Đi lên từ cát sỏi |
- Chết em rồi, bọn nó làm ăn thế này thì gay to! Dục vội đánh tay lái, tránh cái vũng nước to tướng ngay trước mặt nhưng không kịp, - Dục vừa nói “gay to”, “gay to” là gay thế nào? Một chị trong đoàn hỏi. - Thợ xúc cẩu thả. Họ đã không cào thoai thoải cái vách đất kia, mà lại để dựng đứng như thế tạo cơ hội cho lũ chim én làm tổ. Một khi chúng đã làm tổ, sinh con đẻ cái trong đó thì bọn em chỉ còn nước đợi đến mùa đông, khi bọn chúng dọn đi mới tiếp tục khai thác cát được, nếu không sẽ bị các nhà chức trách địa phương hỏi thăm. Họ cấm phá vỡ môi trường sinh thái, cấm sát hại các sinh vật cảnh trong thiên nhiên mà! - Hay thật nhỉ? Mà ở đây có cả cóc hay ếch kia kìa! Tôi phát hiện ra mấy cái đầu đen đen đang bơi trên đầm nước. – “Không, rùa đấy! Bọn em thả 12 con rùa ở đây để nuôi thử!” – Bảy – người con thứ bảy trong một gia đình tám con mà Dục là thứ sáu – cho chúng tôi biết, “còn một khu vực khác, sau khi đã hoàn tất việc khai thác cát năm 2002, chúng em đã thả cá chép để nuôi và thu hoạch hàng năm, cũng có lãi”. Nhắc đến cá, tôi nhớ lại dịp Hội chợ từ thiện năm ngoái do các Phu nhân ngoại giao tổ chức, công ty Saigon Aquarium Corp. của Dục đã chở đến Hội chợ một trăm con cá cảnh các loại để bán phục vụ công tác từ thiện, để rồi mấy tháng sau đó, chị Phu nhân đại sứ Thụy Điển có cậu con nuôi Việt Nam 11 tuổi quê gốc Thái Bình, hồ hởi kể cho tôi và các Phu nhân khác nghe rằng: “Con trai tôi đã mua một con cá từ gian hàng của các bạn Việt Nam. Chúng tôi đã rất lo lắng không biết phải chăm sóc nó như thế nào (vì Dục chuyển cá thẳng từ Thành phố Hồ Chí Minh sang vào ngay trước ngày Hội chợ và đã chở thẳng đến Hội chợ, chỉ có cá và lọ đựng, không một dòng chỉ dẫn về loại cá và chế độ chăm sóc kèm theo), nhưng rồi nó đã ăn tất cả những gì mà chúng tôi cho nó: hạt cơm, vụn bánh mỳ, thậm chí cả những mẩu xúc xích nhỏ… Có lần con tôi đưa nó ra thả vào hồ nước trước nhà, nó không bơi nữa, cứng đơ, chắc là vì lạnh, chúng tôi sợ quá, đưa nó trở vào nhà, và rồi nó bình thường trở lại, vẫn tung tăng trong lọ đến tận bây giờ”. Tôi thở phào nhẹ nhõm và cùng cười rạng rỡ với các bà, thầm cám ơn Dục và công ty Saigon Aquarium Corp. cùng với các nhà tài trợ khác đã tạo nên ấn tượng Việt Nam. Dục đưa chúng tôi đi lòng vòng trong cái thung lũng rộng lớn chứa đầy cát, vàng ánh lên trong nắng tháng năm. Xe nhảy chồm chồm theo vết những bánh xe xúc khổng lồ, tạo những cú sóc nảy người làm chị Hòa nhớ lại “Những nẻo đường Trường Sơn thời chống Mỹ”. Đến gần một cái máy xúc đang làm việc, Dục ra hiệu và một thanh niên người Việt nhanh nhẹn nhảy ra khỏi xe, tiến đến chào chúng tôi. Anh tên Quang, hiện đang một mình trên đất Séc, rất chịu khó làm thêm, mỗi ngày 10-12 tiếng kể cả ngày nghỉ để tích lũy gửi về quê hương cho vợ con, cho gia đình. - Công ty hiện có bao nhiêu công nhân, Việt hay Séc? - Không nhiều, chỉ trên dưới năm chục, một số ít là người Việt, còn lại là người Séc. - Và có bao nhiêu cơ sở khai thác như thế này? - Về số lượng anh cho em được bí mật. Nhưng chỗ này bọn em chỉ khai thác khoảng hơn hai năm nữa là hết, bọn em đang triển khai giải phóng mặt bằng, tức là bóc hết lớp đất màu bên trên để khai thác cát ở một nơi khác. Báo tin vui cho các anh chị là diện tích nơi đó lớn hơn đây nhiều và chất lượng cũng tốt hơn. Và chúng tôi đã được đến thăm cơ sở mới của Dục, không xa Praha. Một khu đất rộng, hay nói đúng hơn là một cánh đồng rộng hàng trăm hécta xanh rì lúa và cỏ. Dục dẫn chúng tôi đến tận nơi mấy cái máy xúc, máy ủi đang làm việc. Những đụn đất rất lớn được tạo thành từ lớp đất màu chỉ sau hai tuần các máy ủi hoạt động, để lộ lớp cát sỏi bên dưới màu vàng, như một tấm thảm vàng rộng vài chục héc ta trên nền xanh bao la vài trăm hécta của lúa, hoa và cỏ. Dục kể: để có được mỗi dự án khai thác như thế này bọn em rất vất vả. Có dự án bọn em mất đến bảy năm, tốn phí không ít mới được phép triển khai. Có nơi bọn em thuê đất để khai thác, sau khi khai thác xong lại phải san ủi, tạo lớp đất màu trở lại và trồng lại rừng để trả lại địa phương theo đúng hợp đồng. Có nơi bọn em mua được hẳn, thì sau khi khai thác xong, bọn em lại phải tính chuyển sang hình thức kinh doanh khác, chẳng hạn nơi đây, sau khoảng hai chục năm khai thác, sẽ trở thành khu công nghiệp... - Toàn những dự án mười năm, hai mươi năm và lâu hơn nữa như vậy, gia đình em sẽ định cư lâu dài trên đất Séc chứ? - Bọn em chưa tính trước được, đến đâu hay đến đó thôi anh ạ! Dục cười, cái miệng rộng để lộ hàm răng trắng trên khuôn mặt có nước da Quảng Ninh, đen như than. - Em nghĩ chắc là không, nhân vật này yêu quê hương lắm đấy anh ạ! Năm ngoái gia đình anh chị Dục-Nguyệt đã gửi về cứu trợ bão lụt cho quê hương Thanh Hóa số tiền lớn nhất đấy ạ! - “Quốc gia riêng” mà cũng có nhiều người tài nhỉ! - Tài cán gì đâu ạ, chẳng qua là gặp may thôi! Em sang đây năm 1986, là công nhân học nghề. Thời chuyển đổi cơ chế, bọn em chuyển sang đi buôn, gặp được một số người bạn Séc tốt, họ cho mượn vốn làm ăn, rồi tin tưởng nhau, rồi thành thân. Vào năm 2000 khi công ty khai thác cát của họ cần thêm cổ đông, họ rủ em, em cũng thấy hay và tham gia, thế là 50/50, nửa Việt nửa Séc, hiện nay là như vậy! - Có bao nhiêu công ty khai thác cát trên toàn Séc? Có công ty nào nữa có người Việt tham gia? - Hàng trăm công ty, có cả các công ty Anh, Áo, Pháp, Mỹ,… nhưng người Việt thì theo như em biết là không, ngoài em. - Khi khai thác cát ở lớp đất sâu như thế, bọn em có gặp những bất trắc gì không, ví dụ như bia mộ hay cổ vật…? - Ồ, để em dẫn các anh chị đi xem ngay khu mộ cổ đang khai quật trên phần đất của bọn em. Bọn em đang gặp rắc rối với nó: phải chờ cơ quan khảo cổ học làm xong bọn em mới được phép khai thác. Thế là chiếc xe lại chồm lên quay về phía một khu đất cao vài chục mét, cách đó không xa. Chiếc xe lao lên, gần như dựng đứng mới lên được khỏi dốc, và trước mặt chúng tôi mở ra một khoảnh đất bằng phẳng, rộng chỉ khoảng hơn nghìn mét vuông với những ô hình chữ nhật dài và nhỏ, rộng khoảng 30cm, dài 150cm và sâu khoảng 40cm, trên có cắm các cột gỗ có đánh số. Vài hố to rộng hơn và có căng những tấm bạt che mưa. Lác đác có vài người đang lúi húi đào bới bên các hố. Các anh trong đoàn đã tò mò, mở một tấm bạt để xem, và lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến một ngôi mộ cổ, một bộ xương khá nguyên vẹn với tư thế nằm nghiêng, chân gập, cái sọ ngoảnh lên trên. Dục cho biết khu mộ này có cách đây khoảng 5000 năm (?), căn cứ vào tư thế nằm và kích thước cơ thể các nhà khảo cổ học xác định như vậy. Tôi vốn chẳng có chút kiến thức gì về khảo cổ học, nhưng lại luôn nghi ngờ về tính chính xác của tháng năm – tuổi thọ của các cổ vật - ngay cả trong các bảo tàng cấp quốc gia, chứ chưa nói là còn đang nằm trong đất như thế này, nên đã lập tức đặt một dấu hỏi rất to trước thông tin mà Dục cung cấp. Nhưng khi chúng tôi đến xem những người khảo cổ đang đào bới, họ cho biết khu mộ này có từ 7000 năm trước(?). Một chị – người gốc Ucraina - còn vui vẻ dẫn chúng tôi đến chỗ một phụ nữ khác đang cẩn thận bới từng mẩu đất, để lộ một nửa cái bình hoa nhỏ nguyên vẹn màu xanh nằm nghiêng dưới độ sâu 50cm. Chị Minh Hòa đề nghị chị đào thêm để lấy cái lọ lên, nhưng chị từ chối và nói chỉ được phép đào như vậy, sau đó các chuyên gia khảo cổ sẽ đến chụp hình và làm tiếp những phần còn lại. Chị này lại một lần nữa khẳng định những cổ vật này có từ cách đây 7000 năm(?). Thật quá sức tưởng tượng của tôi. Chia tay Dục, tôi nói với Dục rằng chuyến thăm này tôi được biết thêm nhiều điều lạ: khi đến Séc chúng tôi được đi thăm nhiều lâu đài cổ, nhiều công trình nghệ thuật cổ hàng nghìn năm của Séc và đã thán phục, và lần này là khu mộ cổ bảy ngàn năm, được chứng kiến những con chim én bé nhỏ nhưng đông đúc xây “ngôi nhà hạnh phúc” trên đất cát pha, và một người Việt đi lên từ cát. Praha ngày |
Tap chi Que Huong tren Internet Kenh thong tin cua Uy ban ve nguoi Viet Nam o nuoc ngoai Tong bien tap Hoàng Bình Toa soan: 32 Ba Trieu, Ha Noi, Viet Nam Tel: (84-4) 8.24.04.01, 8.24.04.02, 8.24.04.03, 8.24.04.04 Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: quehuong@hn.vnn.vn Giay phep 399/GP-BVHTT ngay 26/12/2000 cua Bo Van hoa - Thong tin |