Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Tuesday, 24/12/2024 19:43

"Quảng bá văn hoá Việt ở nước ngoài là nhu cầu của người xa xứ"

Chuyển hàng trăm bình gốm, hàng trăm bức tranh, bức thư pháp... đến Ba Lan trong một chương trình giới thiệu văn hoá Việt Nam chủ đề "Sắc màu Việt Nam 1" là một nỗ lực rất lớn của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị. Giới thiệu văn hoá Việt Nam là một nhu cầu của người xa xứ, ông Lê Thanh Bình - Trưởng đại diện tại Việt Nam của Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị đã trao đổi với báo Đại Đoàn Kết.

· Ngày 1-5, "Sắc màu Việt Nam 1" được khai mạc, tiến độ công việc đã được chuẩn bị thế nào, thưa ông?

- Ngót 20 khối hàng đã được chuyển sang Ba Lan, các thủ tục, giấy tờ, địa điểm... đã xong xuôi, hiện đang trong quá trình chuẩn bị trưng bày. Đây là lần đầu tiên Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị tổ chức một cuộc giới thiệu văn hoá Việt Nam qui mô, có sự giúp đỡ của Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Chúng tôi đặt là "Sắc màu Việt Nam 1" tức là sẽ có "Sắc màu Việt Nam 2", "Sắc màu Việt Nam 3"...

· Hội đã chọn những gì để giới thiệu với bạn bè Ba Lan về đất nước Việt Nam?

- "Sắc màu Việt Nam 1" gồm nhiều hoạt động diễn ra ở thủ đô Vác-sa-va, thành phố Kra-kốp. Ở Vác-sa-va, sẽ tổ chức tại hai địa điểm là Nhà Văn hoá Thăng Long và Cung Văn hoá Thanh thiếu niên.

Chúng tôi thiết kế các khu trưng bày theo chủ đề, gồm khu triển lãm các tác phẩm nghệ thuật hiện đại, chủ yếu là tranh về phong cảnh, đời sống Việt Nam của các tác giả có tiếng trong nước; khu trưng bày sản phẩm mỹ nghệ của các làng nghề (tranh Đông Hồ, tranh đá quý, gốm Bát Tràng, Phù Lãng, thổ cẩm...); trưng bày những tác phẩm ảnh về những cổng làng cổ, phong cách chợ quê ở các miền...

Song song với phần trưng bày là các chương trình ca nhạc, chiếu phim giới thiệu vẻ đẹp các vùng miền, trình diễn trang phục dân tộc, giới thiệu hai tuyển tập thơ "Nước non một dải" và "Ngàn năm thương nhớ" của Gia Dũng... Ngoài ra, còn có khu ẩm thực do chính những cửa hàng ăn uống Việt Nam tại Ba Lan thực hiện. Các hoạt động sẽ diễn ra trong một tuần.

· Đó quả là một khối lượng công việc không nhỏ...

- Chúng tôi mất 2 năm chuẩn bị. Về tài chính, Công ty "Sắc màu Việt Nam", một công ty xuất khẩu các sản phẩm văn hoá Việt Nam do ông Trương Ngọc Chinh làm Giám đốc tài trợ 200 triệu đồng, còn lại do Hội chịu trách nhiệm.

· Việc giới thiệu văn hoá Việt Nam là nhu cầu rất thiết yếu?

- Người phương Tây đặc biệt coi trọng các giá trị văn hoá, họ rất tôn trọng những nền văn hoá có truyền thống lâu đời, nhưng lâu nay nhiều người nước ngoài chỉ biết đến Việt Nam về chiến tranh, về nghèo đói. Mặt khác, không ít người Ba Lan chỉ nhìn vào mặt trái của cộng đồng người Việt Nam. Giới thiệu văn hoá Việt Nam với người bản xứ để họ hiểu về đất nước mình hơn, qua đó, tôn trọng mình hơn.

· Sự khác biệt giữa những chương trình "Ngày văn hoá Việt Nam" hay "Tuần văn hoá Việt Nam" ở một số nước do các cơ quan của Chính phủ chủ trì và do cộng đồng người Việt tổ chức?

- Đó là sự đón nhận.

Về những chương trình ngày văn hoá, tuần văn hoá Việt Nam ở một số nước mà các cơ quan của Chính phủ Việt Nam từng tổ chức, các cơ quan của mình thường tự thực hiện rồi mời bà con người Việt đến dự. Số vé mời có hạn, bà con thấy mình là "khách" nên thấy xa lạ, nhiều người có vé mời nhưng không đến.

Theo tôi, các vị đừng biến người Việt thành những vị khách, hãy kết hợp với người Việt mình ở nước sở tại. Bà con sẽ phấn khởi lắm nếu được trực tiếp tham gia gánh vác công việc. Vì sao ư? Mấy khi có một cuộc giao lưu văn hoá của đất nước mình với người bản xứ, bà con muốn được tham gia, để rồi còn "lên mặt" với bạn bè, bà con sẽ đưa những người bạn bản xứ đến để "khoe" với họ rằng nước tôi có sản phẩm đẹp thế này, có cảnh đẹp thế kia, nước tôi có truyền thống mấy nghìn năm...

Trước đây, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan đoàn kết và hữu nghị từng tổ chức giao lưu, giới thiệu văn hoá Việt Nam, dù chỉ "cây nhà, lá vườn", với qui mô nhỏ nhưng vẫn đông là vì thế...

· Hội kỳ vọng gì vào cuộc giới thiệu đầy qui mô này?

- Sự giao lưu văn hoá đi liền với sự phát triển kinh tế. Chúng tôi đã quay phim về qui trình làm tranh đá, về công việc làm gốm... nhằm giúp người phương Tây cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, qua đó thúc đẩy mua bán. Lấy ví dụ về gốm Phù Lãng (dòng gốm sành với màu men da lươn chủ đạo ở Bắc Ninh), trước đây bản thân các cửa hàng của Việt Nam tại châu Âu không biết nhiều về gốm Phù Lãng. Khi 200 sản phẩm Phù Lãng và những băng ghi hình về qui trình làm gốm được gửi sang, ngay trong quá trình chuẩn bị triển lãm, các chủ cửa hàng Việt nhìn thấy đã "kết" rồi, họ bảo rằng người nước ngoài khi được xem sản phẩm, được xem quy trình chuốt gốm, đốt lò sẽ mê tít, mấy người đã gọi điện về nhờ tôi đặt hàng. Đấy là chưa đến ngày mình giới thiệu rộng rãi tới công chúng...

* Xin cảm ơn và chúc "Sắc màu Việt Nam 1" thành công!

Chí Dũng
(Đại đoàn kết)

Created by admin
Last modified 24-04-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin