Làng báo Việt ở CHLB Đức
Hiện nay số lượng người Việt sinh sống ở CHLB Đức đã lên tới ngót trăm ngàn người. Nhu cầu thông tin, giải trí của cộng đồng người Việt tại CHLB Đức ngày càng tăng cao để bắt kịp nhịp xoáy của cuộc sống. Trong thời đại công nghệ cao, đọc báo và các phương tiện thông tin giải trí qua internet là không có gì khó khăn đối với một quốc gia có nền công nghệ tiên tiến như Đức. Nhưng chuyện đọc báo qua mạng dường như vẫn còn xa lạ đối với nhiều bà con Việt kiều, bởi lý do chính là không có thời gian ngồi "bấm nét". Nhiều bà con suốt ngày đầu tắt mặt tối trong các quầy hàng tại các trung tâm thương mại hoặc vùi đầu vào các cửa hàng buôn bán, trong quán ăn, nhà hàng. Còn đọc báo Đức thì quả thật nhiều người chưa đủ trình độ... tiếng Đức. Và thế là làng báo Việt ở CHLB Đức ra đời, thổi một luồng sinh khí mới tới độc giả là bà con Việt kiều đang sống tại đây.
Từ những tờ tuần báo
Thật tình cờ khi tôi tới thăm gia đình anh chị Bình -Viện ở Noerdlingen (thuộc Tiểu Bang Bayen) và phát hiện gia đình có đặt mua tờ "Thời Báo Việt Đức (TBVĐ)". Hỏi thăm ra mới biết tờ báo là món ăn tinh thần không thể thiếu được của khá nhiều gia đình Việt kiều ở Noerdlingen. Tờ báo có cung cấp cả địa chỉ toà soạn, email và số điện thoại để liên lạc. Nội dung tờ báo khá phong phú, đề cập chủ yếu đến các lĩnh vực pháp luật, thuế khóa, chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Ðức, về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, về các tin tức sự kiện, vấn đề ở Việt Nam, Ðức, và thế giới mà nhiều người Việt quan tâm, với các chuyên mục: Kinh doanh và thị trường, Pháp luật, Người Việt, Cuộc sống thường ngày, Khoa học sức khoẻ, Việt Nam, Đức, Thế giới, Văn nghệ... Các thông tin chủ yếu trích dẫn từ các nguồn báo, tạp chí, internet, văn bản nhà nước; phần khác do cộng tác viên, sinh viên du học tại Đức tổng hợp từ các sự kiện, vụ việc diễn ra ở Ðức.
Cũng do có ít nhiều kinh nghiệm làm báo ở Việt Nam trước khi sang Châu Âu du học và cũng vừa mới tốt nghiệp đang trong giai đoạn xin việc làm, tôi mạnh dạn viết e-mail gửi Tiến sỹ Tổng Biên tập (TBT) Nguyễn Sỹ Phương. Ngay lập tức tôi nhận được e-mail của Tiến sỹ Phương, anh cho biết rất hoan nghênh sự thiện chí cộng tác của cá nhân tôi. Tuy nhiên anh cũng cho biết, do nguồn kinh phí tự trang trải để xuất bản tờ báo còn hạn hẹp (tháng ra 1 số), nên anh chưa thể có điều kiện "nuôi" phóng viên như ở Việt Nam được. Phần lớn bài vở do anh đảm nhiệm với sự giúp đỡ của du học sinh, sinh viên cùng mạng lưới cộng tác viên ở Ðức. Anh cũng nhiệt tình mời tôi nếu có điều kiện thì tham gia cộng tác viết bài cho TBVĐ.
Tờ báo quả thật đã tạo cho tôi ấn tượng mạnh về vai trò và vị trí của nó trong lòng bạn đọc. Nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của đông đảo bà con cộng đồng người Việt trên đất Đức - những người mà ngày đêm làm quần quật từ sáng tới tối và chỉ quen với cơm áo gạo tiền. Họ cũng có thể là những ông chủ, bà chủ của các nhà hàng với lưng vốn khá ổn định, hoặc các doanh nhân thành đạt, nhưng lại hiếm có thời gian quan tâm đến thế giới bên ngoài. Chính vì vậy TBVĐ chính là người bạn giúp họ thư giãn vào những dịp cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ.
Một lần khác, đang "lang thang trên mạng » , tôi tình cờ phát hiện bài viết của mình đăng trên tintucvietduc.net. Tôi liền viết thư cho người quản lý mạng là anh Trần Hoàng Hải, Phó Tổng biên tập tờ tuần báo Tuần Tin Tức (TTT). Ngay lập tức tôi nhận được email mời cộng tác viết bài của Tiến sỹ Nguyễn Minh Bình -TBT Tuần Tin Tức. Khi nghe tôi nói đã có thời gian làm phóng viên cho tờ Lao động-Xã hội (Cơ quan của Bộ lao động thương binh xã hội) ở Hà Nội, TBT Bình rất phấn khởi vì anh cũng đã có nhiều bài viết đăng trên báo Lao động-Xã hội, đặc biệt trong dịp Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng sang thăm và làm việc tại Đức.
Là dân vật lý chính gốc, bảo vệ luận án tiến sỹ chuyên ngành vật lý tại Đại học tổng hợp Halle, sau đó làm việc tại khoa vật lý Trường đại học Chemnitz, TBT Bình đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu các tính chất quang học của bề mặt bán dẫn. Nhưng sau một vài năm làm việc ở trường đại học, anh lại chọn viết lách làm con đường lập nghiệp chính hiện nay. Những câu chuyện về cuộc sống quanh mình đăng trên báo do anh dịch và nhờ bạn bè tư vấn thêm những vấn đề về pháp lý, thủ tục, thói quen và văn hoá Đức với sự hỗ trợ của phóng viên thông tấn xã thường trú tại Berlin. Với anh, không có khoảng cách giữa người đọc và và người làm báo vì hai đối tượng này gặp nhau ở cùng một nhu cầu thông tin về cuộc sống và càng ngày độc giả càng đến với anh nhiều hơn. Hiện giờ mỗi số báo đã phát hành được hơn 3.000 tờ và con số đó cứ tăng dần lên đều đặn.
Một tờ báo của cộng đồng khác nữa cần phải nói đến là tờ "Vườn Đào" mà giới độc giả gọi là tờ báo "xuyên quốc gia", vì Vườn Đào phát hành ở cả hai nước Đức và Tiệp. Ban biên tập của Vườn Đào cũng nằm cả ở hai nước cho tiện việc nhận, biên tập tin bài và phát hành báo tới tay độc giả. Nội dung của tờ báo ngoài các thông tin chính ở Việt Nam cũng đăng tải những thông tin ở Tiệp và Đức, các vấn đề thông tin kinh tế xã hội của ba quốc gia Việt, Đức và Tiệp.
Bên cạnh tờ Quê Hương- Bản tin hàng tháng của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ cung cấp kịp thời những chủ trương, đường lối chính sách của hai quốc gia Việt và Đức đến cộng đồng, thì những tờ báo tư nhân như TBVĐ, TTT, Vườn Đào đã và đang đăng tải, cập nhật các thông tin liên quan đến cuộc sống của bà con Việt kiều, điều đó đã giúp cho cộng đồng hoà nhập thuận lợi vào xã hội Ðức.
Đến làng báo điện tử
Ngoài các báo phát hành đến tận tay cộng đồng với giá bán lẻ khoảng 1.50 Euro/tờ, một vài năm trở lại đây, xuất hiện các tờ báo điện tử, truy cập miễn phí để phục vụ cộng đồng ngưòi Việt sống ở Đức như Vietducinfo.com, tintucvietduc.net, tintucvietduc.de có nội dung khá phong phú với nhiều chuyên mục hấp dẫn như du lịch, vòng quanh nước Đức, ở Đức nên biết, thể thao, văn hoá, chính trị, pháp luật...
Báo điện tử là những trang báo "hoạt động tự do trong khuôn khổ pháp luật", có nghĩa tất cả mọi người đều có quyền gửi tin bài, ảnh đến để đăng. Tuy nhiên BBT cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá nội dung bài viết để đăng nhằm đảm bảo tính thời sự, tiêu chí của tờ báo. Phần lớn các báo điện tử đều phục vụ miễn phí, vì vậy sẽ không có tiền nhuận bút cho tác giả.
Làng báo Việt tại Đức mặc dầu đang ở thời kỳ phôi thai, nhưng những gì mà đội ngũ báo chí đang làm là cả một sự cố gắng, nỗ lực của họ. Mục tiêu hoà nhập và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về cội nguồn đối với người Việt ở nơi xa xứ này khó có thể đạt được mỹ mãn, nếu không có một làng báo như vậy !
Nguyễn Thị Hoan (CHLB Đức)
Các tin liên quan:
- Nuôi dạy con ở hải ngoại (07-01-2009)
- Du học sinh Việt Nam tại Paris ăn mừng chiến thắng (30-12-2008)
- Việt kiều đổ về nước làm ăn (29-12-2008)
- Tết mùa lạm phát của người Việt ở Nga (29-12-2008)
- Cuối tuần đi “chợ Đồng Xuân” ở Berlin (26-12-2008)
- Người Việt tại Nhật có thể được nhận tiền từ gói kích cầu (23-12-2008)
- Học tiếng Việt ở Úc (19-12-2008)
- “Người phụ nữ hoàn hảo” của Le Trung (17-12-2008)
- Món Việt ở xứ sở của “chú lính chì” (11-12-2008)
- Ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Việt ngày càng gia tăng ở quận Cam (Mỹ) (08-12-2008)
Cập nhật 13-06-2006