Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ sáu, 20/12/2024 18:50

Tiến sĩ Võ Tòng Xuân: "Hãy dành một chỗ cho người trở về"

Tiến sĩ Võ Tòng Xuân là đại diện của một thời du học sinh trở về quê hương giữa cảnh chiến tranh và ở lại lo “chạy gạo” của thời hòa bình. Còn hiện giờ, Trường ĐH An Giang của ông đang là một "cánh cửa" mở cho những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết.

Trước sau ông chỉ nói đi nói lại một điều: “Nếu trái tim nóng mà gặp cục nước đá sẽ tan nát hết. Phải biết cách sử dụng những tấm lòng của bao bạn trẻ...”.

"Nhân mình ra" cho đất nước mình

Năm 1971, tôi đang giảng dạy ở Viện Lúa quốc tế tại Philippines. Nhiều anh em ở miền Nam sang học. Lúc đó viện trưởng Đại học Cần Thơ là ông Nguyễn Duy Xuân viết thư sang cho tôi: “ĐBSCL không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh...”.

Bà xã tôi lo: “Đang chiến tranh, về nước họ bắt đi quân dịch thì mai một cuộc đời!”. Một lần nữa, viện trưởng viết thư sang hứa sẽ can thiệp hoãn quân dịch. Thú thật, tôi không tin lời hứa đó nhưng an ủi vợ mình: “Về thì mới biết được, em à!”. Tâm trạng của những người ở xa đất nước là nhiều lúc thấy bơ vơ, nghĩ tới ông bà, cha mẹ tự dưng có một cảm giác không thể tả được, giống như mình mắc một cái tội vậy!

Ngày 9-6-1971, chúng tôi gói ghém hành lý, tạm biệt Viện Lúa quốc tế để về VN làm công việc mà tôi ý thức rõ ràng: cố gắng để “nhân mình ra” cho đất nước.

“Trong lịch sử du học của châu Á thì Nhật Bản từng có thời hạn chế việc du học ở nước ngoài, chỉ khi nhà nước có yêu cầu mới cử người đi học. Ở miền Nam nước ta, chuyện ấy xảy ra trong thời Ngô Đình Diệm.

Ở Trung Quốc, sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, nhà nước tạo điều kiện cho cả trăm ngàn sinh viên đi du học. Lớp sinh viên đó sau này đã tạo thành một “làn sóng du học sinh trở về”. Chính họ đã mang sở học từ các quốc gia hiện đại về xây dựng đất nước.

VN thời mở cửa, chúng ta bắt đầu cử người đi học các nước tư bản từ những năm 1990. Cột mốc đáng chú ý nhất là thời điểm tháng 1-2000: cánh cửa thật sự mở sau một nghị định của Chính phủ qui định thông thoáng hơn trong xuất nhập cảnh. Du học tự túc bùng nổ.

Tôi nghĩ tới giờ này đã là thời điểm tốt nhất để trở về. Đó là các yếu tố thuận: kinh tế phát triển, bang giao Việt - Mỹ và nhiều quốc gia đã tốt hơn nhiều. Không nên quá đặt nặng vấn đề đi hay ở mà hãy chú ý đến những “tài sản” mà du học sinh mang về cho Tổ quốc từ hành trình du học của họ...”.

Ông Phúc Tiến, giám đốc Trung tâm du học Hợp Điểm (TP.HCM)

Cần Thơ thời đó tuy là trung tâm của đồng bằng nhưng cũng ít có người giỏi về lắm. Một mình tôi dạy bảy môn và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp. Riêng chỉ hai năm 1972 - 1974 tôi đã hướng dẫn được 25 SV làm luận văn tốt nghiệp. Lúc đó trong nước không có người làm ngành này, chỉ có một mình làm theo ý mình. Mình mà nhân ra được người nào, mừng người đó.

Lương chính thức chỉ có 21.000 đồng, giá một tô phở thời ấy là 35 đồng/tô. Nghĩa là không thể đủ để nuôi gia đình. Phải ở nhờ nhà ba tôi. Nhà nghèo, ông già cũng ở nhờ ở đậu mà thôi. Tôi nghĩ cách đi làm thêm.

Từ Viện Lúa về, tôi quen nhiều công ty hóa chất, có Công ty Ciba - Geigy muốn mở đại lý bán thuốc trừ cỏ ở VN, họ nhờ tôi làm môi giới và lo phần VN. Công ty này mướn cho tôi một cái nhà tại Sài Gòn để ở, lúc này mới thoát khỏi cảnh ở đậu chui rúc. Thời gian của tôi lúc này coi như kín cả tuần: 4g sáng thứ hai phải chạy xe về Cần Thơ để 8g đứng lớp, làm việc và tối đó ngủ lại trường.

Ngày thứ ba, 5g chiều chạy lên Sài Gòn để làm việc cả ngày thứ tư cho công ty. Sáng thứ năm về Cần Thơ, chiều thứ sáu lên Sài Gòn. Ngày thứ bảy làm việc cho công ty rồi ngày chủ nhật lại đi các vùng thử nghiệm thuốc trừ sâu mà tiếp xúc nông dân. Mức lương tôi lúc đó là 125.000 đồng. Tôi nghiệm ra một điều: ở bất cứ đâu, nơi nào, chỉ cần có kiến thức và sức khỏe là người ta có thể làm nên mọi việc.

Dành một chỗ cho người trở về...

Suy từ kinh nghiệm bản thân, tôi hiểu những người trẻ tuổi từ nước ngoài trở về có rất nhiều nhiệt huyết. Bởi chỉ cần đi ra một chút, ai thức thời sẽ thấy đất nước mình đi chậm hơn thiên hạ và người “có lòng” sẽ thấy mình phải làm một điều gì đó với một trái tim nóng bỏng. Nhưng nếu trái tim nóng ấy mà gặp cục nước đá, sẽ tan nát hết. Phải biết cách sử dụng những tấm lòng của bao bạn trẻ.

Trường hợp của Minh và Quỳnh, tôi gặp các em rất tình cờ trong dịp tết. Hai em thú thật chưa chọn công việc ở đâu. Quỳnh nói với tôi về một mô hình ngôi trường mẫu giáo quốc tế cho đồng bằng. Minh có kế hoạch về lớp học điện tử, về thư viện điện tử và những ứng dụng công nghệ thông tin cho trường đại học.

Với tôi, tất cả những điều ấy đều có thể làm từ Trường đại học An Giang. Cánh cửa phải mở và bắt đầu từ chính nguồn lực này. Quỳnh thì tôi biết từ hồi còn là sinh viên, cô rất giỏi tiếng Anh; Minh là một người đọc và nắm thông tin rất nhanh, có thể góp phần rất lớn từ lĩnh vực công nghệ thông tin mà trường tôi đang thiếu.

 “Tôi đi nhiều nước, thấy anh em học hành bây giờ thật khó mà đoán được nhiệt tình với đất nước ra sao, bởi họ phải đối diện với một môi trường có lắm xa hoa và nhiều cám dỗ, cơ hội thì nhiều nhưng thử thách cũng không ít lắm.

Một số lại lo lắng: không biết về sẽ đóng góp được gì. Tiếc là có một số phụ huynh cũng không muốn con mình trở về. Gia đình là quan trọng lắm, phải hun đúc chí hướng ngay từ gia đình và cha mẹ phải nói được với con cái mình về tiền đồ dân tộc, về nguồn lực đất nước.

Ở ĐH Cần Thơ hồi xưa, chúng tôi chọn mặt gửi vàng và hầu hết 100% các em đi đều trở về. Bởi mình đã thấy được chí hướng của họ trong quá trình học tập tại trường. Có những trường hợp xin được học bổng nhưng lý lịch các em gặp khó.

Tôi đích thân lên gặp giám đốc công an tỉnh bảo lãnh: “Cậu này tâm tư nguyện vọng tôi biết hết, mấy ông ở xã chỉ biết ba nó, chú nó nhưng tôi thì biết nó. Anh cho nó đi đi”. Giám đốc công an gật đầu: “Tôi tin anh, cho nó đi thôi”. Cứ như vậy, các em đi rồi về toàn bộ. ĐH An Giang từ năm 2001 cũng đã gửi được 17 em đi học. Tôi đã chọn và các em sẽ trở về...”.       

TS Võ Tòng Xuân

Chúng tôi mời các em về làm việc. Lúc đầu mình xuất tiền túi cho các dự án nhưng phải nói của nhà tài trợ để các em yên tâm, rồi cũng vận động được Dupont tài trợ cho dự án lớp học điện tử của Minh. Cậu ấy làm hiệu quả tới mức Đại học An Giang trở thành một ngoại lệ để Dupont tài trợ liên tiếp hai năm trong các chương trình của mình. Và mới đây nhất, Minh đã lấy được tài trợ của Điện đạm Phú Mỹ với hệ thống thư viện wireless (sử dụng laptop với mạng không dây trong khuôn viên) và một phòng thí nghiệm về phân bón cho trường.

Rồi tôi đi Học viện Công nghệ châu Á (AIT), một đồng nghiệp giới thiệu: có một đứa rất giỏi đang học môi trường. Tôi tìm ra, đó là Khánh, một sinh viên vốn từ Đại học Bách khoa sang, quê lại ở An Giang, vậy là rủ em về. Khánh mạnh về môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Tôi chạy vạy tìm dự án cho em làm.

Có một trường đại học Nhật đang có chương trình nối kết các nước trong khu vực Mekong, tôi vận động để An Giang gia nhập và giao cho Khánh làm. Cậu ấy vừa làm vừa học tiếp với người Nhật và giờ thì vừa hoàn thành một dự án về cải tạo môi trường nước vùng hạ lưu Mekong.

Tôi nghĩ trong bất cứ môi trường nào cũng phải tuyệt đối mở rộng tầm tay với các em. Phải tìm một chỗ trong cơ quan của mình để cho những tài năng có thể phát triển thành tài năng đất nước, không nên nhìn họ như những người sẽ giỏi hơn và chiếm vị trí của mình.

Tôi cũng đang liên hệ với một cô đang học master một ngành lạ, một chuyên ngành rất hẹp của xác suất thống kê. Đó là cô bé con gái của một cán bộ ngành thuế ở An Giang, học rất giỏi và giành học bổng đi Singapore từ năm học lớp 10 rồi tự tìm học bổng đi Mỹ và sang cả Anh để học đại học và master. Em cứ điện về hỏi tôi kiếm giùm em một chỗ để về làm.

Tôi đã kiếm cho em một chỗ trong bảo hiểm bởi bảo hiểm rất cần ngành mà em học để dự báo thiên tai. ở vùng sông nước mình em có thể xác định được tần số bão lụt, em sẽ giúp tính để người nông dân có thể mua bảo hiểm sinh mạng, bảo hiểm nông nghiệp sao cho công ty bảo hiểm không bị lỗ mà nông dân mình cũng không bị “cắt cổ” nữa.

Đó, tất cả những người tài như vậy có đi ra rồi mới thấy đau lòng tại sao dân mình cần cù, thông minh như vậy mà nghèo. Thấy rồi mới tự ái, tự ái thì họ sẽ làm mọi thứ cho đất nước, dân tộc mình thôi. Hãy dành một chỗ khi họ trở về...

Nguyễn Văn Tiến Hùng
(Tuổi trẻ)

Tạo bởi admin
Cập nhật 22-02-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin