Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Tuesday, 17/12/2024 13:35

Hội thảo Hoá học của người Việt Nam ở nước ngoài - một mô hình mới với cái nhìn mang tầm quốc tế

Trong những ngày cuối Thu tại thủ đô nước Pháp, Hội thảo Hóa học và Công nghệ Hóa học của người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất đã được tổ chức tại Trường Đào tạo kỹ sư ENSAM (Ecole Nationale Supérieure d'Arts et Métiers). Mặc dù thời gian diễn ra ngắn ngủi, chỉ trong hai ngày 07- 08/11/2008, nhưng không khí khẩn trương, thái độ làm việc chủ động, tích cực của Hội thảo Hóa học 2008 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng những người quan tâm.


Các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài thảo luận sôi nổi

Xuất phát từ ý tưởng ban đầu của nhóm các giáo sư Việt kiều tại Pháp và nhóm Hoá học trẻ (H2T) cùng với sự chuẩn bị và phối hợp tổ chức của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), Hội thảo Hóa học 2008 đã qui tụ được hơn 100 báo cáo và công trình hoá học của trí thức Việt kiều và sinh viên Việt Nam đang học tập, làm việc trong các trường đại học danh tiếng tại các nước phát triển như Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Úc, Nhật, Hà Lan, Mỹ...

Gs. Vũ Ngọc Cẩn (Đại học Công nghệ Compiègne, Pháp) - Trưởng ban Tổ chức (BTC) vui mừng phát biểu trong lễ khai mạc: ‘‘Lần đầu tiên, một hội nghị trong lĩnh vực nghiên cứu Hoá học của người Việt Nam và trí thức Việt kiều được tổ chức thành công hơn mong đợi. Với chất lượng chuyên môn cao và sâu, các công trình khoa học đều đạt tầm quốc tế. Ngoài ra, hơn 90% các thành viên tham dự có trình độ Nghiên cứu sinh (NCS) trở lên. Có lẽ, đó là thước đo khách quan nhất ở khía cạnh chuyên môn của Hội thảo. Chúng tôi, các trí thức Việt kiều vui mừng và tự hào về điều đó, đặc biệt, bởi đa phần các thành viên đều thuộc thế hệ trẻ 8x”.


Hội thảo Hóa học 2008 để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người quan tâm

Ngoài báo cáo của các nhà khoa học trẻ trong nhiều lĩnh vực như Hoá hữu cơ, Hóa vô cơ, Hoá lý, Hoá hạt nhân, Hóa môi trường, Hội thảo Hoá học 2008 còn tự hào vì được đón nhiều nhà khoa học uy tín đến trình bày các tham luận có tính thực tiễn cao. Có thể kể đến Ts. Christian Ngô (Công ty Tư vấn Edmonium, Pháp) với đề tài ‘‘Năng lượng nào cho tương lai‘‘. Bài tham luận cho thấy cái nhìn chiến lược về việc sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng đối với từng quốc gia và bài học về sự quản lý năng lượng của nước Pháp những thập niên gần đây, những kết luận về sự đa dạng hoá trong sản xuất các nguồn năng lượng điện rất có giá trị tham khảo đối với Việt Nam hiện nay. Ở lĩnh vực Hoá vật liệu, Ts. Trần Thị Thu Hoa (Trung tâm Năng lượng Nguyên tử, Pháp) đã trình bày tham luận ‘‘Công nghệ Sol-Gel, các vật liệu và ứng dụng‘‘. Trong lĩnh vực Thiên văn học, GS. Nguyễn Quang Riệu (Đài thiên văn Paris, Pháp) đã trình bày tham luận ‘‘Hoá học trong vũ trụ: Từ các hạt cơ bản đến các amino axít‘‘. Cũng trong ngày, các thành viên tham dự còn được đi thăm quan các phòng thí nghiệm vật liệu của trường ENSAM, nơi tổ chức Hội thảo, dưới sự hướng dẫn tận tình và hiếu khách của Gs. Hueber.

Gala Hội thảo Hoá học 2008 diễn ra tối ngày 07/11 là một đêm đáng nhớ. Hội thảo Hoá học 2008 không chỉ dừng lại ở khía cạnh giao lưu chuyên môn đơn thuần, bữa ăn đậm chất Việt Nam và không khí thân tình của buổi gala không chỉ khiến các Việt kiều xa quê hương nhiều năm thêm gần gũi hơn với thế hệ trẻ Việt Nam, mà còn rút ngắn đi khoảng cách giữa các bạn trẻ khắp năm châu hội tụ về đây. Họ cùng rạng ngời với những ly rượu vang Bordeaux, hay sánh vai trong các điệu nhảy quyến rũ lòng người.


Thảo luận bàn tròn theo nhóm chủ đề

Ngày Hội thảo thứ hai được mở đầu với các thảo luận bàn tròn theo nhóm chủ đề. Là khách mời được nhận giải thưởng danh dự của Hội thảo Hóa học 2008, Gs. Trần Thị Mỹ Linh (Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam) đã chia sẻ kinh nghiệm trong Hội thảo bàn tròn về đề tài ‘‘Hợp tác của Việt kiều trong giáo dục và nghiên cứu Hoá học tại Việt Nam‘‘. Gs. Trần Thị Mỹ Linh là người có nhiều công lao trong việc giúp đỡ và giới thiệu hơn 70 sinh viên Việt Nam sang học tập sau đại học tại Pháp và Bỉ trong 10 năm trở lại đây. Sau gần hai tiếng thảo luận sôi nổi, Hội thảo đã đưa ra được một số nhóm các giải pháp, mà tập trung nhất vào khía cạnh hợp tác, đào tạo chuyên sâu cho thế hệ trẻ. Tự hào về lớp các nhà hóa học trẻ đầy tài năng, thiết tha mơ ước xây dựng nền Hoá học nước nhà, Gs. Nguyễn Minh Thọ (Đại học Leuven, Bỉ) vô cùng xúc động và thấy thực sự tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho nền Hoá học Việt Nam.

Bên cạnh đó, bàn tròn thứ hai thảo luận về chủ đề ‘‘Công nghiệp Hoá học tại Việt Nam‘‘. Ts. Lương Bạch Vân (Hiệp hội Công nghệ Nhựa Thái Bình Dương, Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh) đã trình bày tham luận về những bất cập hiện tại trong nền công nghiệp nhựa tại Việt Nam. Cô đã bày tỏ nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực có chuyên môn cao của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng có tham luận về lĩnh vực của ngành Hóa dầu trong buổi thảo luận. Với sự chia sẻ cởi mở, khối doanh nghiệp ngành Hoá trong nước đã có một bước tiến dài khi bước đầu hình thành được sợi dây liên lạc với một bộ phận không nhỏ trí thức trẻ sau khi học tập xong tại nước ngoài, muốn về Việt Nam làm việc và cống hiến.


Hội thảo tạo cầu nối giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ
và lực lượng trí thức Việt Kiều trong ngành Hóa học

Sau hai ngày làm việc, với sự đóng góp đầy trách nhiệm của Hội đồng Khoa học gồm các nhà khoa học hàng đầu như Vũ Ngọc Cẩn, Phạm Minh Châu, Vũ Quang Kính, Lê Đoàn Trung, Lâm Thành Mỹ, Nguyễn Minh Thọ, Trần Thị Mỹ Linh, Vũ Đức Trinh, Võ Thanh Giang, Nguyễn Quang Tiến và Phạm Xuân Yêm, Hội thảo Hoá học 2008 đã trao các giải báo cáo suất sắc nhất cho Ts. Lê Xuân Tuấn (Pháp), Ncs. Vũ Văn Hình (Pháp), Ncs. Nguyễn Hùng Huy (Đức), Ts. Hà Thị Minh Hường (Pháp). Giải poster xuất sắc nhất được trao tặng cho Ncs. Nguyễn Vĩnh Sơn (Bỉ), Ncs. Lê Hữu Quỳnh Anh (Pháp) và Ncs. Tô Thị Kim Loan (Pháp). Thay mặt cho những người được giải, Ncs. Nguyễn Vĩnh Sơn (Đại học Leuven, vương quốc Bỉ) gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Tổ chức Hội thảo, đồng thời nêu lên nguyện vọng của thế hệ trẻ muốn được tham gia nhiều hơn các hội thảo như Hội thảo Hoá 2008, đặc biệt với các hướng ứng dụng thực tiễn trong công nghiệp. ‘‘Chúng tôi hy vọng các sự kiện khoa học của cộng đồng người Việt sẽ diễn ra thường xuyên hơn, có thể khoảng 2 năm một lần, và không chỉ ở Pháp mà sẽ ở nhiều nơi khác trên thế giới.‘‘ Nội dung Hội thảo cũng như các báo cáo được đăng chi tiết tại trang web của Nhóm Hóa học http://www.hoahoctre.org.


Hội thảo giúp triển khai xây dựng một mạng liên lạc gắn bó chặt chẽ
giữa các nhà Hoá học người Việt ở khắp nơi trên thế giới

Ở khía cạnh tổ chức, Ts. Nguyễn Minh Ngọc (Trường kỹ sư ESPCI về Vật lý và Hoá học công nghiệp Paris, Pháp) - đại diện nhóm Hóa học trẻ cho biết: ‘‘Sự thành công mà Hội thảo có được không chỉ dừng lại ở ý tưởng ban đầu là tạo cầu nối giao lưu giữa các nhà khoa học trẻ và lực lượng trí thức Việt kiều trong ngành Hóa học, mà còn giúp triển khai xây dựng một mạng liên lạc gắn bó chặt chẽ giữa các nhà hoá học người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Điều này là thực sự cần thiết khi Việt Nam đang phấn đấu trên con đường hội nhập quốc tế.‘‘

Hội thảo Hóa học 2008 có được sự thành công rực rỡ, không thể không nhắc tới sự quan tâm giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Ban lãnh đạo trường ENSAM, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, Hãng Hàng không Vietnam Airlines, Công ty Axiatec-Pháp và sự nhiệt tình, chu đáo làm việc hết mình của một BTC ‘‘tuy nghiệp dư, đa quốc gia và nhiều thành phần, nhưng tỏ ra rất chuyên nghiệp và đoàn kết‘‘. Mong rằng, những sự kiện như như Hội thảo Hoá  học 2008 sẽ diễn ra thường xuyên hơn, không chỉ với ngành Hoá học mà với cả các ngành khoa học khác. Tất cả vì mục tiêu chung, đó là sự phát triển và lớn mạnh của nền khoa học nước nhà.

Phương Nam (BTC HTH08)


Related news:
Created by phuongthuan
Last modified 17-11-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin