Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 20:12

Kí ức hương vị Tết

"Đến Tết mới có..." hoặc "Còn lâu, có mà chờ đến Tết..." đó là những câu nói cửa miệng của bọn trẻ chúng tôi khi nói về một ước muốn gì đó có vẻ khó thực hiện được hay phải nóng ruột chờ đợi. Mà đến bao giờ? "Có mà đến Tết" ...

 


Trong tâm trí trẻ thơ của chúng tôi hồi ấy, Tết là thời kì mong đợi nhất của một năm. Mà sao lâu thế, "mãi chẳng đến Tết!"...  Năm cũ sắp qua đi, năm mới sắp đến, và năm mới đến được mở đầu bằng Đêm Giao Thừa. Nhưng trước khi đến Đêm Giao Thừa là ngày 30 Tết, và trước ngày 30 Tết là ngày 29 Tết, cứ như thế, Tết Nguyên Đán truyền thống kéo dài đến một tuần lễ: từ ngày 29 Tết đến ngày 5 Tết. Những ngày này người ta quen gọi con số của ngày âm lịch với chữ Tết kèm theo. Và trước những ngày Tết mong đợi này là những ngày chuẩn bị cho Tết. Đó là một thời kì thật vui, thật sung sướng, thật hạnh phúc, chính vì thế, lũ trẻ con chúng tôi bao giờ cũng mong đợi suốt năm để đến ngày Tết.

Những ngày Tết thời thơ ấu của tôi là trong những năm hòa bình mới lập lại được vài năm, đất nước còn bị chia cắt làm hai miền Nam Bắc. Cuộc sống của người dân miền Bắc có nhiều thiếu thốn về vật chất, kinh tế trong giai đoạn đầu xây dựng lại đất nước sau cuộc trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng cái Tết vẫn luôn là cái Tết, và trong kí ức của tôi, những cái Tết đó sao mà đầm ấm, xum họp, thấm đậm màu sắc của cái Tết cổ truyền.

Tuổi thơ tôi mong đợi Tết vì đến Tết được bố mẹ sắm cho quần áo mới, là bé gái, tôi còn được mẹ cài cho một cái nơ hồng trên mái tóc. Anh em chúng tôi được bố mẹ dẫn đi sắm quà Tết, được đến chợ Đồng Xuân để mua hoa Tết. Hà Nội thủa ấy có chợ Đồng Xuân nổi tiếng nhất và các đường phố khu vực quanh chợ thì đông đúc chợ hoa và thực phẩm cho Tết. Hồi đó người ta thường mua gà còn sống về làm thịt chứ không có thịt gà làm sẵn như bây giờ. Mẹ tôi bao giờ cũng cho làm gà từ trước ngày 30 Tết và làm sẵn luôn cho cả ngày Mồng Một Tết vì trong hai ngày quan trọng nhất của Tết cần tránh "sát sinh", mẹ nói thế.

Bữa ăn tối "Tất Niên" là tối ngày 30 Tết vô cùng quan trọng. Mọi người trong gia đình đều có mặt đông đủ, mâm cỗ được bầy ra: thịt gà luộc, thịt gà ninh măng khô, cà ri gà khoai tây, thịt đông, thịt kho, nem, miến gà... Nhưng còn thiếu bánh chưng, thường chúng tôi phải đợi đến sáng Mồng Một Tết mới được ăn bánh chưng vì theo thói quen chiều 30 Tết bố tôi mới nổi lửa đun nồi bánh chưng to đùng và phải canh chừng lửa suốt đêm nhân chờ đón Giao thừa.


Không gian của lễ hội hòa trong tiếng nổ lác đác của những tiếng pháo tép được trẻ con đốt bằng cây hương, và khi những tràng pháo dồn dập tạch đùng tạch đùng là thời khắc của Giao Thừa đã sắp điểm: kim đồng hồ chỉ phút nhích từng bước một, và khi kim giờ và kim phút chập vào nhau chỉ đúng con số 12, cả thành phố Hà Nội nổ ran tưng bừng tiếng pháo, những tràng pháo giòn giã, khắp nơi tràn ngập trong khói pháo, hương pháo thơm thơm, xác pháo đỏ au tràn đầy khắp nơi. Trong tiếng pháo nổ tưng bừng ấy, giọng nói của Bác Hồ chúc Tết qua loa truyền thanh đến mọi nhà, ai ai cũng hồ hởi lắng nghe "Đồng bào thân mến... Năm mới thắng lợi mới...". Tuy còn bé nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi tiếng nói ấm áp thân thiết của Bác Hồ - người cha già kính yêu của dân tộc.

Sáng Mồng Một Tết còn rất sớm tiếng pháo đã nổ ran như đánh thức mọi người. Vừa tỉnh dậy anh em chúng tôi đã vội vàng rửa mặt để mặc quần áo mới. Lúc này là lúc vui thích nhất của bọn trẻ vì chúng tôi được mừng tuổi. Không những được bố mẹ mừng tuổi mà hầu như tất cả các cô chú bác họ hàng đến chơi đều mừng nữa. Bữa ăn trưa ngày Mồng Một Tết cũng quan trọng không kém bữa tất niên, cả gia đình lại xum họp quây quần quanh mâm cơm ngày Tết. Chiều ngày Mồng Một Tết người ta mới bắt đầu đổ xô ra đường đi chơi ngày Xuân và đi chúc Tết nhau. Từng đoàn người "ăn diện như Tết" lũ lượt đi xe đạp trên các đường phố. Họ tìm đến nhà họ hàng, bạn bè để chúc Tết, câu chào mở đầu trong những ngày này là: năm mới xin chúc bác/cô... gia đình an khang thịnh vượng, cầu được ước thấy... Việc đi lại chúc Tết đáp lễ gần như là "nghĩa vụ", vì vậy có khi trong ngày họ gặp nhau tới hai lần tại nhà người nọ và người kia để chúc Tết "đáp lễ" cho trọn nghĩa tình. Đi chúc Tết cũng là một dịp để mọi người biếu quà nhau, bầy tỏ lòng quí mến hoặc quan tâm, hay biết ơn đến nhau. Món quà cũng thật là đơn giản tùy theo khả năng, thường là tấm bánh chưng, hộp mứt, gói kẹo, tút thuốc lá, hay chai rượu cam, quít... Trẻ con đi theo thường được người lớn cho tiền mừng tuổi. Đến nhà nào cũng thấy ngoài cửa vun đầy xác pháo đỏ, không ai xúc xác pháo đổ đi trong những ngày Tết vì mọi người cho rằng phải giữ những vỏ pháo lại để giữ may mắn trong nhà.

Cứ như vậy cho đến hết ngày mùng 2 tết, 3 Tết, 4 Tết rồi ngày 5 Tết, tất cả đều "vui như Tết", và sau đó là "hết Tết". Mọi người trở lại sinh hoạt thường ngày, còn bọn trẻ con chúng tôi lại cắp sách tới trường học, lại chờ mong một năm nữa qua đi để tới Tết.       

Châu Loan (Italia)

Tạo bởi admin
Cập nhật 27-01-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin