Chiều 14/6/2023, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), VPCP và
Bộ Ngoại giao đã có buổi làm việc chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, triển
khai Chính phủ điện tử.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan
cho biết, ngày 7/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17/NQ-CP về
một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn
2019-2020, định hướng đến năm 2025 với quan điểm: Đổi mới phương thức phục vụ,
lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức
là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm gắn kết chặt
chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề
lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu
hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính.
.
Trong giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, Việt Nam đã
xác định triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 83 nhiệm vụ, giải pháp trọng
tâm như: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho
việc triển khai, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng nền tảng phát
triển Chính phủ điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách
hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc; gắn kết chặt chẽ với bảo đảm
an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân;
bảo đảm nguồn lực triển khai...
Theo kế hoạch, dự kiến đến quý IV/2019, Trục liên thông văn bản
quốc gia sẽ được phát triển thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia
(Vietnam Data Exchange Platform – VDX) để kết nối, liên thông các hệ thống
thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Cũng trong quý IV/2019, sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia.
.
Về nguồn lực, Chính phủ huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng
Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ
thông tin trọn gói do các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp.
.
"Như cách làm hiện nay tại VPCP đối với phần mềm Quản lý
văn bản và Hồ sơ công việc là VPCP thuê trọn gói dịch vụ của Tập đoàn Viettel.
Tập đoàn Viettel đầu tư và cho VPCP thuê lại từ hệ thống phần mềm, trang thiết
bị cho đến quản trị, vận hành, giám sát và đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin.
Việc nâng cấp, hoàn thiện phần mềm phục vụ công tác quản lý do đơn vị cung cấp
dịch vụ thực hiện theo yêu cầu của VPCP, không phát sinh thêm kinh phí".
Ông Ngô Hải Phan chia sẻ.
Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (VPCP) cũng giới thiệu với đoàn Bộ
Ngoại giao về Hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công
việc của Chính phủ). Hệ thống e-Cabinet được xây dựng dựa trên yêu cầu thực
tiễn của Việt Nam hướng tới Chính phủ phi giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí
dựa trên ứng dụng mạnh mẽ CNTT để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được
Thủ tướng Chính phủ giao cho VPCP triển khai. Hệ thống hiện đang hoàn thiện và
dự kiến đưa vào sử dụng vào ngày 24/6.
.
Tại buổi làm việc, đại diện các vụ, cục, đơn vị thuộc VPCP đã
giải đáp một số thắc mắc liên quan đến việc triển khai Chính phủ điện tử của Bộ
Ngoại giao như: Vai trò của các đơn vị trong xây dựng và vận hành Chính phủ
điện tử, VPCP điện tử; kinh nghiệm trong việc lựa chọn đối tác xây dựng phần
mềm và cung cấp cơ sở hạ tầng, phần mềm của Chính phủ điện tử, VPCP điện tử;
phương thức bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin; vai trò của đội ngũ cán bộ
chuyên trách công nghệ thông tin của VPCP trong xây dựng và triển khai Chính
phủ điện tử và VPCP điện tử; vấn đề triển khai tài chính…
.
Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho
biết, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh ứng dựng Chính phủ
điện tử để tăng cường hiệu quả công việc, đẩy mạnh hiện đại hóa, nâng cao chất
lượng dịch vụ công, vừa bảo đảm bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
trong điều kiện mới.
Hiện Bộ Ngoại giao đã thành lập Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử
của Bộ và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; ban hành Chiến lược quản
lý tri thức và ban hành một số quy chế, quy trình liên quan đến quy chế chữ ký
số, chứng thư số, quy chế sử dụng chương trình quản lý văn bản và điều hành;
xây dựng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên Cổng thông tin nội bộ, kết
nối với Trục liên thông và chuyển nhận văn bản đi đến và hiện thị trạng thái,
đồng thời xây dựng được một số phần mềm chuyên môn…
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao mong muốn phối hợp chặt chẽ
với các đơn vị, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện
tử.
NGuồn Trang tin Chính phủ điện tử