Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Tuesday, 24/12/2024 3:17

Người Việt ở Mỹ: Hy vọng có sự cải thiện thương mại với Việt Nam

Nhiều người Việt ở Mỹ tin rằng Việt Nam chắc chắn sẽ gia nhập WTO và điều đó sẽ khích lệ thêm nhiều người đem tài năng và tiền bạc của họ về đầu tư tại Việt Nam.

Evelyn Iritani – Thời báo Los Angeles ngày 24/7/2006

 

Lần đầu tiên khi trở về Việt Nam (VN) vào năm 2003, Phí Văn Nghĩa vẫn mang hận thù đối với VN nơi mà anh đã bỏ đi gần 3 thập kỷ trước đây. 

 

Nhưng giờ đây, với tư cách là Chủ tịch của Công ty tôn tạo nhà giá giảm, Nghĩa đã trở thành một người ủng hộ nhiệt thành cho công cuộc tái thiết kinh tế của VN. Công ty của Nghĩa - US HiFi Inc. là bản sao thu nhỏ của tập đoàn Home Depot chuyên cung ứng hàng hóa cho cộng đồng người Việt ở Mỹ,  nhập khẩu hơn 70% sản phẩm gồm gạch lát ceramic, cửa gỗ sồi cứng và nhiều đồ gia dụng khác từ Việt Nam.

 

Đó là lý do tại sao Nghĩa hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ sớm thông qua đạo luật cho phép thiết lập Quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với VN - bước cuối cùng trong tiến trình  phát triển quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước từng là kẻ thù của nhau. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh hầu hết các nước cộng sản bị từ chối ưu đãi thương mại và điều đó có nghĩa là hàng hoá của các nước này xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế cao hơn.   

 

Những người ủng hộ VN mong muốn thông qua dự luật trao PNTR cho VN trước khi VN gia nhập WTO. Các nhà lãnh đạo Hà Nội muốn kết thúc quá trình gia nhập WTO vào tháng 11 tới khi mà họ đón tiếp Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo châu Á tới dự cuộc họp Thượng đỉnh APEC tại Hà Nội.

 

VN muốn lặp lại thành công của Trung Quốc, một nước đã có được uy thế quốc tế và có mức tăng vọt về thương mại sau khi gia nhập WTO vào năm 2001. Để trở thành thành viên WTO, VN đã đồng ý hạ thuế, dỡ bỏ các rào cản đối với những nhà bán lẻ và ngân hàng nước ngoài, tăng cường hệ thống pháp lý và đẩy lùi tệ tham nhũng.

 

Phòng Thương mại Mỹ và những người đứng đầu giới kinh doanh Mỹ cũng mong muốn dự luật được thông qua với sự ủng hộ cao từ các nghị sĩ lưỡng viện, trong đó có cả những người từng tham chiến ở VN như John McCain, Chuk Hagel, John Kerry. Nhưng chưa rõ là khi nào dự luật sẽ được đưa vào chương trình mùa hè dày đặc của Quốc hội Mỹ.

 

Các nhà ủng hộ cho rằng VN vẫn có thể được kết nạp vào WTO mà không phải chờ đến khi Mỹ thông qua PNTR. Tuy nhiên, trong trường hợp đó giao dịch thương mại giữa VN và Mỹ sẽ không được điều chỉnh bởi các điều luật quốc tế, đặt các doanh nghiệp Mỹ vào thế bất lợi.

 

Việc thông qua qui chế PNTR cho VN không ảnh hưởng mấy tới chuyện làm ăn của Phí Văn Nghĩa, bởi hàng hóa công ty anh nhập (từ Việt Nam) đã được hưởng mức thuế thấp và anh ta không đầu tư tiền trực tiếp ở đây. Tuy nhiên, anh cho rằng, bình thường hóa quan hệ thương mại sẽ tạo ra những lợi ích tâm lý về việc xóa bỏ rào cản giữa VN và Mỹ, hơn nữa sẽ khuyến khích chính phủ VN tiếp tục tiến trình mở cửa về chính trị và kinh tế.

 

Nghĩa cũng tin rằng, bình thường hóa hoàn toàn giữa hai nước sẽ làm giảm sự chống đối đối với chính phủ VN trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tạo điều kiện cho họ làm ăn với trong nước.

 

 “Người dân VN rất cần cù và thông minh. Nếu Mỹ tạo cơ hội cho VN gia nhập WTO, cuộc sống của họ sẽ thay đổi”, Nghĩa nói.

 

Đạo luật này cũng gặp phải sự chống đối của  một số nhà dệt may Mỹ vì họ cho rằng VN gia nhập WTO sẽ là phần thưởng cho một nước châu Á xuất khẩu mạnh nữa và với các thủ đoạn buôn bán không công bằng để hỗ trợ xuất khẩu hàng dệt may của họ sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ. 

 

Sau khi VN và Mỹ ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2001, giá trị thương mại hai chiều nhảy vọt từ 1,5 tỷ USD lên 7,8 tỷ USD.  

 

Theo một nhóm vận động nội địa American Manufacturing Trade Action Coalition, người được  hưởng lợi lớn nhất là các nhà dệt may VN với mức tăng trưởng 6000 % trong giai đoạn vừa qua. Năm ngoái, hàng dệt may VN xuất sang Mỹ đạt 3,1 tỷ USD. Lloyd Wood người phát ngôn của nhóm này nói “Với Việt Nam, chúng ta đang mắc những sai lầm như chúng ta đã từng làm với  Trung Quốc.”

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, bà Virginia Foote nói rằng VN chưa tới mức chiếm thị phần dệt may Mỹ như Trung Quốc. Ngay cả với mức xuất khẩu hiện thời, hàng dệt may nhập từ VN chỉ chiếm chưa tới 4% thị trường Mỹ.

 

Walter Blocker, Giám đốc điều hành Gannon Vietnam kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại TPHCM cho rằng chính phủ VN đã cải thiện môi trường kinh doanh để xin gia nhập WTO trong đó có việc thông qua hơn 50 luật kể từ năm 2004.

 

Blocker dự đoán đầu tư của Mỹ vào VN sẽ tăng mạnh sau khi VN vào WTO bởi vì VN có thị trường nội địa hấp dẫn và chi phí sản xuất rẻ.  Hơn một nửa dân số 84 triệu người VN ở độ tuổi dưới 30, họ là những khách hàng nhiệt huyết đối với văn hoá Mỹ trong đó đa dạng các sản phẩm từ phim ảnh đến thuốc bôi mi mắt. 

 

Blocker - nhà phân phối hàng hoá Mỹ như mỹ phẩm Maybelline và L’Oreal  nói, mỗi năm người VN bỏ ra từ 350 - 400 triệu USD để mua mỹ phẩm. Cách đây 12 năm, VN là một thị trường trống trơn và “Giờ đây có tới 20-25% phụ nữ nhuộm tóc.”

 

Theo Blocler, với 90% dân số biết chữ và giá nhân công thấp (bằng 1/2 của Trung Quốc) làm cho VN trở thành địa điểm sản xuất hấp dẫn ở khu vực. Khi các công ty Mỹ lo ngại bị kẹt giữa tranh chấp chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc thì VN cho thấy là nơi ổn định hơn. 

 

Intel, sau khi khảo sát Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, đã quyết định chọn VN để đầu tư 300 triệu USD cho một dự án lắp ráp chip và thiết bị kiểm tra điện tử ở một khu công nghiệp lớn ở ngoại ô TP. HCM. Nhà máy sẽ được xây dựng vào cuối năm nay và dự kiến sẽ cho ra  sản phẩm vào năm 2009.

 

Ông Thân Trọng Phúc - Tổng Giám đốc Intel VN nói rằng, Chính phủ VN đã chào Intel một gói ưu đãi hấp dẫn trong đó bao gồm đất rẻ, ưu đãi về thuế, điện và trợ cấp đào tạo. Nhưng điều cốt lõi là chính phủ sẵn sàng giải quyết quan tâm của công ty ví dụ như sự chậm trễ gây ra do hệ thống thủ tục hải quan lạc hậu của VN. 

 

Phúc nói, những ưu tiên của chính phủ là tạo ra việc làm cho hơn một triệu người đến độ tuổi lao động mỗi năm và đó là lý do vì sao VN chú trọng thu hút các công ty nước ngoài. Intel giờ đây là nhà đầu tư Mỹ lớn nhất tại Việt Nam, tạo ra khoảng 1.200 việc làm cho người lao động.

 

Nhưng ông Phúc, hiện đang làm việc tại TP HCM, hy vọng VN gia nhập WTO sẽ khích  lệ nhiều người Việt ở Mỹ  đem tài năng và tiền bạc của họ về nước. Trường hợp thành công của cà phê Highland, một chuỗi nhà hàng cà phê kiểu Starbuck do một người Mỹ gốc Việt làm chủ là một ví dụ.  

 

“Nước Mỹ là nhà của tôi nhưng tôi không phải mua vé khứ hồi. Rồi đây tôi sẽ có một ngôi nhà ở VN  và một ngôi nhà ở Mỹ. Đó cũng là mơ ước của hầu hết người Mỹ gốc Việt” - ông Phúc bộc bạch.

 

Nguyễn T. Hiếu, Giám đốc Đệ nhất Ngân hàng Việt - Mỹ ở Wesminster mới được thành lập năm ngoái  phục vụ cho 300.000 người Việt ở Nam California, nói: một số ít người Mỹ gốc Việt vẫn chống đối việc dỡ bỏ hạn chế thương mại đối với Việt Nam, nhưng bản thân ông cũng giống như nhiều người Mỹ gốc Việt coi việc VN gia nhập WTO là không thể tránh khỏi và hy vọng việc chính phủ phát triển kinh tế thị trường sẽ dẫn đến những cải cách về chính trị.  

 

Về việc VN gia nhập WTO, Nguyễn nói: “Không  ai  có thể ngăn cản điều ấy”.

 

(QuêHương)

Created by admin
Last modified 26-07-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin