Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ bẩy, 21/12/2024 5:37

Trung tâm thương mại đầu tiên của người Việt ở Hungary

Kế hoạch lớn của những người thành lập Trung tâm Thăng Long là nơi đây sẽ trở thành trung tâm giới thiệu và phân phối hàng Việt Nam vào Châu Âu, một địa chỉ bán buôn.

Thị trường hàng hoá tiêu dùng tại Hungary có tới 70-80% là hàng xuất xứ từ một số nước châu Á. Nếu nói về giao dịch thương mại những mặt hàng này hiện nay, thì Budapest là trung tâm của cả một vùng ở Châu Âu chứ không chỉ là trung tâm của nước Hungary. Khách hàng các nước ở Ukraine, ở miền Nam Ba Lan, từ Rumani, từ Nam Tư (cũ) vẫn sang nơi đây lấy hàng. Đã có một vài trung tâm thương mại châu Á lâu năm có người Việt kinh doanh ở Budapest như chợ Bốn con hổ, Ganz Mávag…


Tháng 10/2005 lần đầu tiên Trung tâm Thăng Long (www.sarkany-center.hu) do người Việt làm chủ đã khánh thành trong nội thành Budapest, với  khu vực buôn bán tổng hợp trên diện tích 44.090 mét vuông. Đây là trung tâm buôn bán đầu tiên vừa đạt tiêu chuẩn châu Âu và là trung tâm duy nhất có giấy phép bán buôn, bán lẻ ổn định lâu dài. Trong những toà nhà của khu công nghiệp được sửa sang, đầy đủ tiện nghi, hiện có 450 quầy hàng, mỗi quầy có diện tích từ 7 đến 70 mét vuông ở tầng trên, kèm theo một diện tích kho tương đương. Theo ông Vũ Quý Dương, Tổng giám đốc tập đoàn VIMPEX, công ty mẹ của công ty Trung tâm Thăng Long, thì đầu năm 2007 số quầy ở Trung tâm Thăng Long sẽ lên 700. Trung tâm này tỏ ra có nhiều ưu thế với giá thuê quầy rẻ, toàn bộ quầy hàng ở tầng trệt thuận lợi cho việc vận chuyển, diện tích kho chứa hàng lớn, có mái che, có sưởi mùa đông, bãi đỗ xe lớn, đảm bảo an ninh trật tự tốt…


Sau gần một năm đi vào hoạt động trung tâm Thăng Long thu hút gần một triệu người mua cũng như người bán, và hiện vẫn là nơi chủ yếu bán lẻ. Đại bộ phận thương nhân thuê quầy ở Trung tâm Thăng Long là người Việt và người Hoa, thiểu số còn lại có hơn mười sắc dân khác.

 

Tuy nhiên, kế hoạch lớn của những người thành lập Trung tâm Thăng Long là nơi đây sẽ trở thành trung tâm giới thiệu và phân phối hàng Việt Nam vào Châu Âu, thành nơi bán buôn. Bởi vậy, công ty con Hungavina được thành lập với mục đích xúc tiến thương mại, dịch vụ, văn hoá và du lịch hai chiều giữa Việt Nam, Hungary và Châu Âu. Với sự uỷ nhiệm của Trung tâm Thăng Long, công ty Hungavina đảm nhận nhiệm vụ xây dựng dự án “Nhịp cầu vào EU” để đưa hàng hoá Việt Nam vào thị trường chung Châu Âu, được độc quyền ký kết hợp tác với các doanh nhân Việt Nam muốn đưa hàng vào Châu Âu. Có nhiều dự án của các doanh nghiệp người Việt ở Nga và các nước Đông Âu về việc thành lập trung tâm giới thiệu hàng Việt Nam, tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Thuỷ, đồng giám đốc công ty Hungavina, thì điều khác biệt là Trung tâm Thăng Long không chỉ là nơi trưng bày, quảng bá mà sẽ đồng thời cả chức năng phân phối hàng Việt Nam theo yêu cầu.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc công ty Trung tâm Thăng Long, đồng giám đốc công ty Hungavina, mục đích của công ty là đại diện cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng vào thị trường này, chịu trách nhiệm toàn phần như bảo lãnh về tài chính, bảo quản hàng và bán hàng, cũng như tổ chức showroom cho doanh nghiệp tại trung tâm. Đây sẽ là bước tiến lớn để đưa hàng Việt
Nam theo con đường chính ngạch vào Châu Âu. Còn Tổng giám đốc Vũ Quý Dương bảy tỏ sự hy vọng, với dự án này anh sẽ được sự góp sức theo từng ngạch hàng của bà con cộng đồng người Việt để phát triển mạnh hơn việc  xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Châu Âu: “Chúng tôi vẫn cần bà con Việt Nam có nhu cầu, có kinh nghiệm và khả năng trong từng ngành hàng (như hàng gỗ, mây tre vv…) mỗi người đảm trách một mảng. Vì thế đây cũng là cơ hội làm ăn mới cho bà con và cũng là việc lâu dài để hội nhập ở nước Hung vốn đã vào EU. Tổ chức chặt chẽ thì việc làm ăn mới tốt hơn được. Mình là người Việt nên mong muốn cộng đồng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh hơn.”


Tập đoàn VIMPEX của ông chủ trẻ Vũ Quý Dương vốn được thành lập từ năm 1991, ban đầu kinh doanh đại lý thuốc lá. Khi mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, VIMPEX sở hữu gần 200.000m2 đất, trong đó 100.000 mét vuông bất động sản cho thuê làm văn phòng và kho. Ngoài ra, VIMPEX cũng còn hai công ty con khác chuyên về đại lý bia rượu và sản xuất phần mềm. Ông Vũ Quý Dương rất tự tin khi khẳng định rằng: Doanh thu của các công ty thuộc tập đoàn VIMPEX trong năm tới sẽ đạt tới 380 triệu USD/năm.


Những ông chủ của VIMPEX và Trung tâm Thăng Long vẫn đang đi về giữa hai nước để kêu gọi các doanh nghiệp Việt
Nam cùng hợp tác kinh doanh trong dự án lớn này.Việt Anh (VOV)

Tạo bởi admin
Cập nhật 02-11-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin