Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 3:10

Đầm ấm Cali

Hơn mười năm trước, tôi đã đến Philadenphia để dạy học. Nước Mỹ trong tôi không quá xa lạ, nhưng ngày ấy, những người đồng bào sống tại Mỹ nhìn tôi bằng một cái nhìn khá lạnh nhạt, bởi thế, trong chuyến đi này, từ tận đáy lòng, tôi thấp thỏm mong chờ một sự đổi thay...


 


Tường Vy (thứ ba từ phải sang), Giáo sư
Tạ Minh Hoa (thứ hai từ phải sang) cùng một số
học sinh Mỹ gốc Việt

Bạn trẻ Việt kiều ở San Francisco

 

Là giảng viên của khoa Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, tôi được mời sang Mỹ trong chương trình trao đổi kinh nghiệm dạy tiếng Việt của khoa Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội) với Trung tâm Thúc đẩy thành công cho sinh viên châu Á - Thái Bình Dương (Trường Đại học San Francisco, bang California). Tôi tham gia vào một số tiết học của sinh viên; trao đổi cách học Tiếng Việt, giao lưu với các bạn sinh viên gốc Việt.

 

Trường Đại học San Francisco có khoảng 800 sinh viên gốc Á. Trung tâm Thúc đẩy thành công cho sinh viên châu Á - Thái Bình Dương có đầy đủ cơ sở vật chất để bất kỳ sinh viên gốc Á nào cũng có thể học tập, nghiên cứu. Thậm chí, Trung tâm giúp các em tháo gỡ cả những băn khoăn, thắc mắc về gia đình, tình yêu... Giám đốc Trung tâm, Giáo sư Tạ Minh Hoa là một người gần gũi sinh viên và được các em rất tôn trọng. 

 

Tôi gặp lại một số sinh viên Việt kiều từng về nước học tiếng Việt, Tony Lương, Amy Lê, Amy Trường, Sam... đón tôi như những người trong gia đình. Sam và Amy Lê mang đến cho tôi nhiều đồ ăn Việt như chè nấu nước cốt dừa, bánh bò... Các em cùng ba mẹ tốn khá nhiều công sức để làm ra những món quà đầy tình cảm ấy.

 

Trước đây, tiếp xúc với nhiều bạn trẻ Việt kiều, thấy các bạn lúng túng trước những từ tiếng Việt đơn giản, tôi vẫn thầm trách các bạn. Nhưng sống cùng bạn trẻ Việt kiều trong môi trường của chính các bạn, tôi hiểu thêm phần nào: Cha mẹ hoặc đến công sở, hoặc đến các cửa hàng kinh doanh từ sáng đến tối, ngay từ nhỏ, các bạn đã sống trong môi trường nói tiếng Anh, với tất cả mọi sinh hoạt theo kiểu Tây phương. Trong môi trường hoàn toàn Mỹ như thế, tiếng Việt là thứ ngoại ngữ rất ít người dùng. Mang quốc tịch Mỹ, đất nước, con người, lịch sử mà các bạn học nhiều nhất, đương nhiên là nước Mỹ. Có người từng nói, "mọi sự kiện xảy ra ở nước Mỹ đều ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt ở Mỹ, còn những sự kiện xảy ra ở Việt Nam thì hầu như không", đến nước Mỹ mới thấy điều ấy không phải là không có lý.

 

Được bố trí ở cùng gia đình Giáo sư Tạ Minh Hoa, tôi có nhiều dịp trao đổi tâm tư với chị. Để những bạn trẻ Việt kiều ý thức về đất nước Việt Nam xa xôi chính là quê hương, để các em hiểu đúng về đất nước Việt Nam, chị và Giáo sư Chung Hoàng Chương (người có  nhiều đóng góp trong việc đưa môn Việt học vào chương trình học tập ở Trường Đại học San Francisco) đã mất rất nhiều công sức. Đối với nghiên cứu về châu Á ở Mỹ, văn hoá Việt Nam chỉ là một chấm nhỏ so với những nền văn hoá như Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng trong mỗi giờ lên lớp về châu Á, cô Hoa và thầy Chương luôn đưa rất nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh, nhiều nét văn hoá của đất nước Việt Nam đến với các bạn.

 

Trong khoảng 10 năm qua, thầy Chương đã đưa nhiều đoàn học sinh Việt kiều về Việt Nam học tập và tìm hiểu.

 

Chính thầy Chương, cô Hoa đã góp phần đánh thức ý thức về cội nguồn tiềm ẩn trong mỗi bạn trẻ. Để hôm nay, những Amy Lê, những Amy Trường, hay Tiffany... đều sẵn sàng về nước đóng góp sức lực của mình để đất nước ngày một phát triển hơn. Amy Lê mong muốn được dạy tiếng Anh giúp các bạn trẻ nghèo, những bạn khác, muốn đưa máy móc hiện đại để người Việt đỡ vất vả hơn...

 

Ấn tượng San Jose

 

Gia đình Giáo sư Tạ Minh Hoa ở thị trấn Albany, cách San Jose chừng 100 km. Ở Mỹ, chuyện lái xe đi học, thăm nom nhau, mua bán trong phạm vi 100 km là chuyện thường ngày. Chị Tạ Minh Hoa đưa tôi đến San Jose để mua đồ Việt.

 

San Jose như một ốc đảo kỳ lạ của người Việt giữa cuộc sống phương Tây. Có lẽ trong cả ngàn người mới gặp một anh chàng tóc vàng mũi lõ, người phương Tây ở đây là thiểu số. Tất cả các biển hàng đều ghi bằng ba thứ tiếng: Anh, Việt, Trung. Sáng sớm, dọc hai bên phố, những hàng quán ăn uống tấp nập. Bún bò, bánh cuốn, bún riêu, phở, xôi, thậm chí cả nước mía... gần như không thiếu một món đồ ăn gì của người Việt. Những cửa hàng băng đĩa không thiếu băng đĩa của các nhạc sỹ, ca sỹ trong nước, từ nhạc Trịnh Công Sơn cho đến các ca sỹ đang nổi danh như Đan Trường, Lam Trường, Mỹ Tâm...

 

Trái với lối sống vô cùng bận rộn của người Mỹ, người ta sinh hoạt theo nếp sinh hoạt của người Việt ở quê nhà, hai bên đường, dễ dàng bắt gặp những những ông già ngồi gác chân lên ghế phì phèo thuốc lá, hoặc đọc báo một cách hết sức bình yên. Những cảnh thân thuộc đó khiến tôi như đang đi giữa một con phố Việt Nam, đến khi xe chạy khỏi San Jose, vẫn ngỡ ngàng khi có một Việt Nam 100% giữa lòng nước Mỹ.

 

Người Việt ở các thành phố khác đến đây mua hàng rất nhiều, trước khi về, ai cũng chất vào xe khá nhiều đồ ăn Việt Nam để dùng dài ngày. Chúng tôi cũng mua nhiều đồ ăn Việt Nam, rau cỏ Việt ở đây khá phong phú, duy món giò lụa là không được gói bằng lá chuối như ở quê nhà.

 

Mười hai năm trước, tôi từng đến Philadenphia, nhưng hồi đó, khi nghe tôi nói giọng Hà Nội, không ít người Việt đã tỏ thái độ lạnh nhạt. Có lẽ, điều đó bắt nguồn từ sự chia cắt trong một thời gian dài của hai miền Nam Bắc. Còn hôm nay, tôi nhận được nụ cười cởi mở, thân thiện và đầm ấm. Một không khí đổi khác rất nhiều. Không phải là người làm chính trị, nhưng tôi nhận ra rằng, cùng với sự phát triển ngày một tốt đẹp hơn của quan hệ Việt - Mỹ, chúng ta cũng đã có những bước tiến dài trong thực hiện đoàn kết dân tộc.

 

Ngày trở về, chị Tạ Minh Hoa dậy sớm cắt tặng tôi một bó hoa trong vườn nhà. San Francisco có cây cầu Cổng Vàng nổi tiếng thế giới, tôi có cảm giác những người như thầy Chung Hoàng Chương, như chị Tạ Minh Hoa cũng là một cây cầu nối các bạn trẻ Việt với quê hương. Khi máy bay cất cánh, tôi lại nhớ câu chuyện thầy Chương, thầy kể: "Lần nào tôi về nước cũng có nhiều em muốn đi theo, có đứa bảo: "Lạy thầy, thầy cho con về Việt Nam", chỉ tiếc sức mình có hạn".

 

P.V (Ghi theo lời kể của Trần Tường Vy)

Tạo bởi admin
Cập nhật 15-09-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin