Chợ Việt ở Nam Australia
Khu Siêu thị người việt ở Australia
Siêu thị Tân Ký này, Hoàng sang lại từ một người Việt gốc Hoa, ngày càng ăn nên làm ra. Ông nói cũng muốn “sang” tờ báo bên cạnh, nhưng người chủ “hét” đến 200.000 đôla Australia (AUD) nên đành chào thua.
Lạ là số đông khách tới mua đồ tại siêu thị VN này lại không phải người gốc Việt.
Ông Hoàng nói rằng chính ông cũng bất ngờ về điều đó. “Tôi không hiểu tại sao càng ngày càng có nhiều người bản địa đến mua những món mà ngay người Việt cũng ít mua như: giấy vàng mã, đôla âm phủ, mắm ruốc, ớt”, ông nói. “Đôla âm phủ in ở đây sao?”, tôi hỏi. “Không, nhập từ VN sang đó”, ông Hoàng trả lời với vẻ thích thú.
Một số người Australia đến siêu thị để mua rau, hành, ớt, tỏi, gạo, thậm chí bếp lò về nấu những món VN như: lẩu, canh chua, hay cá kho tộ. Ông Hoàng tò mò hỏi làm sao họ biết những món này thì hầu hết đều trả lời vừa đi du lịch VN về, và đâm ghiền những món đó.
Một sinh viên VN đang học tại ĐH New South Wales cho biết anh có cảm tưởng người Australia ngày càng có khuynh hướng thích đi du lịch VN. Rồi anh tự giải thích: "Có lẽ VN đang thay thế đảo Bali của Indonesia trong các chương trình du lịch của dân Australia".
Bà Janet Goodwins và chồng là ông Paul Goodwins, sống tại thị trấn Lismore, phía Nam Sydney, có vẻ không mấy đồng ý về chuyện này mà nhấn mạnh đến sự độc đáo và chất lượng phục vụ du khách của VN ngày càng được cải thiện.
Bà Janet nói: “Chúng tôi vừa đi Venice, Italy về. Một cảnh trí tuyệt vời. Nhưng khách sạn 5 sao ở đó đến 500 đôla. Khách sạn 5 sao Caravelle ở TP HCM chỉ có 150 đôla, nhưng khách quan mà nói, chất lượng phục vụ của Caravelle ở TP HCM tốt hơn nhiều so với khách sạn 5 sao ở Italy”.
Sợ rằng hai ông bà “quá ngoại giao” với một nhà báo VN nên nói thế, PV hỏi lại: “Có thật thế không? Tôi có thể trích lời ông bà trong bài báo không?”, thì cả hai người đồng thanh: "Tại sao không?".
Bà Janet còn nói thêm: “Khi đi du lịch VN hồi năm 2004 về, nhà tôi bị sốt rét phải nằm bệnh viện hai tuần. Nhưng tôi sẽ sang thăm VN lần nữa vào năm 2007. Tôi muốn trở lại Hội An và muốn ở gần một chợ cá để tự mình đi chợ và nấu những món ăn Việt, nhất là món chả cá Lã Vọng”.
Không chỉ gia đình ông bà Paul Goodwins mà nhiều gia đình Australia cũng ghiền món ăn VN vì “nó ít mỡ, nhiều rau”. Bữa cơm nhà nghèo (đói ăn rau, đau uống thuốc) không ngờ bây giờ lại hợp thời.
Chính vì thế mà nhà hàng VN bắt đầu mọc lên nhiều và làm ăn khấm khá, ngay cả ở những nơi có ít dân gốc Việt như thành phố Adelaide, Nam Australia, chỉ có 13.000 người Việt sinh sống. Nhà hàng mang tên “Việt Nam” của ông Phan Quang Định, người Bồng Sơn, rất nổi tiếng ở Adelaide.
Chúng tôi phải gọi điện thoại và vào mạng đăng ký từ chiều nhưng mãi đến 10 giờ đêm mới có bàn. Trong quán đầy khách Australia chứ không phải châu Á.
Lúc đầu ông Định phải chịu bốn năm lỗ lã, không cách gì vực dậy. Nhưng rồi một thảm kịch xảy ra, một cô gái bị bắn chết ngay trong quán. Ông Định lập bàn thờ cô gái xấu số, vì tin rằng cô gái sống khôn thác thiêng sẽ phù hộ ông.
Không ngờ vận may mỉm cười. Khách đến ăn rất nhiều. Thật ra không phải (hay không biết) cô gái có phù hộ hay không nhưng quán của ông đã thành địa điểm được báo chí nhắc đến nhiều do vụ tai nạn đó. Từ đó ông chuyên tâm củng cố thương hiệu bằng chính chất lượng món ăn và cung cách phục vụ.
Trong quán ông dán nhiều bài báo viết về ông và quán của ông cắt ra từ các báo, kể cả các tờ báo lớn của Australia như The Australian, Herald Sun và The Advertiser.
Ông Hoàng nói vào những ngày lễ, ông Định xin phép chính quyền địa phương dành gần trọn con đường trước nhà hàng cho xe đậu, lấy cớ “khách Australia đến nhà hàng VN cũng là muốn tìm hiểu, trao đổi văn hóa”, nên chính quyền cũng dành cho ông ưu tiên đó.
“Tôi năm nay 62 tuổi, di dân đã hơn hai mươi năm từ một làng chài nghèo khổ ở Bồng Sơn”, giọng ông chân chất như bất cứ người dân chài nào ở miền Trung mà tôi đã biết.
Ông đứng ra tài trợ cho đội bóng đá của người Việt ở vùng Nam Australia. Rõ ràng ông biết cách làm PR trong kinh doanh hiện đại.
Tuy vậy, ông vẫn có nỗi buồn: vì muốn duy trì chất lượng thức ăn trong quán nên ông đã tự mình đứng bếp, không có thì giờ lo cho con cái, nên các con ông không mấy thành công trên con đường học vấn ở xứ người như phần lớn các bậc phụ huynh gốc Việt hy vọng khi quyết định rời bỏ quê hương.
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Các tin liên quan:
- Nuôi dạy con ở hải ngoại (07-01-2009)
- Du học sinh Việt Nam tại Paris ăn mừng chiến thắng (30-12-2008)
- Việt kiều đổ về nước làm ăn (29-12-2008)
- Tết mùa lạm phát của người Việt ở Nga (29-12-2008)
- Cuối tuần đi “chợ Đồng Xuân” ở Berlin (26-12-2008)
- Người Việt tại Nhật có thể được nhận tiền từ gói kích cầu (23-12-2008)
- Học tiếng Việt ở Úc (19-12-2008)
- “Người phụ nữ hoàn hảo” của Le Trung (17-12-2008)
- Món Việt ở xứ sở của “chú lính chì” (11-12-2008)
- Ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Việt ngày càng gia tăng ở quận Cam (Mỹ) (08-12-2008)
Cập nhật 07-06-2006