Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Thursday, 26/12/2024 1:13

Bonjour Vietnam, khúc tự tình dân tộc

Những ngày đầu tháng 1-2006, cộng đồng mạng xôn xao vì một ca khúc lạ Bonjour Vietnam và một cô ca sĩ trẻ với gương mặt thuần Việt và mang một cái tên Việt: Phạm Quỳnh Anh...

 

Quỳnh Anh
Quỳnh Anh

Bonjour Vietnam và Quỳnh Anh được dân mạng chuyền tay nhau đến cộng đồng mạng qua tin nhắn Yahoo Messenger!, trở thành tâm điểm của một số diễn đàn...

Các thành viên nhanh chóng dịch ca khúc ra tiếng Anh, tiếng Việt rồi những dòng tâm sự của những người con Việt như có dịp để tràn về. Bonjour Vietnam bỗng trở thành cái cớ để cảm xúc của những người con xa quê hoài niệm về đất mẹ VN thân yêu.

Từng theo cha mẹ tham gia nhóm Hi Vọng chuyên biểu diễn dân ca cho cộng đồng, Quỳnh Anh đã có bước đầu khởi nghiệp ca sĩ khá ấn tượng: giải nhất cuộc thi hát “Vì vinh quang” nhóm tuổi thiếu niên của Đài truyền hình Bỉ RTBF vào cuối tháng 9/2000 và đã ký hợp đồng biểu diễn chuyên nghiệp với Universal từ năm 2002.

Có thể nói 2005 là năm để lại nhiều dấu ấn trong bước đường vào nghiệp ca hát của Quỳnh Anh. Tháng ba, nhạc sĩ Marc Lavoine viết bài Bonjour Vietnam dành cho cô bé có gương mặt thuần châu Á và giọng hát trong trẻo này.

Tháng tư thật sự là “cú sốc”: Quỳnh Anh được chọn song ca với Marc Lavoine bài Tôi hi vọng nằm trong album Giờ mùa hè phát hành hai tháng sau đó. Tháng mười một, Quỳnh Anh bắt đầu lưu diễn cùng Marc Lavoine, bắt đầu từ thành phố quê hương của cô, Liège, rồi sau đó là Paris (Pháp).

Tên tuổi của cô ca sĩ mắt xếch được khẳng định và một số nhạc sĩ tên tuổi bắt đầu giới thiệu những sáng tác mới cho album sắp tới của cô. Đặc biệt trong tháng hai này, cô sẽ lại có dịp song ca cùng Marc Lavoine bài hát Tôi hi vọng khi khởi quay video clip.

Một thành viên có tên là Trinh Nguyen trên diễn đàn dành cho những người yêu nghệ thuật tài tử viết: “Mang dòng máu VN nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, hẳn là Quỳnh Anh cũng tìm thấy chính mình trong bài hát nên cô đã trình bày bài hát Bonjour Vietnam rất thành công. Giọng hát trong trẻo, thanh thoát của cô thật sự đã chuyển tải được hết cái hồn của bài hát”.

Bonjour Vietnam cũng là nguồn khơi mào tình cảm của một người con xa VN hơn 30 năm. Sơn Nghị, một thành viên của diễn đàn nói trên, viết: “Tựa đề bài hát làm tôi chú ý. Cái vốn Pháp ngữ của tôi đã gỉ sét từ lâu cũng giúp tôi lờ mờ hiểu nghĩa của bài hát.

Ôi! Bản nhạc diễn tả nỗi khắc khoải của lớp trẻ muốn tìm về cội nguồn, để thấy lại màu da, để ngửi được mùi của đất, của núi rừng và biển mặn...

Thương nhất hai chữ VN cô buông nhẹ ở cuối bài hát, nghe bùi ngùi làm sao! Lòng tôi chùng xuống. Nhắm mắt lại tôi thấy cả một dĩ vãng, mảnh đất nơi tôi sinh ra và lớn khôn.

Căn nhà thuở tôi còn nhỏ, vào những ngày lụt lội không thể đến trường, tha hồ đùa giỡn với nước ngập đến ngang đầu gối. Những lần chơi rượt bắt với chúng bạn, ném vụ, đánh khăng... Hai tiếng VN ở cuối câu hát phả nhẹ vào lòng tôi hương thơm ngày cũ.

Tôi không hiểu nhiều về âm nhạc, nhưng với một bản nhạc đầy ý nghĩa như thế được diễn tả qua giọng hát trong veo của một cô gái Việt đã làm tôi thổn thức. Nỗi thao thức của lớp trẻ hôm nay muốn tìm về cội nguồn”.

Đã hơn 2g khuya (Paris), ngồi nghe nhiều lần Quỳnh Anh ca bài Bonjour Vietnam, thật cảm động! Nhớ quá VN...” - thành viên có nick VietDuongNhan trên diễn đàn Đặc Trưng thổn thức.

 

Bonjour Vietnam

Sáng tác: Marc Lavoine

Raconte moi ce nom étrange et difficile à prononcer
Que je porte depuis que je suis née.
Raconte moi le vieil empire et le trait de mes yeux bridés,
Qui disent mieux que moi ce que tu n’oses dire.
Je ne sais de toi que des images de la guerre,
Un film de Coppola, [et] des hélicoptères en colère ...
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à ton âme.
Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam.
Raconte moi ma couleur, mes cheveux et mes petits pieds,
Qui me portent depuis que je suis née.
Raconte moi ta maison, ta rue, racontes moi cet inconnu,
Les marchés flottants et les sampans de bois.
Je ne connais de mon pays que des photos de la guerre,
Un film de Coppola, [et] des hélicoptères en colère ...
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.
Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam.
Les temples et les Bouddhas de pierre pour mes pères,
Les femmes courbées dans les rizières pour mes mères,
Dans la prière, dans la lumière, revoir mes frères,
Toucher mon âme, mes racines, ma terre...
Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour à mon âme.
Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam (2 fois).

Thương chào Việt Nam

Hãy kể tôi nghe về cái tên xa lạ và khó gọi
mà tôi đã đeo mang tự thuở chào đời
Hãy kể tôi nghe về vương triều cũ và đôi mắt xếch của tôi
Ai nói rõ hơn tôi về những gì người không dám thốt
Tôi chỉ biết về người qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola (*), [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ...
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn người
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam
Hãy kể tôi nghe về màu da, mái tóc và đôi bàn chân đã cưu mang tôi tự thuở chào đời. Hãy kể tôi nghe về căn nhà, con đường, hãy kể tôi nghe những điều chưa biết,
Về những phiên chợ nổi trên sông và những con thuyền tam bản bằng gỗ.
Tôi chỉ biết quê hương qua những hình ảnh của chiến tranh,
Một cuốn phim của Coppola, [và] những chiếc trực thăng trong cơn thịnh nộ...
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam
Chào hỏi giùm những người cha của tôi, những ngôi chùa và những tượng Phật bằng đá,
Chào hỏi giùm những bà mẹ của tôi, những phụ nữ đang cong lưng trên ruộng lúa,
Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng, tôi thấy lại những người anh,
tôi về với tiếng lòng, với cội nguồn, với đất mẹ quê cha...
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để chào hỏi hồn tôi
Một ngày kia, tôi sẽ đến nơi ấy để cất tiếng chào Việt Nam (2 lần)

(Bản dịch của anh Đào Hùng - Pháp 
trên diễn đàn của Silicon Band)

(*) Francis Ford Coppola là đạo diễn Mỹ thực hiện bộ phim kinh điển về chiến tranh VN Apocalypse Now (Ngày tận thế)

(Theo Tuổi trẻ)


Related news:
Created by admin
Last modified 10-02-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin