Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Wednesday, 25/12/2024 10:12

“Thật ấn tượng! Chúng tôi ai cũng mong có được một cộng đồng như vậy!”

Bà Wang Haihan, Phu nhân Đại sứ Trung Quốc - mà bản tính hay cười ít nói đã thốt lên như vậy khi cùng đoàn Phu nhân Đại sứ các nước châu Á đi thăm Trung tâm thương mại Sapa vào một ngày đầu tháng 4/2006.

Phu nhân Đại sứ các nước Philipin, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc và Phu nhân Đại sứ Bỉ (gốc người Philipin) đã có mặt trong bữa tiệc chiêu đãi do Phu nhân Đại sứ Việt Nam tổ chức tại nhà hàng Đông Đô, nằm trong Trung tâm thương mại Sapa.

Đoàn các chị Phu nhân đã được chị Tạ Phạm Bích Thủy, Chủ tịch Câu lạc bộ Phụ nữ Hương Việt, giám đốc Nhà trẻ Sen Việt và là chủ Doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng Việt Nam, công ty Dalimex, được sự ủy quyền của Phu nhân Đại sứ ta, giới thiệu đôi nét về cộng đồng người Việt tại Séc, về cơ cấu tổ chức, về các hoạt động phong phú của cộng đồng, và về Trung tâm thương mại Sapa mà gia đình anh chị là một cổ đông, với phần phiên dịch tiếng Anh rất lưu loát của cháu Trịnh Việt Hà, con trai chị. Các chị Phu nhân ngạc nhiên nhìn nhau khi được biết có tới gần 40.000 người Việt sinh sống tại đây và phần lớn trong số họ đã được phép cư trú dài hạn. Chị Haihan (Trung Quốc) cười và thừa nhận “Cộng đồng người Trung Quốc nhỏ bé lắm so với Việt Nam, chỉ bằng một phần mười thôi!”. Chị Taeko (Nhật Bản) thì nói có khoảng 1.500 hay 1.600 gì đó  doanh nhân người Nhật, đại diện cho các công ty Nhật đầu tư tại Séc. Chị Salas (Philipin) khẳng định chỉ có 52 người Philipin đang sống tại đây, rất nhanh chị Elena bổ sung: “Đúng hơn là có 52 người rưỡi – cái rưỡi đó là tôi”, tất cả đều cười, chị là người Philipin, nhưng lại “xuất giá tòng phu” theo chồng là người Bỉ như tôi đã giới thiệu ở trên. Chị Barbara (người Ba Lan, Phu nhân Đại sứ Ấn Độ, đã có một nhiệm kỳ 1993-1996 là Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP Hồ chí Minh) ngước cặp mắt xanh đeo kính và kể: “Chồng tôi nói là có khoảng hơn 300 doanh nhân Ấn Độ tại đây”. Còn chị Karina (Malaysia) thì lắc đầu: “Tôi mới sang đây nên chưa được biết, nhưng chắc chắn là ít, ít lắm!”.

Sau đó Đoàn rời nhà hàng Đông Đô đi thăm CLB phụ nữ Hương Việt, Nhà trẻ Sen Việt, phòng tranh Việt, phòng trưng bầy những sản phẩm may mặc nhập khẩu từ Việt Nam và gian hàng thực phẩm châu Á – một chương trình tham quan phong phú, hấp dẫn và quả là ấn tượng!

Tôi cũng lần đầu tiên được đến thăm Nhà trẻ Sen Việt với 21 cháu bé tuổi từ 1 đến 3 đang vui chơi trong một không gian thoáng, sạch, đầy đủ tiện nghi theo tiêu chuẩn châu Âu. Tôi đặc biệt chú ý đến một bé gái khoảng trên dưới 3 tuổi đang ngồi trên xe nhựa chạy khắp phòng, một bé gái có nhiều nét Âu tóc nâu mắt xanh rất xinh xắn, tôi thì thầm vào tai chị Barbara lúc đó cũng đang chăm chú dõi theo cô bé: “Này chị, bé gái đó rất giống chị đấy, hẳn là mang hai dòng máu!”, chị chỉ cười rất tươi. Rồi tò mò, tôi tìm đến hỏi anh thanh niên trông trẻ, vừa lúc bé gái Âu chạy đến đòi lên lưng ngựa: “Bé gái này mẹ Việt bố Âu hay ngược lại?” – “Không ạ, bố mẹ đều là Âu, nhưng muốn cho con vào đây để học tiếng Việt”. Thật ngạc nhiên, phải không các bạn? Các phu nhân đã dừng lại hơi lâu trong cái không gian trẻ thơ đáng yêu ấy, và vì vậy đã phải bỏ chương trình thăm câu lạc bộ võ thuật như dự tính.

Vào thăm phòng tranh Việt, anh Vũ Hữu Nam – Chủ nhiệm tờ Vạn Xuân - đã chờ sẵn và rất nhanh, anh giới thiệu “thân thế sự nghiệp” của cố họa sỹ Vũ Quốc Chính, không đợi người khác giới thiệu về mình. Phần giới thiệu của anh cùng với “phần hồn” những bức tranh của Vũ Quốc Chính đã cho các chị Phu nhân - từ nhiều nước khác nhau với nhiều quan điểm khác nhau - một hiểu biết chung về cộng đồng người Việt tại đây: họ đã phải xa quê hương, đã phải rất vất vả để kiếm sống, nhưng họ là một cộng đồng mạnh, có tổ chức, và hơn hết, trong mỗi con người họ là một trái tim biết yêu thương, gắn bó đùm bọc lẫn nhau và luôn hướng về quê hương đất nước… Rồi thì các chị sẽ còn nhiều dịp để quay lại đây, sẽ còn nhiều câu hỏi mong lời giải đáp và sẽ là chủ đề của nhiều cuộc gặp gỡ tiếp sau… Tôi tin như vậy!

Chị Carmelita Salas, Đại sứ Philipin năm thứ 9 tại Cộng hòa Séc, và là Trưởng Đoàn Ngoại giao (theo thông lệ thì ai là Đại sứ lâu năm nhất sẽ là Trưởng Đoàn ngoại giao), ngay khi đến nhà hàng Đông Đô đã nói với tôi rằng, chị đã từng đến nhà hàng như thế này ở Dejvicka, tôi ngạc nhiên và nói rằng tôi không biết điều đó, rằng chúng tôi có nhiều nhà hàng ở nhiều nơi, nhưng theo tôi được biết thì hiện nay chỉ có nhà hàng này to nhất và được biết đến nhiều nhất trong cộng đồng chúng tôi. Chỉ ít phút sau, khi trả lời câu hỏi của các Phu nhân về nhiều vấn đề trong đó có chủ đề này, chị Thủy cho biết là đã tồn tại nhà hàng như vậy từ năm 1992, đến năm 2001 thì đóng cửa do hết hạn hợp đồng thuê nhà. Hóa ra còn nhiều điều về cộng đồng tôi chưa được biết. Bữa tiệc trưa hôm đó, ngay cả khi đã trừ đi một số phần trăm “xã giao” của giới ngoại giao, cũng không thể không nhắc lại rằng “ẩm thực Việt Nam thật tuyệt!”.

Trong lời đáp từ chia tay (Đại sứ và Phu nhân Trung Quốc kết thúc nhiệm kỳ công tác), cầm món quà tặng kỷ niệm “từ Việt Nam” trên tay, chị Haihan xúc động nói: “Chúng ta đã là những người bạn thân thiết, đã có những cuộc gặp gỡ thú vị, và hôm nay tại Trung tâm cộng đồng Việt Nam, chúng ta lại có thêm một cuộc tham quan ấn tượng, hiểu biết nhiều hơn về cộng đồng Việt Nam, chúng tôi ai cũng mong có được một cộng đồng như vậy!”. Thay mặt cho các Phu nhân, chị Đại sứ Salas nói: “Cám ơn chị Phu nhân Đại sứ Việt Nam, và qua chị, cho chúng tôi gửi lời cảm ơn tới cộng đồng người Việt đã cho chúng tôi một ngày vui đầy ấn tượng hôm nay!”. Với hai túi quà tặng trĩu nặng trên tay “hoa quả Việt” và “sản phẩm Việt”, một chị nói: “Này chị Văn, thế này thì lần sau tôi chiêu đãi, tôi lấy đâu ra nhiều quà để tặng các bạn đây?”, - “Chị bạn thân mến ơi, tôi nhắc lại, đây là quà của Cộng đồng Việt Nam, chứ không phải của tôi!”. -  “Vậy thì hãy cho chúng tôi cảm ơn Cộng đồng Việt Nam của chị!”. 

Vậy là, bây giờ tôi có trách nhiệm chuyển lời cảm ơn của các Phu nhân các nước châu Á đến cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc nói chung – một cộng đồng đông và mạnh rất đáng tự hào, đến Trung tâm thương mại Sapa, và cụ thể hơn, tôi xin chân thành cảm ơn anh Hoàng Đình Thắng đã ủng hộ và hỗ trợ cho hoạt động đối ngoại này, cảm ơn chị Bích Thủy, cháu Việt Hà, anh Vũ Hữu Nam, anh Hải, anh chị Thu-Yến, và nhiều người khác, những người đã trực tiếp tham gia vào họat động đối ngoại và đã góp phần không nhỏ tạo nên “ấn tượng Việt Nam”; cám ơn cháu Hà, cháu Huy và đội ngũ nhân viên nhà hàng Đông Đô đã phục vụ chu đáo cho bữa tiệc.  

Đến đây, tôi xin lỗi Bích Thủy vì đã không thực hiện lời đề nghị của chị: không đưa tên chị và công ty của chị lên mặt báo.

Tôi nhớ lại, trước đây, tôi đã có vài bài báo viết về cộng đồng, hay nói đúng hơn là những cảm nhận của tôi khi đi thăm hay đi dự những họat động của cộng đồng, trong đó có nhắc đến tên của người này người khác, và rồi sau đó, khi gặp lại, có người trách tôi: Sao chị lại nêu tên em? Dù là khen thì em cũng không thích bị nêu tên. Và rồi tôi không viết nữa, cứ âm thầm chứng kiến những đóng góp của một số cá nhân cho công việc đối ngoại của Nhà nước và hoạt động chung của cộng đồng. Tôi đã không nói, rằng một cặp vợ chồng trẻ ở Plzen, khi được biết Sứ quán hết tranh thêu Việt Nam để tặng các bạn Séc, thứ mà họ thích, đã nhờ người chở lên tặng 3 bức tranh thêu phong cảnh Việt Nam “để các bác làm quà tặng đối ngoại”;  rằng một doanh nghiệp chuyên nhập các mặt  hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam, đã nhiều năm cung cấp “miễn phí” hàng cho “Hội chợ các Phu nhân ngoại giao” đã vui vẻ mời chào “xin các chị cứ chọn những thứ có thể làm quà tặng, tôi xin tặng lại”. Vâng, tôi cũng chưa hề kể trên mặt báo, rằng đã có một cuộc chiêu đãi, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ là những sản phẩm từ những nhà máy của chúng ta trên đất Séc, và đã làm thành những túi quà tặng cho khách phong phú và độc đáo, mang tính quảng cáo không chỉ cho sản phẩm, mà là cho sức mạnh cộng đồng: 1 hộp gốm sứ “hạnh phúc” hai chén hai đĩa dành cho hai người, 1 gói chè Vinatea, hai gói mỳ xào hai màu LCT, kèm thêm 3 hộp cao xoa “Sao Vàng” chính hiệu Việt Nam, để rồi vài ngày sau đó chúng tôi nhận được những tấm bưu thiếp cám ơn, trong đó, đặc biệt hơn, Ngài Đại sứ Nhật Bản đã nắn nót viết bằng tay những lời nồng ấm ca ngợi Việt Nam. Và nhiều, nhiều chuyện hay nữa mà tôi không thể kể hết ra đây. Tôi biết rằng không chỉ bây giờ, vào nhiệm kỳ của chúng tôi mới có những sự hỗ trợ như vậy, mà đã thành truyền thống, và vẫn sẽ như thế, và tôi luôn nhắc lại: chúng tôi đã chứng kiến một nền “ngoại giao nhân dân”.

Nhiều người trong số các Phu nhân ngoại giao biết chị Usha – Phu nhân Đại sứ Thái Lan tiền nhiệm, người bạn, người chị rất thân thiết của cộng đồng chúng ta. Anh Kriengsak và chị đã có một nhiệm kỳ ba năm tại Việt Nam trước khi sang đây. Với rất nhiều đóng góp cho tình hữu nghị giữa hai nước, anh Kriengsak đã được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương hữu nghị. Anh chị có nhiều bạn bè là những doanh nhân người Việt cả tại Séc và tại Việt Nam. Khi còn ở Séc, không tuần nào chị không có mặt tại chợ Việt Nam một lần và thưởng thức món phở Việt Nam mà chị cho rằng “ngon hơn cả phở Thái và phở Trung Quốc”. Và trong bữa tiệc hôm qua, ngày 5/4 ấy, các chị Phu nhân lại nhớ đến chị Usha và tâm đắc với câu nói của chị: “Trung tâm thương mại Việt Nam – một địa chỉ hấp dẫn”. Và tôi tin, các chị không bỏ qua cơ hội đến với cộng đồng Việt Nam nhiều lần nữa.                                         

                                                       Praha tháng 4/2006

Đinh Thị Văn


Related news:
Created by admin
Last modified 23-05-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin