế lực thù địch chia rẽ, qua đó đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer