Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chủ trì tọa đàm. Tham dự sự kiện có
đại diện các đơn vị trong Bộ Ngoại giao, đại diện các cơ quan đơn vị liên quan
của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và truyền thông.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua,
công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số được
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
và Bộ Nội vụ đã có những chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, các
công tác này cũng được Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, coi đây là một
trong những trọng tâm công tác đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các
nhiệm vụ chính trị được giao.
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện này, đồng thời có
ý nghĩa thiết thực đối với ngành Ngoại giao. Thứ trưởng cho biết, quán triệt
quan điểm lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công tác, các
nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính luôn được cung cấp nguồn lực để triển khai
thành công, tạo thuận lợi cho cả người dân và cán bộ thực hiện thủ tục hành
chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Trong đó, để đẩy mạnh việc
cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính và chuyển đổi số, Bộ Ngoại
giao đã thành lập ban chỉ đạo để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan.
Các đơn vị chức năng của Bộ đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ hiệu
quả của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ trong tham vấn,
triển khai các nội dung, các mảng công tác liên quan.
Theo Thứ trưởng, các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, đặc biệt là các đơn vị có
thủ tục hành chính, luôn chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cải
cách hành chính theo nhiều hình thức đa dạng như tổ chức các buổi sinh hoạt
chuyên đề trao đổi kinh nghiệm, phát huy ý tưởng cải cách hành chính trong cán
bộ công chức; tăng cường công tác đào tạo các kỹ năng nghiệp vụ, giao tiếp, ứng
xử cho cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ; nâng cao nhận thức về thái độ
và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại kết quả tích cực, góp
phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ và các đơn vị, nâng cao chất lượng dịch
vụ cung cấp cho người dân và tổ chức. Đặc biệt đối với các đơn vị cung cấp các
dịch vụ công, Bộ Ngoại giao không ngừng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ công
trực tuyến về lĩnh vực lãnh sự ở trong và ngoài nước. Qua đó, tạo thuận lợi hơn
nữa cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng
thời thực hiện tốt việc công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành
chính.
Tuy nhiên, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính và
chuyển đổi số còn tồn tại một số khó khăn, tồn tại, mặc dù được quan tâm dành
nguồn lực, tài chính, song còn chưa đáp ứng được thực tiễn, dẫn đến kết quả
triển khai công tác cải cách hành chính một số mặt còn chậm, chưa đáp ứng với
yêu cầu của Chính phủ và yêu cầu xây dựng ngành Ngoại giao chuyên nghiệp, toàn
diện, hiện đại.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã có các tham luận, thảo luận về việc hiện đại
hóa cải cách hành chính, những yêu cầu hiện nay và khuyến nghị cho Bộ Ngoại
giao, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong công tác cải
cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành và gợi ý cho Bộ Ngoại giao.
Các đại biểu cũng chia sẻ về một số điểm mới trong Kiến trúc Chính phủ điện
tử, Chính phủ số phiên bản 3.0 và gợi ý cập nhật, điều chỉnh cho Kiến trúc
Chính phủ điện tử của Bộ Ngoại giao. Đồng thời, đề xuất về thực trạng giải
quyết một số điển nghẽn trong cải cách thủ tục hành chính, công tác phối hợp
kết nối Cổng dịch vụ công của Bộ Ngoại giao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân
cư và hệ thống xác thực định danh điện tử đã được trao đổi tại tọa đàm.
Nguồn Báo Thế giới & Việt Nam