Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 23:51

Hồn Việt trên đất Bắc Mỹ

Làm sao gìn giữ truyền thống văn hóa Việt và thuyết phục được lớp trẻ người mình ở nước ngoài duy trì được nó? Nhiều người cho rằng muốn duy trì văn hóa Việt, ít nhất cũng phải gìn giữ cho được ngôn ngữ, ẩm thực và nhạc truyền thống. Thảy sẽ có tác dụng tích cực gắn kết được nhiều thế hệ Việt kiều, nhất là giới trẻ quay về cội nguồn quê hương dân tộc.

 

Đoàn văn nghệ chuyên biểu diễn nhạc dân tộc ở Bắc Mỹ
Đoàn văn nghệ chuyên biểu diễn
nhạc dân tộc ở Bắc Mỹ

Tôi xin kể câu chuyện về hoạt động của ba nhà hoạt động văn hóa, và họ đều là phụ nữ. Suốt các năm qua, dù di chuyển đến nơi đâu sinh sống hoặc làm việc ở châu Âu hay Bắc Mỹ, họ cũng cố gắng dạy tiếng Việt, truyền bá món ăn của người mình, gây dựng các nhóm chơi nhạc truyền thống.

Lớp tiếng Việt trong thư viện Mỹ

Chị T. sang đoàn tụ khá trễ ở Mỹ, do con bảo lãnh. Chị tâm sự ngày đến đất Mỹ, chị đã đón nhận ngay cái sốc đầu tiên: mới sáng hôm sau, vợ chồng chị nghe con trai "Good morning ba mẹ" một cách rất tự nhiên. Chị thấy con cái mới xa cha mẹ có mấy năm mà đã giao tiếp bằng tiếng Mỹ  dễ hơn tiếng Việt; gặp con cái của bạn bè, chị cũng thấy lặp lại tình trạng đó. Vốn là một nhà giáo, chị nghĩ mình có thể bỏ công sức ra giúp con cháu có chút vốn liếng tiếng Việt để hiểu biết được văn hóa quê hương.

Thư viện Mỹ thường sinh hoạt như trung tâm đa văn hóa cộng đồng. Đây là vùng có nhiều người mình sinh sống nên hệ thống thư viện địa phương cũng khuyến khích việc dạy và học tiếng Việt, sắp vào lịch hoạt động chính thức. Chị vận động một số bạn bè cùng chí hướng liên hệ với họ tổ chức các lớp học nho nhỏ dạy tiếng Việt. Ngoài lớp tiếng Việt, chị còn tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi với cha mẹ học sinh nhằm giúp con cái hội nhập vào xã hội mới, giúp các em học giỏi, cũng như tổ chức các lễ hội truyền thống như Trung Thu, Tết Nguyên đán... để thầy trò cùng cha mẹ học sinh làm quen với tập tục cổ truyền dân tộc. Rất mừng là ngày nay ta có thể chứng kiến cảnh cha mẹ các em dành thì giờ đưa đón con cái, cùng học hành và khuyến khích chúng không bỏ sót một buổi học tiếng Việt nào.

"Đại sứ ẩm thực xuyên lục địa"

Thật ra lúc đầu chị H. cũng chỉ làm món ăn Việt để dùng trong gia đình như hồi còn ở trong nước. Sau đó là đãi đằng bạn bè, cả người mình lẫn người nước ngoài. Thế rồi những món Việt khoái khẩu bỗng chốc hấp dẫn mọi người. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đến nhờ chỉ vẽ cho làm món này món nọ, đặt hàng nhờ nấu một số món đặc biệt chiêu đãi khách, và thậm chí còn đòi chị mở lớp dạy. Chị H. ngày càng nổi tiếng trong khu phố nhỏ của mình ở một thành phố Bắc Mỹ. Bản thân chị cũng tích lũy được kinh nghiệm nấu món ăn ta ở xứ người, nơi không sẵn đồ gia vị hay thực phẩm tươi sống như trong nước. Người nước ngoài và cả lớp trẻ Việt không ăn quá mặn cũng không thích cay như ta, thường áp dụng chế độ ăn kiêng vì sợ béo phì và bệnh tật, sử dụng ít mỡ, đường, muối. Món ăn Việt có điều thuận lợi là sử dụng nhiều rau trái, không quá béo như món Hoa, ít cay hơn món Thái, hoặc đầy mùi cà-ri như món Ấn...

Chị H. có  đầy đủ các bí quyết lôi cuốn được cả Việt kiều lẫn bạn bè người nước ngoài dù khó tính và đã tìm cách truyền đạt cho bà con, bè bạn. Vì thế mà con cháu chị luôn hãnh diện giới thiệu món ăn Việt tại các dịp họp bạn ở trường hoặc chiêu đãi bạn bè. Vào các dịp lễ tết truyền thống Việt, chị không quên khuyến khích con cháu, gồm cả con cái bạn bè (lẫn người lớn tuổi xa quê lâu năm hoặc không biết làm một số món Việt đặc biệt) thử làm món ăn, bánh trái Việt. Chị tụ tập họ tại nhà mình hoặc nhà một người bạn có chỗ rộng rãi để chỉ vẽ cho họ tự làm lấy. Chứng kiến những cuộc họp mặt đầy ắp tiếng cười, xen kẽ tiếng Việt bập bẹ của lớp trẻ, nào làm bánh Trung Thu, gói bánh chưng, bánh tét, soạn mấy món bánh mứt vào các ngày sắp lễ Tết, quả là vui và xúc động.

Có dịp đi thăm dài ngày con cháu sinh sống và làm việc ở Pháp, Ý, Canada hoặc Mỹ, ở đâu chị H. cũng đem truyền bá món ăn Việt. Chúng tôi thường gọi đùa chị là vị "đại sứ ẩm thực Việt xuyên lục địa".       

Hồn nhạc Việt nơi đất khách

N., cô sinh viên Việt yêu âm nhạc may mắn đã có căn bản về nhạc truyền thống ở trong nước và ra nước ngoài lại được tiếp tục học tập bài bản âm nhạc phương Tây. Do yêu cầu của nhiều người, N. lập một nhóm biểu diễn nhạc dân tộc. Nhóm nhanh chóng lớn lên thành cả một đoàn văn nghệ, dàn dựng được các chương trình ca múa nhạc lớn. Thành viên gồm những người chơi nhạc tài tử, thuộc đủ mọi lứa tuổi và ngành nghề, từ trẻ em 8-10 tuổi cho đến các cụ 60-70 (sử dụng được nhạc cụ cổ truyền), nhưng đa phần là thanh niên. Đặc biệt, dàn nhạc còn quy tụ cả thành viên là bạn bè người nước ngoài yêu thích nhạc châu Á. 

Đoàn văn nghệ khá nổi tiếng, chẳng những được mời biểu diễn phục vụ người Việt mà còn tham gia các chương trình sinh hoạt đa văn hóa nhiều nơi ở Bắc Mỹ. Bản thân N. phải đứng ra tự hòa âm, phối khí và chỉ huy cả ban hợp ca lẫn dàn nhạc, tốp múa. Em tâm sự rằng việc tập luyện cho trẻ em (đa phần sinh ra và lớn lên ở nước ngoài) rất cực nhọc và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn. Nhưng một khi nhìn thấy các em, cha mẹ, người thưởng thức hân hoan tiếp cận nhạc dân tộc, em lại quên đi mọi nỗi mệt nhọc, cảm thấy phấn khởi và tiếp tục công tác truyền bá nhạc Việt.    

Một nhà nghiên cứu dân nhạc học nổi tiếng người mình đã khuyến khích em thực hiện đĩa CD-ROM, lập  trang web truyền bá âm nhạc truyền thống Việt Nam

Mấy năm qua, do phải di chuyển sinh sống và làm việc tại nhiều nơi khác nhau ở Bắc Mỹ, N. không thể duy trì mãi đoàn văn nghệ quy mô lớn ngày xưa. Tuy vậy, đến nơi nào em cũng cố gắng gây dựng cho được các nhóm chơi nhạc dân tộc. Ngoài nguồn nhạc cụ dân tộc đặt mua trong nước, em luôn trao đổi về chuyên môn với bạn bè, cô thầy cũ ở Việt Nam.

Tôi cảm thấy tâm đắc với tấm lòng cùng quyết tâm của những người trẻ Việt ở xứ người khi đọc khẩu hiệu mà nhóm sinh viên gốc Việt ở một đại học Mỹ nêu lên: "Hãy làm cho truyền thống Việt Nam sống mãi!". Và tôi tin rằng người mình có thể thực hiện được niềm ước mơ đó.

Nguyễn Hữu Thái
(Thanh niên)

Tạo bởi admin
Cập nhật 07-02-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin