Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ bẩy, 21/12/2024 6:4

Nỗi trăn trở và lời giải đáp

Nhận lời mời của Nhà Văn hoá Thăng Long tại Warsava- Ba Lan, đoàn cán bộ Bộ Văn hoá Thông tin đã sang Ba Lan tìm hiểu mô hình hoạt động, nghiên cứu hỗ trợ công tác thông tin, tuyên truyền, giao lưu văn hoá và khả năng tổ chức các hoạt động văn hoá Việt Nam trong năm 2006 của Nhà Văn hoá Thăng Long nói riêng và của cộng đồng người Việt Nam tại Ba lan nói chung.



Nhà Văn hoá Thăng Long được khánh thành vào ngày 15/6/2003 do ông Bùi Anh Thái, giám đốc Công ty New Sun, một doanh nghiệp Việt Kiều thành lập. Nó ra đời trong bối cảnh tan rã của nhiều Nhà Văn hoá, Trung tâm Văn hoá của các cá nhân, Công ty Việt kiều tại Đức, Pháp và Séc và theo ghi nhận của chúng tôi, đây là địa chỉ duy nhất, nơi sinh hoạt văn hoá chủ yếu của Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

Nó đã ra đời trong nỗi trăn trở, vui buồn, khó khăn, toan tính và dự định của người thành lập, một con người rất tâm huyết với văn hoá, yêu văn hoá và hết lòng mong muốn mang văn hoá Việt Nam phục vụ cộng đồng. Nó là một thiết chế " lấy ngắn nuôi dài", lấy lợi nhuận của công ty New Sun để làm văn hoá, mà ai cũng biết kinh doanh văn hoá đích thực không thể và không bao giờ có lãi. Một thực tế không thể phủ nhận là  thành lập một Nhà Văn hoá, Trung tâm Văn hoá không khó, nhưng duy trì hoạt động và nuôi sống nó, đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tinh thần của Cộng đồng người Việt thì vô cùng khó khăn, muôn vàn trắc trở. Những "Trung tâm Văn hoá Pháp- Việt", " Nhà Việt Nam" ở Pháp, "Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Berlin" đã chỉ tồn tại và hoạt động trong thời gian rất ngắn, rồi tự giải thể, vì lấy đâu ra kinh phí để duy trì và tổ chức các hoạt động văn hoá hướng về cội nguồn, nối vòng tay lớn...

 

Trong bài viết "Trăn trở của riêng tôi" đăng trên tạp chí "Nối vòng tay lớn" (số 17  tháng 10/2005) của Giám đốc Nhà Văn hoá Thăng Long Bùi Anh Thái, nhiều vấn đề đã được nêu ra về sự ra đời và tồn tại của Nhà văn hoá Thăng Long ở Ba Lan. Trăn trở rằng "không biết các cơ quan chức năng về văn hoá ở trong nước có biết ở nước ngoài đã có một Nhà Văn hoá tại Ba Lan đang thực hiện chức năng văn hoá và thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị", " tại sao các cơ quan chức năng, các cơ quan quản lý văn hoá không tranh thủ để cùng với Nhà Văn hoá tạo ra các hoạt động có lợi cho cộng đồng và đất nước", rằng "ở thời buổi kinh tế hiện nay, mọi việc phải rất thực tế, đừng hão huyền và ảo tưởng", "cái gì chưa ra tiền, ra của, chưa có đi  thì chưa có lại" và rằng "phải làm kinh tế trong văn hoá, lấy văn hoá nuôi văn hoá chứ không thể dựa dẫm vào sự giúp đỡ từ bên ngoài" vv và vv.

 

Thưa ông giám đốc, chúng tôi đã thấu hiểu tấm lòng và nỗi trăn trở của ông. Không phải ngẫn nhiên, Bộ Văn hoá Thông tin cử một đoàn sang làm việc trực tiếp với ông. Những nhà quản lý văn hoá chúng tôi hoàn toàn thông cảm về những gian truân thử thách trong việc duy trì hoạt động của Nhà Văn hoá. Chúng tôi thực sự ấn tượng trước việc ông đã xây nên một ngôi chùa tầm cỡ, có tên "Thiên Việt" đặt ngay bên cạnh Nhà Văn hoá và đã được chuyển giao cho Hội những Người Việt Nam tại Ba Lan yêu đạo Phật quản lý. Chúng tôi cũng đã đọc nhiều bài viết đăng trên "Nối vòng tay lớn" của Nhà Văn hoá của ông, phản ánh những hoạt động văn hoá, đời sống tinh thần của Cộng đồng tại Ba Lan. Và đặc biệt, sự ra đời và tồn tại hiện nay của Nhà Văn hoá Thăng Long là sự cố gắng lớn lao của cá nhân ông trong việc phát huy bản sắc Việt Nam trên xứ người.

 

Mặt khác, Bộ Văn hoá Thông tin đã đã có kế hoạch triển khai Nghị quyết số 36 NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và Ch­ương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, với các nội dung cụ thể là:

 

- Soạn thảo đề án trang thông tin điện tử dành cho người Việt Nam ở nước ngoài và đề án xuất bản báo viết, báo điện tử ở một số n­ước có đông người Việt Nam sinh sống.

 

- Xây dựng chính sách hỗ trợ xuất bản báo, tạp chí dành cho người Việt Nam ở nước ngoài và kế hoạch xuất bản và phát hành trong n­ước một số sản phẩm văn hoá của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 

- Xây dựng đề án thư viện trên internet phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 

- Xây dựng các chính sách khuyến khích các đoàn nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn và các nghệ sỹ Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam biểu diễn, nghiên cứu khả năng tổ chức định kỳ, tại Việt Nam, Liên hoan Nghệ thuật dành cho Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong các năm tới.

 

Trong nhiều năm qua, Bộ Văn hoá Thông tin đã thực hiện các kế hoạch cử nhiều đoàn nghệ thuật sang các nước biểu diễn phục vụ kiều bào. Các chuyến đi biểu diễn đã thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp. Chúng tôi cũng đã kiến nghị việc sửa đổi quy chế trợ giá cho các đoàn nghệ thuật Việt nam ra nước ngoài phục vụ Cộng đồng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nghệ sỹ Việt Nam được hưởng trợ giá của nhà nước về vé máy bay đi về.

 

Điều chúng tôi muốn chuyển thông điệp tới ông là hãy liên hệ với chúng tôi, những người trực tiếp quản lý, thực hiện các chính sách văn hoá của Việt Nam trong  lòng Cộng đồng người Việt. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ Nhà Văn hoá trong khả năng của mình để tổ chức các chương trình, hoạt động tại chỗ, giao lưu văn hoá với mục tiêu cao cả là mọi người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu luôn luôn hướng về Đất Mẹ, Cội Nguồn. Hãy duy trì Nhà Văn hoá, sáng đèn hằng đêm, tuỳ khả năng của mình và Đất Mẹ sẵn sàng dành hết những gì có thể, đem đến cho Nhà Văn hoá sức sống và niềm tin vì lợi ích của đất nước, của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

                                                                                   

Đỗ Đức Long

(Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế

Bộ Văn hoá Thông tin)

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 10-03-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin