"Những hồn thơ Việt nơi Sương trắng nắng tràn..."
Tác giả (phải) ở Ba Lan
Người Việt ở đâu mà chẳng mang theo tâm hồn và tình yêu thơ ca truyền thống, nhưng lòng yêu thơ ca của người Việt ở Ba Lan có thể nói là vô bờ bến. Chúng tôi đã được chứng kiến mấy đêm thơ được tổ chức tại Warsawa mà có khá nhiều những người Việt yêu thơ từ Gdansk hay Krakow vượt qua 400km đường ôtô hay tàu lửa về tham dự.
Họ tham dự đêm thơ không phải để được đọc thơ, mà để nghe thơ, để được giao lưu với các nhà thơ của cộng đồng và may mắn hơn, được gặp các nhà thơ từ "nhà mình" sang đây.
Cái từ "nhà mình" thay cho từ "nước mình", nghe thật tha thiết và gần gũi. Và những đêm thơ như thế thường kéo dài quá nửa đêm.
Nếu hiểu được cuộc sống lao động mưu sinh vất vả và cực nhọc của cộng đồng người Việt chốn quê người thì mới thấy quý giá những đêm thơ như thế.
Dù là giới trí thức hay dân "bộ đội" hai bàn tay trắng, họ đều phải làm kinh tế, lao vào chốn thương trường. Hàng nghìn người Việt buôn bán trên chợ "Sân Vận động" đều phải dậy từ lúc ba bốn giờ sáng để lấy hàng, giao hàng cho khách tỉnh xa, rồi ngồi bán ở quầy cho đến hai giờ chiều dọn hàng vào kho xong mới về nhà.
Những người có quầy ở các trung tâm thương mại thường đi làm muộn hơn. Còn những "soái lớn", "soái bé" thường đi mây về gió, đánh hàng từ Trung Quốc hay từ "nhà mình" chuyển sang bằng tàu thuỷ thì suốt ngày phải lo nghĩ, tính toán tưởng đến bể cả đầu óc mới tìm được trận thắng.
Ấy thế mà khi đến với những đêm thơ cộng đồng, gương mặt ai cũng tươi cười rạng rỡ. Những đêm thơ như thế bao giờ cũng có cán bộ Sứ quán, đại diện Hội Người Việt Nam đoàn kết & hữu nghị, Hội Người cao tuổi... tham dự.
Mấy năm gần đây, người Việt ở Ba Lan xuất hiện khá nhiều gương mặt thơ đáng chú ý. Có những nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn VN như Đại sứ Tạ Minh Châu (hiện đã mãn nhiệm), người từng dịch thơ của nhà thơ Ba Lan Zymborska (giải thưởng Nobel) xuất bản tại Hà Nội, Lê Bá Thự, nhà văn Thái Chí Thanh, và đặc biệt là nhà thơ Lâm Quang Mỹ năm 2006 đã nhận được giải thưởng của UNESCO vì những đóng góp xuất sắc cho văn học...
Tôi đã được nghe thơ của Đại sứ Đinh Xuân Lưu, của các giám đốc doanh nghiệp như Bùi Anh Thái, Đỗ Quân, Hoàng Trần Đồng..., đã được đọc những tập thơ của Nguyễn Văn Thái, Nhị Hồng, Thanh Hiên, Nguyễn Minh Ngọc, hoặc thức thâu đêm với các nhà thơ trẻ như Lâm Hải Phong, Vũ Linh v.v...
Thơ của họ dù phong cách khác nhau nhưng đều dấy lên nỗi khát vọng quê nhà và đầy ắp tình yêu quê hương xứ sở. Nỗi nhớ "nhà mình" còn khắc khoải hơn trong thơ tiến sĩ Nguyễn Minh Ngọc, khi anh lẩn thẩn nghĩ tới những cái nghĩa trang, nghe đến nhói lòng: "Đi Văn Điển/ Hay Powazkowska?/ Powazkowska thì gần/ Văn Điển thì xa...".
Tôi cũng đã gặp những người mê thơ như Chung Bắc Giang, Giao đầu trọc, Hà Phủ Diễn và rất nhiều người yêu thơ khác nữa... Họ thuộc rất nhiều bài thơ và đọc cho tôi nghe như không bao giờ kết thúc trong các cuộc rượu gặp gỡ, chia tay.
Người Việt làm thơ, đọc thơ, nghe thơ bằng tiếng Việt là chuyện đương nhiên. Nhưng ở Ba Lan, nhà thơ Lâm Quang Mỹ đã tạo được một ấn tượng mạnh không chỉ đối với người Việt yêu thơ, mà còn gây ấn tượng đối với các nhà thơ Ba Lan.
Ngoài tập thơ Tiếng vọng của anh đã được xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt và Ba Lan. Lâm Quang Mỹ còn cùng với các nhà thơ Ba Lan dịch thơ Việt cho tạp chí Văn học Ba Lan và Thơ Ngày Nay của bạn.
Vâng, thơ ca không chỉ để giãi bày, chia sẻ những rung động tâm hồn mà còn biểu đạt tư tưởng nhân văn trước thế giới. Những người Việt ở nước ngoài làm thơ cũng không chỉ thể hiện tâm hồn mình với cộng đồng Việt mà còn giới thiệu vẻ đẹp của truyền thống dân tộc với bè bạn năm châu.
Chính vì điều đó mà chúng ta trân trọng nâng niu những hồn thơ xa xứ luôn hướng về Tổ quốc và hướng ra thế giới rộng lớn hôm nay.
Các tin liên quan:
- Nuôi dạy con ở hải ngoại (07-01-2009)
- Du học sinh Việt Nam tại Paris ăn mừng chiến thắng (30-12-2008)
- Việt kiều đổ về nước làm ăn (29-12-2008)
- Tết mùa lạm phát của người Việt ở Nga (29-12-2008)
- Cuối tuần đi “chợ Đồng Xuân” ở Berlin (26-12-2008)
- Người Việt tại Nhật có thể được nhận tiền từ gói kích cầu (23-12-2008)
- Học tiếng Việt ở Úc (19-12-2008)
- “Người phụ nữ hoàn hảo” của Le Trung (17-12-2008)
- Món Việt ở xứ sở của “chú lính chì” (11-12-2008)
- Ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Việt ngày càng gia tăng ở quận Cam (Mỹ) (08-12-2008)
Cập nhật 25-08-2006