Giải quyết bài toán thu hút trí thức Việt kiều dưới góc độ kinh tế học

Vấn đề thu hút chuyên gia Việt kiều là vấn đề rất được mọi người quan tâm, nhưng những chính sách của Nhà nước lại chưa đem đến hiệu quả như mong muốn.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng trong đó có một số nguyên nhân chính sau:

 

1. Đồng lương không cạnh tranh với nước ngoài: những chuyên gia Việt kiều (VK) đều là những người đang có chỗ đứng ở nước ngoài, được trả lương rất  cao so với mặt bằng chung trong nước. Do đó việc thu hút những chuyên gia này sẽ gặp phải lực cản về cơ chế, vì sẽ tạo ra một khoảng chênh lệch lớn về thu nhập. Ngoài ra chi phí trả lương cho đội ngũ này cũng là một vấn đề quan tâm.

 

2. Điều kiện làm việc không phù hợp: Việc một nhà khoa học làm việc có hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào môi trường làm việc, trong đó sách báo, tạp chí, hệ thống liên lạc thông tin, các buổi hội thảo, v.v… là rất quan trọng. Điều đó dẫn đến bài toán kinh phí.

 

3. Phải thay đổi chỗ ở: Những chuyên gia VK đa phần là đã có gia đình ở nước ngoài, việc phải thay đổi chỗ ở là một việc không dễ dàng.

 

Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc các chuyên gia VK còn ngần ngại khi quyết định về nước làm việc. Vì vậy, tôi đề nghị 2 giải pháp chính như sau:

 

-          Thứ nhất, Nhà nước phải có những yêu cầu hết sức cụ thể về việc kêu gọi VK về nước. Tất cả những sự đóng góp của những chuyên gia này đều hết sức đáng quý và cần thiết, tuy nhiên tuỳ thời điểm mà có sự đóng góp này sẽ cần thiết hơn những sự đóng góp khác. Lấy ví dụ như Nhà nước cần phát triền nghề chế biến nông sản để xuất khẩu vì đây là chính sách giúp giải quyết đầu ra sản phẩm cho nông nghiệp, một ngành đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó chính sách thu hút VK trong lĩnh vực này có lẽ sẽ bức thiết hơn trong những lĩnh vực khác. Nhà nước phải đưa ra được một chính sách làm sao có thể giúp nông dân bảo quản được sản phẩm của mình để có thể đem đi xuất khẩu. Chính sách đó sẽ cho ta thấy cần bao nhiêu nhân lực (không phân biệt trong nước hay ngoài nước) trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ bảo quản thực phẩm, và phải hoàn thành trong thời gian bao lâu. Nguồn lợi của chính sách này phải được tính toán cụ thể, để có thể đem ra so sánh với chi phí thu hút VK về giúp đỡ trong lĩnh vực này. Nói tóm lại, biện pháp này bao gồm việc vạch ra chính sách cụ thể để phát triển những ngành nghề quan trọng, đặt ra những yêu cầu cụ thể cho các chuyên gia VK trong từng chính sách, và đưa ra những quyền lợi về thu nhập, điều kiện làm việc, v.v.. Biện pháp này sẽ giúp giải quyết 2 vấn đề đã kể trên, đó là bài toán thu nhập và điều kiện làm việc: Việc cụ thể hoá lợi nhuận thu được từ chính sách thu hút VK sẽ giải thích cho những chi phí của biện pháp này. Việc công khai hoá và không hạn chế sự kêu gọi của những chuyên gia trong nước cũng góp phần làm hạn chế những thắc mắc về chênh lệch thu nhập. Cuối cùng, sự đánh giá đúng khả năng (thông qua việc  giao yêu cầu cụ thể) và sự đóng góp (qua việc trả lương thoả đáng và điều kiện làm việc tốt) sẽ làm cho những chuyên gia VK được cảm thấy tôn trọng, đề bù đắp những thiệt thòi do sự di chuyển chỗ ở và làm việc mang lại.

 

-          Thứ hai, Nhà nước cần có những chính sách đem lại cảm giác được đón tiếp như những người thân trở về nhà. Tất cả mọi con người Việt Nam, dù xa quê bao năm đều mong muốn có một ngày được trở về trong sự chào đón của những người đồng bào mình. Mọi sự tiếp đón ân cần và chu đáo đều là sự khích lệ rất lớn, giúp những trí thức VK sẵn sàng cống hiến hết khả năng của mình cho sự phát triển của đất nước.

 

Trên đây là 2 biện pháp mà theo tôi có thể giải quyết được những vấn đề còn khúc mắc trong việc kêu gọi sự giúp đỡ phục vụ của VK. Hy vọng rằng, bằng những sự trao đổi thẳng thắn, những ý kiến đóng góp quý báu trong các buổi hội thảo sẽ giúp cho chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn về vấn đề này, cũng như sẽ tìm ra những biện pháp thu hút được nguồn lực VK, một nguồn lực to lớn mà lâu nay chúng ta chưa tận dụng đúng khả năng.

 

Lương Tuấn Anh (VK Mỹ)