“Tôi yêu phở”
Ý tưởng giới thiệu đến công chúng xứ sở chuột túi lại xuất phát từ tự ái cá nhân...
“Cuối năm 2002, tôi biết tin bếp trưởng người Pháp Didier Corlou giới thiệu về gánh phở VN tại hội thảo “Phở - di sản của VN” ở Hà Nội. Lúc đó, câu hỏi lớn nhất trong đầu tôi là tại sao người nước ngoài làm được, còn mình thì không?”.
Yêu phở theo kiểu của Cường
Lúc đó, Cường là người VN duy nhất làm việc tại Bảo tàng Casula Power House ở bang
Anh trình bày ý định tổ chức một cuộc triển lãm về phở, lấy tô phở làm hình ảnh ẩn dụ để thông qua đó giới thiệu đến người Úc và thế hệ trẻ Úc gốc Việt về con người, văn hóa, lịch sử VN.
Được “bật đèn xanh”, Cường quẩy túi lên đường trở về nước để tìm tòi tất cả những tư liệu liên quan đến phở.
“Tôi không nhớ đã gặp bao nhiêu người và đặt bao nhiêu câu hỏi để tìm lời giải đáp cho hàng loạt thắc mắc của mình về phở: phở bắt nguồn từ đâu, gánh phở đầu tiên của VN như thế nào, phở bây giờ khác phở hồi đó ra sao, liệu có còn tìm lại được tô phở chính hiệu trong thời buổi ngày nay không...?”.
Ba năm cùng sống, cùng ăn, cùng làm với phở là khoảng thời gian chưa đủ dài để Cường có thể hiểu hết về món ăn có bề dày lịch sử này, nhưng cũng không phải là quá ngắn để anh kịp nhận ra mình đã “phải lòng” phở.
Nhìn ánh mắt, nghe giọng anh kể về phở, có cảm tưởng như đó là một chàng trai đang say sưa kể về... người yêu của mình! Ngay cả chiếc áo thun anh mặc và quyển sách tiếng Anh về phở anh đem theo để giới thiệu cũng đã nói lên tất cả về tình yêu phở độc đáo “kiểu của Cường”.
Trên áo và bìa sách đều có dòng chữ “Tôi yêu phở” bằng tiếng Anh thật nổi bật, chữ “yêu” được cách điệu thành hình một trái tim đỏ thắm gắn kết giữa I (tôi) và phở!
“Không phải yêu đơn thuần, mà nói chính xác là tôi đã trở thành tín đồ phở mất rồi! - Cường vui vẻ tự thú - Tôi vẫn luôn tự hỏi người VN chúng ta có thể phát triển một “phở đạo” như người Nhật từng có với “trà đạo” hay không? Chỉ riêng cách thưởng thức phở là cả một nghệ thuật mà những kẻ ngoại đạo cần tìm hiểu”.
Phở đi toàn cầu
“Đạo phở” cũng là tên một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt do Cường thực hiện tại cuộc triển lãm hồi tháng sáu vừa qua ở Bảo tàng Liverpool (bang New South Wales, Úc), bên cạnh những tác phẩm khác của gần mười nghệ sĩ từ Úc và VN.
Không thông báo, không quảng cáo rầm rộ, chỉ gửi thiệp mời bạn bè, người quen, Cường “đặt cược” vào chính hấp lực riêng của bản thân tô phở. Đã vậy, trong ngày đầu diễn ra triển lãm, ông trời còn “tiếp tay” thử thách bằng cách rỉ rả mưa suốt ngày.
Vậy mà vẫn có 400 người bất chấp cái lạnh của tháng sáu ở Úc để đến với triển lãm của Cường. Không gian ấm cúng với sự pha trộn giữa nhiều hình thể, màu sắc trong phòng triển lãm tạo cảm giác thích thú, ấm lòng cho người xem, như thể họ đang được thưởng thức một tô phở nghi ngút khói thật sự.
“Từng nếm và yêu phở nhưng đó là lần đầu tiên những người bạn Úc khám phá nhiều sự thật thú vị về phở. Họ tròn miệng phát âm từ “phở” cho đúng, họ háo hức học cách thưởng thức phở đúng điệu và ồ lên thích thú khi biết lịch sử của phở gắn liền với lịch sử VN từ đầu thế kỷ 20 đến nay, khi biết rằng phở cũng chứa trong nó sự dung hợp và chuyển hóa, như chính xã hội đa văn hóa của Úc vậy!” - Cường kể.
Quá ấn tượng trước triển lãm này, Đài truyền hình SBS của Úc đã lập tức đặt đề nghị hợp tác với Cường làm phim về phở. Phim là cách nhìn về phở như một hình ảnh ẩn dụ qua con mắt của thế hệ người Việt thứ hai tại Úc, do Cường hợp tác viết kịch bản với cô Joanna Savill, phóng viên ẩm thực của Đài SBS đã từng đến VN để viết bài về phở.
Ngoài bộ phim này, hiện nay Cường còn ráo riết chuẩn bị nhiều thứ khác cho một cuộc triển lãm qui mô hơn với tên gọi “Phở goes global” (tạm dịch Phở đi toàn cầu) vào cuối năm 2007.
Và đúng như tên gọi, triển lãm sẽ được Cường “gánh” đi đến nhiều nước trên thế giới, bắt đầu từ Úc.
“Phở đi toàn cầu vì đó là món ăn duy nhất trên thế giới có thể thách thức mọi khái niệm đương đại. Tô phở tự nó là hiện thân của quá trình toàn cầu hóa, của sự di dịch chỗ ở, hội nhập, bảo tồn văn hóa, giao lưu quốc gia... Tính toàn cầu hóa của phở thể hiện rất rõ qua quá trình “di dân” của phở theo bước chân người Việt bôn ba đến khắp nơi trên thế giới”.
Anh tiết lộ đó sẽ là một “gánh phở” hoành tráng và độc đáo, với nhiều tác phẩm nghệ thuật thú vị. Sẽ có một bộ phim về phở, một vở kịch mang tên Phở feast for all senses (tạm dịch Dạ tiệc phở cho mọi giác quan), một quyển sách về phở, một chợ phở, một buổi thảo luận văn hóa ẩm thực.
Yếu tố “toàn cầu” còn thể hiện qua đội ngũ những người tham gia thực hiện, không chỉ có Úc và VN mà còn có các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Pháp...
Mọi kế hoạch đều được Cường thận trọng đặt trong thì tương lai, anh đang gấp rút chạy đua với thời gian để chuẩn bị cho “gánh phở” của mình. “Đây là một kế hoạch lớn và tôi đang cần các “tín đồ” phở góp một bàn tay, hi vọng sẽ gánh phở đến với thế giới một cách tự tin và thuyết phục hơn!” - anh nói. (Tuổi Trẻ).
Các tin liên quan:
- Người Việt ở Lào (03-12-2008)
- Tôi đến với nước Nga trong tuyệt vọng và trở về Việt Nam trong niềm hạnh phúc (21-11-2008)
- Cô Hiệu trưởng tâm huyết với học sinh Việt Nam (21-11-2008)
- Khó khăn đang dàn trải trước mặt đối với tân Tổng thống (19-11-2008)
- Thêm một “món ăn” tinh thần cho kiều bào xa quê (14-11-2008)
- Người Việt nối vòng tay trên đảo quốc sư tử (14-11-2008)
- Lập nghiệp ở Myanmar (05-11-2008)
- Gieo chữ Việt nơi xứ tuyết (04-11-2008)
- Đến thăm nơi người công nhân Việt được quan tâm (03-11-2008)
- Tuổi già tha hương (26-09-2008)
Cập nhật 14-08-2006