Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Trả lời kiến nghị cử tri Hải Phòng

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, gìn giữ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống, trấn áp tội phạm, có giải pháp và biện pháp quyết liệt đối với các thế lực thù địch kích động, phá hoại, đặc biệt là trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
1. Về tăng cường các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc Công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia trên biển luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng chính sách đối ngoại. Lập trường, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của Tổ quốc phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước và thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển; giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và lợi ích quốc gia trên biển gặp nhiều khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn, song bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong vấn đề Biển Đông, ta kiên quyết, kiên trì triển khai đồng bộ các biện pháp trên các mặt chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, pháp lý, tuyên truyền ở các cấp, các kênh, các diễn đàn khác nhau để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, giữ vững môi trường ổn định phát triển đất nước, góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định ở khu vực và quốc tế. Cụ thể là: - Xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế các vụ việc trên biển, không để ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta cũng như môi trường hoà bình, ổn định và quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trong đó ta đã: (i) Tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị với các nước có liên quan, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực, quốc tế nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên biển; (ii) Thúc đẩy đàm phán phân định biển với các nước láng giềng nhằm tạo cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc thực thi và bảo vệ các quyền lợi biển hợp pháp; mở rộng hợp tác quốc tế về biển nhằm tạo điều kiện cho ngư dân ta có thể đánh bắt cá hợp pháp tại vùng biển của các nước phù hợp với luật pháp quốc tế và sở tại; (iii) Kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Trước các hành vi vi phạm quyền lợi biển của ta, Bộ Ngoại giao đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp yêu cầu các bên liên quan chấm dứt vi phạm, không tái diễn các hoạt động tương tự trong tương lai; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Ngoài ra, trên phương châm chủ động, tích cực, Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước trong và ngoài khu vực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực là mối quan tâm chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế như về an toàn, an ninh hàng hải, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống tội phạm trên biển... qua đó góp phần xây dựng và củng cố lòng tin, môi trường hợp tác và duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. - Tăng cường các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển của ta được xác định phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, trong đó phát hiện từ sớm, từ xa các hành vi vi phạm, không để bị động bất ngờ. - Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về vấn đề Biển Đông, chủ trương giải quyết hòa bình tranh chấp, trong đó có tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, về mong muốn duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở Biển Đông qua đó để các nước hiểu hơn về bản chất vấn đề Biển Đông, các tranh chấp trên biển, từ đó có thêm các tiếng nói mang tính xây dựng, tích cực, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề Biển Đông, các khó khăn, thách thức trong việc giải quyết vấn đề này; các quyền và lợi ích của nhà nước ta trên biển nhằm tạo đồng thuận ngày càng cao hơn trong xã hội cũng như nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật quốc tế trên biển trong hoạt động của bà con, ngư dân ta. 2. Về phòng chống, trấn áp tội phạm, có giải pháp và biện pháp quyết liệt đối với các thế lực thù địch kích động, phá hoại, đặc biệt là trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công An xin trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh như sau: Thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đồng thời chủ động triển khai các công tác nắm, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo sát tình hình thế giới và khu vực, tham mưu và thực hiện các giải pháp giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; ngăn chặn mọi âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị cấp cao ASEAN, các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, liên tục triển khai nhiều cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, các chương trình, kế hoạch, phương án phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức an ninh quốc gia từ các mối đe dọa an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh mạng, khủng bố…, đặc biệt là hoạt động chống phá, kích động của các thế lực thù địch, các hành vi xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trước tình hình đó, công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phòng chống, trấn áp tội phạm tập trung vào các giải pháp trọng tâm sau: - Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; sử dụng phương tiện thông tin truyền thông và mạng xã hội để định hướng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chủ động cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn kích động, lôi kéo biểu tình, gây phức tạp tình hình của các thế lực thù địch; vận động toàn dân tự giác, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh, trật tự. - Chủ động nắm tình hình, triển khai lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh, kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động kêu gọi, kích động tụ tập, tuần hành, biểu tình gây rối an ninh, trật tự; bảo đảm tuyệt dối an ninh an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước; hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, trọng tâm là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các sự kiện Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41). Thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội tại cơ sở; chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm vi phạm luật pháp có nguyên nhân từ các yếu tố kinh tế - xã hội. - Sớm đưa ra xét xử công khai các vụ án, đối tượng cầm đầu, cực đoan, quá khích tham gia hoạt dộng biểu tình, gây rối an ninh, trật tự; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm; tập trung điều tra làm rõ các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, kết hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gia đình, trường học, khu dân cư văn hóa, an ninh, an toàn, các mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự. - Nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; tăng cường công tác nắm tình hình các cơ sở lưu trú có người ngoài tạm trú, các cơ sở có người nước ngoài đang lao động; chấn chỉnh việc định kỳ rà soát, thống kê, lập danh sách, nắm chắc số người nước ngoài cư trú tại địa bàn. - Rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời đề xuất Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. Cử tri bày tỏ bức xúc về việc tàu hải cảnh của Trung Quốc đã có hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông và đâm chìm tàu đánh cá QNg-90617-TS đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; đề nghị Chính phủ có quan điểm rõ ràng, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ, tàu hải cảnh Trung Quốc gây ra vụ việc trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Là quốc gia ven biển, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển, trong đó có hoạt động của ngư dân phát triển lành mạnh, phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam. Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, quản lý hoạt động của tàu cá cũng như công tác bảo hộ ngư dân được ban hành, triển khai. Bảo vệ an toàn các quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho ngư dân Việt Nam khi hoạt động ở Biển Đông là một trong những ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta. Đối với các hành vi vi phạm của tàu thuyền nước ngoài như xua đuổi, đâm va, đập phá lấy tài sản, bắt giữ trái phép và ngược đãi ngư dân ta đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc từ các cơ quan chức năng, Bộ Ngoại giao đã chủ động triển khai các biện pháp đấu tranh với các nước có liên quan, yêu cầu triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của ngư dân, phản đối các hành vi vi phạm, yêu cầu phía nước ngoài điều tra vụ việc, xử lý các cá nhân tổ chức vi phạm và chấm dứt, không để tái diễn các hành động tương tự ... Cùng với đó, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tạo điều kiện cho ngư dân ta được đánh bắt, đầu tư, nuôi trồng hợp pháp trong vùng biển của nước ngoài được xác định phù hợp với UNCLOS 1982. Đồng thời, tích cực đàm phán các thỏa thuận về vấn đề nghề cá, ngư dân nhằm kịp thời phối hợp với các nước trong việc xử lý các vấn đề có liên quan đến hoạt động của ngư dân trên biển. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật để giúp ngư dân ta hiểu và tôn trọng pháp luật trong nước, luật pháp quốc tế, nhận biết và tôn trọng vùng biển của các nước láng giềng; cung cấp thông tin địa chỉ, số điện thoại của các cơ quan chức năng hỗ trợ ngư dân khi gặp nạn. Liên quan đến các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Hiệp định thực thi các quy định của UNCLOS 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư năm 1995 (UNFSA), các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp thích hợp để bảo tồn nguồn lợi thủy sản, phục hồi các nguồn thủy sản được khai thác, trong đó có phòng chống IUU. Đồng thời, theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (PSMA), Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp kiểm soát việc tàu cá ra vào cảng nhằm ngăn chặn hải sản có nguồn gốc IUU vào thị trường quốc gia và quốc tế . Năm 2017, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản 2017 (sửa đổi Luật Thủy sản 2003), trong đó quy định cụ thể về chống IUU phù hợp với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC). Trong năm 2018, 2019, Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản 2017 bao gồm 02 Nghị định của Chính phủ, 08 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tích cực triển khai trên thực tế nhằm thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam trong vấn đề chống IUU. Phòng chống IUU được nhiều nước và tổ chức quốc tế quan tâm, thúc đẩy, phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững. Hơn 02 năm qua, nhằm xây dựng nghề cá bền vững, tiến tới khắc phục thẻ vàng của EC, cả hệ thống chính trị của ta cùng cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp thủy sản đã nỗ lực triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống IUU . Trong đó, Bộ Ngoại giao trong phạm vi nhiệm vụ đã: (i) chủ động trong công tác bảo hộ ngư dân, kiên quyết đấu tranh đối với các nước sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực với tàu cá và ngư dân Việt Nam; (ii) cập nhật các thông tin, động thái của Hội đồng Châu Âu, Ủy ban Châu Âu đối với hiện trạng cảnh báo “thẻ vàng” về IUU của EC đối với Việt Nam để kịp thời tham mưu các biện pháp ngoại giao cần thiết; (iii) cung cấp cho cơ quan chức năng trong nước các tài liệu của phía nước ngoài về việc ngư dân/tàu cá của ta vi phạm vùng biển các nước để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định; (iv) phối hợp với các Bộ ngành, địa phương (đặc biệt là các tỉnh ven biển trọng điểm có nhiều tàu cá, ngư dân vi phạm) triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, đặc biệt là việc buộc các chủ tàu chi trả kinh phí đưa ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ về nước. Các nỗ lực này đã giúp Việt Nam đạt được một số kết quả ban đầu và được đoàn thanh tra của EC ghi nhận trong 02 đợt kiểm tra (ngày 16-24/5/2018 và ngày 04-14/11/2019). Liên quan đến vụ tàu cá QNg 90617 TS và 08 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn, xua đuổi và đâm chìm ngày 02/4/2020, Bộ Ngoại giao đã có các hình thức đấu tranh đối ngoại phù hợp, kịp thời (giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và trao công hàm phản đối, Đại sứ quán ta tại Trung Quốc giao thiệp với cơ quan chức năng Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối…) ngay sau khi có kết quả xác minh từ các cơ quan chức năng; yêu cầu phía Trung Quốc làm rõ vụ việc; xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và các tàu liên quan, không để tái diễn hành đồng tương tự; đồng thời bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 03/4/2020, 08 ngư dân Việt Nam trên tàu QNg 90617 TS đã được các tàu cá khác (gồm QNg 90929 TS và QNg 90399) đưa về đất liền an toàn. Thời gian tới, cùng với việc phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hữu quan và các địa phương nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của ngư dân ta khi hoạt động trên các vùng biển, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trao đổi, đi đến ký kết Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển Việt Nam – Trung Quốc; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thúc đẩy ký Thỏa thuận về đường dây nóng xử lý các vụ việc nghề cá với Trung Quốc, đồng thời triển khai hiệu quả Thỏa thuận về đường dây nóng xử lý các vụ việc nghề cá đã ký với Philippines, Thái Lan, Brunei. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác giáo dục cho ngư dân ta về quyền và nghĩa vụ khi hoạt động trên biển, về trách nhiệm bảo vệ môi trường và khai thác thủy sản một cách bền vững, về vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài qua đó giúp ngư dân ta vững tin vươn khơi bám biển, tham gia vào việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc trên biển. ----------------------- 5. Bộ Ngoại giao đã tiến hành bảo hộ 126 vụ/245 tàu/1977 ngư dân trong năm 2017; 118 vụ/189 tàu/1589 ngư dân trong năm 2018; 131 vụ/206 tàu/1760 ngư dân trong năm 2019; 25 vụ/41 tàu/337 ngư dân trong 6 tháng đầu năm 2020. 6. Việt Nam gia nhập UNFSA ngày 18/12/2018 và PSMA ngày 02/2/2019. Trong Quý I/2020, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Kế hoạch thực hiện hai Hiệp định này. 7. Ngày 23/10/2017, EC quyết định phạt “thẻ vàng” cảnh cáo đối với việc xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. 8. Các biện pháp này bao gồm hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản để phù hợp với luật biển quốc tế, với khung hình phạt có tính răn đe và các định nghĩa rõ ràng; củng cố cơ chế kiểm soát với đội tàu, với hệ thống giám sát từ xa và kiểm tra tại cảng; thực hiện đầy đủ PSMA và tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực; cài đặt hệ thống truy xuất nguồn gốc đầy đủ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; cải cách thủ tục hành chính và đào tạo để tăng cường khả năng thực thi pháp luật; bổ sung tài chính và nhân lực tham gia phòng chống IUU.
 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer