Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Monday, 23/12/2024 6:21

Huy động nguồn lực của kiều bào cho sự nghiệp phát triển đất nước

Bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 được tổ chức tại Hà Nội từ 23/11 – 2/12/2006

1. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng phát triển, trở thành một nguồn lực quan trọng.  

 

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài  với gần 3 triệu người định cư, làm ăn sinh sống ở trên 90 nước và vùng lãnh thổ đang ngày càng phát triển ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại và trở thành một nguồn lực đáng kể về tri thức và kinh tế.

 

Về tri thức, theo thống kê của những nước phát triển có đông người Việt  như Mỹ, Úc, Pháp… hiện có hơn 300.000 người Việt có trình độ  cử nhân với khoảng 6.000 người có trình độ tiến sĩ, trong đó có hàng trăm trí thức có tên tuổi được quốc tế và khu vực đánh giá cao.  Đã xuất hiện nhiều người Việt thành đạt trong lĩnh vực chính trị, xã hội, nắm cương vị nhất định trong các thể chế  của  nước sở tại.

 

Về kinh tế, ước tính tổng thu nhập của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể lên tới 40 tỷ USD/năm. Lượng kiều hối gửi về nước năm 2005 là 4,429 tỷ USD; đầu tư về Việt Nam với số vốn là 14.500 tỷ VND với 2050 dự án khác nhau.

 

Ra đi trong những thời điểm lịch sử, hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, mặc dù còn có nhiều vấn đề phức tạp, nhưng nhìn chung cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã cố gắng vượt qua những khó khăn, ngày càng phát triển, được chính quyền sở tại đánh giá cao.   

 

2. Vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác ngoại giao.  

 

Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát huy Đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm khơi dậy nguồn lực của toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ và vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong sự nghiệp đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được coi là một bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của công đồng các dân tộc Việt Nam.

 

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ và Bộ Ngoại giao về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều chính sách, biện pháp đã được Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và nhiều bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực triển khai :

 

Thứ nhất,  tăng cường quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của kiều bào thể hiện trong nội dung đàm phán của các đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm các nước; thông qua các hiệp định, thoả thuận ký kết với các nước tạo thuận lợi để kiều bào ồn định cuộc sống, hội nhập sở tại và phát huy vai trò cầu nối hữu nghị giữa các nước với Việt Nam.

 

Thứ hai, tạo điều kiện cho kiều bào tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội lớn của đất nước như hàng năm tổ chức gặp mặt kiều bào nhân dịp Tết Nguyên đán,  mời kiều bào có công, tiêu biểu  về  thăm đất nước, dự Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2/9; tổ chức cho kiều bào đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện  Đại hội X của Đảng, tham gia cuộc thi  tìm hiểu “ 60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…

 

Thứ ba, triển khai nhiều hoạt động thu hút đóng góp của  các thành phần trong cộng đồng vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước như tổ chức “ Hội nghị trí thức kiều bào với sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước”, Hội nghị “ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập của Việt Nam”; cuộc gặp gỡ với các trí thức trẻ  kiều bào mang tên “ Nối vòng tay lớn”; thành lập câu lạc bộ trí thức kiều bào; chuẩn bị thành lập Hiệp hội doanh nhân kiều bào và nghiên cứu xây dựng các biện pháp, chính sách nhằm khuyến khích trí thức, doanh nhân  kiều bào về nước đóng góp chất xám, hợp tác làm ăn với trong nước, thu hút đầu tư, kiều hối, chuyển giao công nghệ…

 

Thứ tư, tăng cường giao lưu văn hoá, giáo dục, thể dục - thể thao, từ thiện,... giữa cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, chú trọng và khuyến khích, tạo thuận lợi để thể hệ trẻ kiều bào về nước tham gia Trại hè, các lớp học tiếng Việt, các hoạt động tình nguyện... để hiểu biết hơn về cuội nguồn, đất nước Việt Nam; hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, duy trì tiếng Việt... 

 

Thứ năm, thực hiện  đường lối đại đoàn kết dân tộc, khép lại quá khứ, chúng ta đã tạo điều kiện cho  một số nhân vật đã từng phục vụ chế độ cũ ở miền Nam về thăm đất nước;  đón Thiền sư Thích Nhất Hạnh và đoàn tăng thân Làng Mai về thăm và hoạt động Phật pháp tại Việt Nam; đáp ứng nguyện vọng hồi hương của nhạc sỹ Phạm Duy...

 

Thứ sáu, thúc đẩy công tác thông tin văn hoá, công tác khen thưởng nhằm động viên khuyến khích các nhân tố, cá nhân, tập thể tích cực trong xây dựng cộng đồng và có nhiều đóng góp với đất nước; đồng thời, có nhiều biện pháp đấu tranh với các âm mưu và hoạt động chống đối đất nước của một số người Việt phản động, cực đoan.

 

Cùng với những bước phát triển mới của đất nước trong sự nghiệp Đổi mới và hội nhập,  các chính sách, biện pháp nhằm thực hiện Nghị quyết 36 nói trên đã đem lại nhiều kết quả, tác động mạnh, tạo chuyển biến mới tích cực trong cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài. Bà con kiều bào phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, gắn bó nhiều hơn với quê hương đất nước. Số người về Việt Nam ngày càng tăng từ 300.000 người năm 2003 lên gần nửa triệu người trong năm 2005. Tính đến hết 2005 có 2050 dự án đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài với số vốn là 14.500 tỷ VND. Lượng kiều hối năm sau tăng hơn năm trước từ 2003 là 2,7 tỷ USD  lên mức 4,428 tỷ USD năm 2005. Hàng năm có hàng trăm lượt chuyên gia tri thức kiều bào về nước nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu; nhiều hội, đoàn và các tổ chức nghề nghiệp của người Việt, đặc biệt là ở các nước phát triển, về quê hương đất nước để thực hiện các hoạt động, các dự án hợp tác khoa học, công nghệ và các hoạt động mang tính nhân đạo để trợ giúp đồng bào trong nước...

 

3. Nâng cao hơn nữa hiệu quả cuả công tác vận động cộng đồng

 

Trong điều kiện đất nước phát triển nhanh và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, công tác đối với nguời Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng, cần được phát huy nhằm huy động nguồn lực kiều bào phục vụ cho công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. Muốn vậy, cần tiến hành đồng bộ các nhóm  biện pháp, chính sách sau đây :

 

Một là, đáp ứng những nguyện vọng, lợi ích chính đáng của kiều bào như xem xét vấn đề thị thực nhập xuất cảnh, mở rộng đối tượng bảo lãnh hồi hương, mở rộng đối tượng được mua nhà, rút ngắn thời gian giải quyết thôi quốc tịch và xem xét khả năng cho phép kiều bào có hai quốc tịch... giải quyết tốt các vấn đề tâm linh, nhân đạo.

 

Hai là,  tích cực hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ồn định và phát triển, giữ gìn bản sắc dân tộc thông qua việc mở rộng các hoạt động giao lưu nhiều mặt giữa cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tiếp tục tổ chức Trại hè, mở các lớp tiếng Việt cho thanh thiếu niên kiều bào, hỗ trợ xây dựng trường học, cung cấp sách giáo khoa. Khuyến khích cộng đồng phát huy vai trò cầu nối hữu nghị và quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.

        

Ba là, cần nghiên cứu đánh giá cụ thể tình hình cộng đồng của từng nước, từng khu vực nhằm khuyến khích, động viên kịp thời những nhân tố tích cực, phát huy thế mạnh của cộng đồng, hạn chế mặt tiêu cực, tranh thủ tối đa đóng góp của kiều bào cho sự nghiệp phát triển đất nước. 

 

Bốn là,  tạo khuôn khổ pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, trí thức kiều bào về nước làm việc, đầu tư kinh doanh; khuyến khích việc hình thành các hiệp hội chuyên ngành, mở rộng hợp tác trong cộng đồng và với trong nước theo tinh thần “ích nước lợi nhà”.

 

Cuối cùng và rất quan trọng là tiếp tục củng cố tổ chức và nhân sự của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường biên chế làm công tác cộng đồng ở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nơi có đông người Việt sinh sống; tăng cường kinh phí, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện làm việc để đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng của công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tạo cơ chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban và các địa phương, các bộ, ngành, giữa trong nước và ngoài nước.

 

Phát huy những thành tích đã đạt được, công tác vận động cộng đồng phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 36,  làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực sự  là một  bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.  

 

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2006

                                                                         

Created by admin
Last modified 02-02-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin