60 năm hoạt động không ngừng của Ban Thiếu nhi Việt Nam tại Pháp
Nối tiếp truyền thống của những thế hệ đi trước, trong suốt 60 năm qua, hoạt động thiếu nhi đã và đang liên tục phát triển.
“Điều mà chúng tôi đạt được chỉ như giọt nước trong biển, thế nhưng «mưa dầm sẽ thấm lâu”, ba bốn thế hệ nay rồi, từ khi Bác Hồ sang Pháp năm 1946, phong trào học tiếng Việt của những người Việt Nam ở Pháp thành hình và được đẩy mạnh, đồng thời ngày càng được chú trọng. Mối quan tâm, lo lắng của mọi người là phát triển thế hệ trẻ của kiều bào Việt Nam tại Pháp và giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Do đó, chúng tôi, những thành viên Hội người Việt Nam tại Pháp cũng như Ban thiếu nhi đã và đang nỗ lực để thu hút các cháu thiếu nhi, làm cho các cháu thích thú trong học tập, vui chơi và sinh hoạt trong hoạt động thiếu nhi»- Đó là suy nghĩ của bà Lý Kiều Thu – người phụ trách Ban Thiếu nhi từ năm 1990 đến nay và là người luôn tích cực trong việc tổ chức các hoạt động của Ban thiếu nhi.
Thực tế, sống ở nước ngoài nói chung và tại Pháp nói riêng, người Việt Nam nào cũng mong muốn con em mình được nói tiếng mẹ đẻ, hiểu biết văn hóa dân tộc và cội nguồn. Đây là điều hết sức quan trọng. Ban Thiếu nhi tại Pháp là một địa điểm để các em thiếu nhi cùng sinh hoạt, vui chơi, học tập tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa quê hương Việt Nam. Mục đích của những người tổ chức là giúp các cháu thiếu nhi kiều bào Việt Nam tại Pháp giao lưu, gặp gỡ, học thêm tiếng Việt và từ đó không quên cội nguồn dân tộc. Theo bà Kiều Thu, các cháu đến đây để gặp nhau, qua những câu hát, điệu múa, những trò chơi truyền thống dân tộc, qua chuyện trò với nhau trong một cộng đồng người Việt Nam như vậy, các cháu hiểu hơn về cội nguồn của mình. Và khi lớn lên, những điều đó đã nằm trong tiềm thức các cháu, luôn khiến các cháu hướng về quê hương.
Hiện nay Ban thiếu nhi đang tổ chức được 4 lớp học tiếng Việt cho các cháu ở 4 mức độ khác nhau. Các hoạt động của lớp học diễn ra mỗi tuần một buổi vào chiều thứ Bảy. Về chương trình của các lớp học, ông Lưu Thanh Dũng – là một trong những người tham gia trực tiếp trong các họat động của Ban thiếu nhi cho biết, tùy theo trình độ, các cháu được bố trí vào những lớp học phù hợp: đối với các cháu chuẩn bị vào lớp 1 thì được dạy những trò chơi dân gian. Khi các cháu biết đọc, nói rõ ràng, rồi biết viết, thì khi đó các cháu sẽ được dạy đọc những bài nói về Việt Nam, về phong cảnh quê hương. Đến trình độ cao hơn thì các cháu được dạy về địa lý, lịch sử Việt Nam, những truyền thuyết của dân tộc như chuyện các Vua Hùng dựng nước... Sau mỗi giờ học tiếng Việt, các cháu còn được học thủ công, cắt dán những hình tượng gắn với quê hương, đất nước. Rồi các cháu còn được học cả đóng kịch và hát bằng tiếng Việt, với những bài hát, vở kịch truyền thống... Qua những vở kịch, những bài hát, sẽ đưa thiếu nhi về với văn hóa dân tộc, gắn với cội nguồn dân tộc. Đặc biệt là những bài hát gắn với các sự kiện, địa danh lịch sử của Việt Nam, điều này cũng rất bố ích đối với các cháu.
Các lớp học thực hiện theo các hình thức phong phú: chơi để học, học để chơi, đố vui để học tập. Tất cả những hoạt động như vậy đều rất hấp dẫn, thu hút sự tham gia của đông đảo các gia đình tại Pháp. Hơn nữa, thời gian gần đây, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Pháp tham gia vào hoạt động của Ban thiếu nhi, đặc biệt là trong việc giảng dạy tiếng Việt cho các cháu. Điều này càng tạo thêm điều kiện cho các cháu thiếu nhi được tiếp xúc nhiều hơn với ngôn ngữ tiếng Việt.
Chị Lê Thu Hằng- đang nghiên cứu Tiến sĩ ngành sử học tại Pháp, là một trong những người tham gia giảng dạy ngôn ngữ tại các lớp học của Ban thiếu nhi từ 3 năm nay. Chị Thu Hằng cho biết, mỗi khi đến lớp học với các cháu thiếu nhi, chị cảm thấy một không khí thật ấm cúng như gia đình, khiến cho chị càng hăng say, hứng thú trong công việc. Chị Thu Hằng cho biết, chị muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để giúp các con em kiều bào Việt Nam tại Pháp hiểu về ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như văn hóa cội nguồn dân tộc.
Điều đáng chú ý là, Ban Thiếu nhi tại Pháp còn có một “Lớp học giúp đỡ dành cho học sinh trung học thi tú tài“, do Hội thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam tại Pháp đảm nhận. Tại đây, các em có thể vào học để ôn thi. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ các cháu đến giúp hoạt động của Ban thiếu nhi, chuyên chở và làm một số công việc phục vụ hoạt động thiếu nhi. Không ít người còn đóng góp cho Ban thiếu nhi tiền mua đồ ăn, thức uống cho các cháu. Đặc biệt, cha mẹ các cháu cũng tham gia vào những buổi nói chuyện về lịch sử Việt Nam, về văn hóa Việt Nam mà Ban Thiếu nhi tổ chức.
Tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ban Thiếu nhi mới đây, chúng tôi còn được gặp ông Phạm Đồng- người phụ trách hoạt động của Ban thiếu nhi từ năm 1949 đến những năm 80. Những năm qua, tuy tuổi cao, không tham gia nhiều hoạt động cụ thể, nhưng ông vẫn thường xuyên tới Ban thiếu nhi để theo dõi và tư vấn cho các hoạt động của Ban. Ông Đồng vô cùng phấn khởi về sự tiếp nối, sự đi lên của phong trào thiếu nhi tại Pháp. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, những người đi sau luôn có ý thức tiếp nối và duy trì hoạt động của Ban thiếu nhi. Thiếu nhi của thế hệ trước thì bây giờ là phụ trách của thế hệ sau. Đây là điều thật đáng mừng.
Trong thời gian tới, một trong những mối quan tâm và ưu tiên của Hội người Việt Nam tại Pháp nói chung và của Ban thiếu nhi nói riêng là chăm sóc, bồi dưỡng cho các cháu thiếu nhi Việt Nam tại Pháp – Đây chính là tương lai của phong trào hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.
Những đóng góp của Hội người Việt Nam tại Pháp trong phong trào chung, trong đó có Ban Thiếu nhi, thật đáng trân trọng, đặc biệt là ý thức phát triển ngôn ngữ tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự kế thừa vững chắc cho tương lai của Hội người Việt Nam tại Pháp.
V.A
(VOV)
Related news:
- Người Việt ở Séc luôn hướng về đất mẹ (06-06-2008)
- Gìn giữ truyền thống trên xứ người (04-06-2008)
- Người Việt ở Groningen (04-06-2008)
- Nhà hàng “Just Pho” không bị “Mỹ hóa” (16-05-2008)
- Lời kể của người Việt Nam tại nơi động đất (13-05-2008)
- Lòng tốt trong nhà hàng Việt (21-02-2008)
- Đám cưới của người Việt ở Nga (24-01-2008)
- Chuyện thi vào quốc tịch Úc (23-01-2008)
- Bắt bào ngư ở Úc (11-12-2007)
- Nét Việt giữa Dublin (26-11-2007)
Last modified 15-06-2006