Camille Huyền - Huế luôn trong trái tim tôi
Ai đã học ở trường nữ Đồng Khánh những năm 70 hẳn còn nhớ Huyền Tôn Nữ Cẩm Hồng, cô nữ sinh mảnh khảnh nhu mì với mái tóc thề xõa kín đôi vai. Rời quê hương khi chưa đầy hai mươi tuổi, Hồng ở lại Pháp với cái tên mới: Camille Huyền. Khởi đầu từ những đêm hát tài tử ở nhà hàng Les Trois Bonheurs trên đại lộ Champs Elysée, Huyền đi vào thế giới âm nhạc. Những ai đã nghe Huyền hát những đêm ấy sẽ luôn nhớ về một giọng nữ trung trầm ấm mà gợi cảm. Hình như chất giọng của Huyền không chỉ là sóng trên mặt nước mà còn là chiều sâu từ đáy tâm hồn: một tâm hồn tinh tế của Huế hòa với phong cách thanh lịch của thủ đô
Mười mấy năm sống ở Pháp, trải qua nhiều buồn vui, qua chia ly và hạnh ngộ, rồi bỗng cuộc đời Huyền rẽ qua một khúc quanh mới. Một lời cầu hôn, một tình yêu lớn đã đến. Rời Paris sang Thụy Sĩ, sống giữa một xứ sở nhiều đồi núi và hồ, Huyền vẫn đem theo tiếng hát và giờ đây một niềm đam mê mới lại đến: vẽ tranh. Sống trong một thành phố đẹp, nhưng Huyền không vẽ thế giới ngoại cảnh, mà dùng đường nét và màu sắc như một ngôn ngữ riêng để diễn tả thế giới bên trong, một thế giới có chiều sâu vô tận. Tranh Huyền có rất nhiều bức vẽ phụ nữ: những người đàn bà được nhìn từ nhiều phía dưới nhiều sắc màu, tất cả họ đều đẹp và bí ẩn. Thân thể và nét mặt họ ẩn giấu nhiều nỗi niềm, gợi nghĩ về những số phận. Có điều gì đó hiện lên từ sau những đường cong và ánh mắt, một điều gì bàng bạc khó tả hết bằng lời, phải chăng là linh hồn của người trong tranh...
Trong những bức tranh ấy, có rất nhiều dáng huyền của Huế.
Trong đêm nhạc nhân dịp khai mạc cuộc triển lãm tranh Huyền vẽ ở gallerie Alte _Kaserne tại thành phố Walliseller, Huyền đã hát thật xúc động bài Đêm tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước trước hơn 150 người tham dự, đa số là người Thụy Sĩ. Ngay sau đó đài truyền hình Walliseller đã phát đi hình ảnh Huyền với bài hát Huế. Chương trình được phát liên tục nhiều lần trong suốt ba tuần lễ: Trong tà áo dài Việt
Đi thật xa, gần nửa vòng trái đất trong nửa vòng đời, Huyền vẫn giữ trong lòng thật nhiều nhớ thương dành cho quê mẹ. Sau gần ba mươi năm, Huyền lại về Bến Xuân - tên một khu vườn rộng đầy cỏ cây trên bờ sông Hương, nơi Huyền xem như một cõi riêng để đắm mình trong cuộc chơi nghệ thuật. Rằm tháng Sáu năm qua, dưới ánh trăng trong vắt, bạn gái Đồng Khánh ngày nào lại cùng nhau quây quần trên cỏ mượt, hát với nhau những bài hát xưa rồi mà không bao giờ cũ...
Nhưng Huế không phải chỉ là Huế xưa. Món quà mà Cẩm Hồng đem về cho chúng tôi rất mới: CD Huyền Cầm, với giọng hát của Camille Huyền qua 10 ca khúc của Khúc Dương. Khúc Dương là ai? Là một nhạc sĩ, đồng thời là một guitarist rất tài hoa của Huế. Giai điệu trong ca khúc của anh mang nhiều sắc thái tương hợp với giọng hát Cẩm Hồng trang nhã, êm dịu và sâu lắng. Tưởng chừng rất mong manh dễ vỡ, mà lại bền bỉ khát khao như những cảm xúc hướng về vĩnh cửu.
Với CD này, Khúc Dương bước ra khỏi vùng ẩn dật của nội tâm để đến với một đối thoại mới. Tháng 10 vừa qua, anh đã lên đường sang Thụy Sĩ để giới thiệu CD với những người yêu nhạc. Còn với Cẩm Hồng, CD này là tặng vật Hồng dành cho những người bạn của Bến Xuân, và trước hết cho người chồng đã hết lòng chăm lo cho sự nghiệp nghệ thuật của vợ. Hình như đấy cũng là lời cảm ơn giản dị và xúc động nhất mà người ta có thể nói, từ Tình Yêu...
Trần Thùy Mai
Related news:
- Người gốc Việt đối phó bão Ike (25-09-2008)
- “Tiểu gia đình” Việt tại Úc (24-09-2008)
- Tết Trung thu của người Việt ở Australia (11-09-2008)
- Viết cho ngày tựu trường... (08-09-2008)
- Câu chuyện thành công của SummerRolls (29-08-2008)
- Thăm lại nơi cứu sống mình (15-07-2008)
- Hành trình của một Việt kiều đi tìm rượu Bó Nậm (08-07-2008)
- Người Việt ở Mỹ chạy lũ (19-06-2008)
- Little Saigon ở San Francisco (17-06-2008)
- Ngọn rau, mầm lá quê nhà (16-06-2008)
Last modified 24-03-2006