Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 20:22

Những nội dung cơ bản của Luật Đầu tư (2005)

Luật Đầu tư được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29/11/2005 có 10 chương với 89 điều.

Hai nội dung quan trọng của hai Luật Đầu tư trước đây là bảo đảm đầu tư và hỗ trợ, ưu đãi đầu tư lần này được củng cố và hoàn chỉnh cho phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Về bảo đảm đầu tư, Luật Đầu tư quy định, Nhà nước bảo vệ nhà đầu tư đối với vốn và tài sản của họ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm mở cửa thị trường và đầu tư liên quan đến thương mại; bảo đảm giá phí do Nhà nước kiểm soát được áp dụng một cách thống nhất; bảo đảm lợi ích chính đáng và hợp pháp của các nhà đầu tư trong trường hợp Nhà nước thay đổi chính sách, pháp luật và giải quyết tranh chấp. Luật tái khẳng định, tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trường hợp vì lý do an ninh, quốc phòng, Nhà nước trưng thu, trưng mua tài sản của nhà đầu tư phải tuân thủ trình tự, thể thức và thủ tục của pháp luật, nhà đầu tư được thanh toán và bồi dưỡng thoả đáng trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư. Còn trong trường hợp có sự thay đổi về chính sách, luật pháp, những quy định của Luật Đầu tư thể hiện tính nhất quán trong việc thực hiện cam kết của Nhà nước Việt Nam đối với lợi ích nhà đầu tư, vừa thoả mãn nguyên tắc không phân biệt đối xử, vừa thể hiện chữ tín của Nhà nước trong chính sách kêu gọi đầu tư.

Nội dung hỗ trợ và ưu đãi đầu tư kế thừa có chọn lọc từ Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1998) và Luật ĐTNN tại Việt Nam (1996). Hầu hết các điều kiện để được hưởng ưu đãi đầu tư được giữ nguyên như trước đây. Cụ thể là, một danh mục 8 nhóm lĩnh vực ưu đãi đầu tư được liệt kê tường minh tại Điều 27 của Luật Đầu tư (2005). Những lĩnh vực này được chọn lựa phù hợp với chiến lược phát triển cơ cấu ngành và các ưu tiên hợp lý trong bối cảnh hội nhập. Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao vẫn là các khu vực địa lý kinh tế được tiếp tục ưu đãi để phát triển. Luật đầu tư mới bổ sung khu kinh tế vào danh mục các địa bàn được ưu đãi đầu tư xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đang được áp dụng theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước (1998) và Luật ĐTNN tại Việt Nam (1996), về cơ bản, được “chuyển tiếp” sang Luật đầu tư (chung) với cách thể hiện “qui chiếu khái quát”. Điều đáng nói ở đây là một số biện pháp ưu đãi đầu tư như chuyển lỗ, khấu hao nhanh tài sản cố định chỉ áp dụng cho dự án của các nhà ĐTNN theo Luật ĐTNN sẽ áp dụng chung cho mọi nhà đầu tư, ngược lại, các biện pháp hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ và khuyến khích phát triển dịch vụ đầu tư cho đến nay chỉ áp dụng cho dự án của các nhà đầu tư trong nước theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước sẽ được áp dụng chung cho mọi nhà đầu tư theo Luật đầu tư mới.

Quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư là một trong những nội dung trọng tâm của Luật đầu tư (chung). Luật quy định nhà đầu tư bất kể trong nước hay nước ngoài có quyền tự chủ đầu tư – kinh doanh, tự quyết định lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, lựa chọn và quyết định đối tác đầu tư; được kinh doanh đa ngành, xuất khẩu, nhập khẩu, quảng cáo, gia công và gia công lại; mua ngoại tệ; chuyển nhượng vốn hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư; quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền chuyển vốn và tài sản ra nước ngoài; quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn lực về vốn, tín dụng, đất đai, tài nguyên và các quyền khác của nhà đầu tư như quyền tiếp cận thông tin kinh tế, thông tin về luật pháp, chính sách, tiếp cận các dịch vụ theo nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Luật đầu tư cũng quy định về nghĩa vụ cơ bản của các nhà đầu tư, trước hết là sự tuân thủ luật pháp Việt Nam, thủ tục đầu tư, thực hiện hoạt động đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời nhà đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về pháp luật lao động, về bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, tài chính và các quy định của pháp luật kế toán, thống kê, kiểm toán...

Liệt kê trên đây là những quyền mà mọi nhà đầu tư được hưởng và các nghĩa vụ mà mọi nhà đầu tư phải tuân thủ trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử. Dĩ nhiên, với các hoạt động đầu tư kinh doanh từ nguồn vốn nhà nước, dự án Luật có một số quy định liên quan đến yêu cầu quản lý vốn nhà nước, trong đó Nhà nước là chủ sở hữu vốn đầu tư.

Các chế tài của Luật không hàm chứa những phân biệt đối xử bất hợp lý và xoá bỏ những đối xử mang tính không bình đẳng, bất hợp lý giữa các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, Luật vẫn bảo lưu một số phân biệt đối xử hợp lý và hợp luật giữa nhà đầu tư trong nước và nhà ĐTNN.

Trước hết, đó là quy định về loại hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và hộ kinh doanh mà nhà đầu tư chưa được thành lập, tiếp đó là quy định về lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh. Theo đó, có những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh và địa bàn đầu tư trước mắt chỉ có các nhà đầu tư trong nước được đầu tư. Đối với nhà ĐTNN, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện còn bao gồm các lĩnh vực đầu tư theo lộ trình thực hiện cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đây là những phân biệt cần thiết, hợp lý của một đất nước có chủ quyền và cũng là các phân biệt đối xử được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia nhằm bảo vệ lợi ích đặc biệt của đất nước, bảo đảm an ninh và chủ quyền, bảo hộ hợp pháp nền sản xuất trong nước. Những phân biệt này được giới hạn và giảm dần theo lộ trình tại các cam kết song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên.

Về thủ tục gia nhập thị trường, Luật đầu tư quy định nhà ĐTNN lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư mới được thành lập tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN tại Việt Nam. Đồng thời mọi dự án có vốn ĐTNN có quy mô đến 300 tỷ đồng (trừ dự án đầu tư có điều kiện) đều phải đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, các dự án có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng trở lên và dự án có điều kiện phải thẩm tra được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trong khi đó những dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn từ 15 tỷ đồng đến dưới 300 tỷ đồng (trừ dự án đầu tư thuộc danh mục lĩnh vực, ngành nghề đầu tư có điều kiện) mới phải đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư. Chỉ những dự án đầu tư có điều kiện và những dự án có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng trở lên mới phải tiến hành thẩm tra và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Còn tất cả các dự án đầu tư trong nước khác có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư.

Luật đầu tư (chung) tạo ra những điểm hấp dẫn bằng chính việc loại bỏ những điểm kém hấp dẫn đối với nhà ĐTNN trong pháp luật về ĐTNN hiện hành của Việt Nam. Các nhà ĐTNN sẽ không còn bị khống chế bởi duy nhất một loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hay bởi cách tổ chức quản lý và điều hành công ty theo cách áp đặt có lợi cho “chủ nhà”. Hơn thế nữa, các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đầu tư sẽ được áp đụng chung cho tất cả các nhà đầu tư không phân biệt quốc tịch, số lượng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện được thu hẹp một cách đáng kể và nhiều ngành dịch vụ sẽ mở cửa cho các nhà ĐTNN.

Về các hình thức đầu tư của Luật đầu tư (2005), Luật đầu tư (2005)  kế thừa, mở rộng và phát triển tất cả các hình thức đầu tư của hai luật đầu tư hiện hành. Theo đó, các hình thức đầu tư trực tiếp như đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu (được gọi chung là đầu tư phát triển) được quy định chung cho cả các nhà đầu tư trong nước lẫn các nhà đầu tư nước ngoài; không quy định ngưỡng 30% đối với hình thức mua cổ phần, góp vốn vào DN; bổ sung thêm hình thức sáp nhập và mua lại (M&A); và quy định thêm điều khoản về đầu tư gián tiếp. Cụ thể: “Điều 21. Các hình thức đầu tư trực tiếp

1. Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

2. Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC, hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT.

4. Đầu tư phát triển kinh doanh.

5. Mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư.

6. Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.

7. Các hình thức đầu tư trực tiếp khác.”

Các hình thức đầu tư trên đây kéo theo hệ quả tự nhiên là các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tất cả các loại hình DN có trong Luật DN và có thể thực hiện nhiều loại dự án  đầu tư như các nhà đầu tư Việt Nam.

Có thể thấy, bằng các quy định trên, Luật đầu tư (2005) đã đảm bảo cho các nhà đầu tư mới không phân biệt sở hữu và quốc tịch khi đầu tư tại Việt Nam đều sẽ hưởng chung những quy định về tổ chức bộ máy, về quy chế hoạt động và quản trị DN.

Với các quy định mới trong Luật đầu tư (2005), kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.


Các tin liên quan:
Tạo bởi admin
Cập nhật 15-09-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin