Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ sáu, 20/12/2024 21:35

Việt kiều Thụy Sĩ hãnh diện vì Việt Nam gia nhập WTO




Những ngày này, khi nhiều người dân Việt Nam đang hướng về Geneva để chứng kiến một sự kiện lịch sử là lễ kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có một người Việt Nam đang sinh sống tại Thụy Sĩ cũng vui mừng không kém. Suốt cả tháng nay, ông tất bật với các cuộc gặp gỡ, hội thảo, chờ đón Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm qua Geveva và vui mừng khôn siết khi gặp những người đồng hương trên đất Thụy Sĩ. Ông là Vũ Giản - một kiều bào tại Thụy Sĩ, gương mặt "Vinh danh nước Việt" ngay trong đợt đầu tiên năm 2004. Ông từng là chuyên gia tư vấn của Bộ Kinh tế Thụy Sĩ và có 4 năm ở Việt Nam để trợ giúp cải tổ ngân hàng và đầu tư chứng khoán.


Trao đổi qua điện thoại với phóng viên về sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, ông Vũ Giản nói: Chúng tôi rất hãnh diện vì Việt Nam gia nhập tổ chức này.

                                                           

PV: Thưa ông, là một chuyên gia kinh tế, lại đang có mặt tại Thụy Sĩ, ông có theo dõi quá trình đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO không và ông có nhận xét gì về quá trình đàm phán này?


Ông Vũ Giản:
Theo tôi, đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO có nhiều tiến bộ so với cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ BTA. Sự tiến bộ đó không chỉ thể hiện ở bản lĩnh của đoàn đàm phán Việt Nam mà cả thời gian đàm phán đã rút gọn trong 11 năm so với 15 năm của Trung Quốc và 13 năm của Nga (mặc dù Nga vẫn chưa kết thúc).


PV:
Dư luận trong nước cho rằng, việc kết thúc đàm phán gia nhập WTO sẽ là một bước ngoặt đối với Việt Nam trên con đường hội nhập. Ông nghĩ sao về đánh giá này?


Ông Vũ Giản:
Đúng như vậy, đây là một bước ngoặt quan trọng, đưa Việt Nam từ chiến trường trong quá khứ hội nhập vào thị trường thế giới trong thế kỷ 21. Trong “cái chợ WTO”, tất cả các nước bạn hàng của Việt Nam và cả Việt Nam nữa đều thắng, tức là đều có lợi.

 

PV: Với sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, kiều bào ta và dư luận nước ngoài đánh giá thế nào về sự hội nhập nhanh chóng của Việt Nam?


Ông Vũ Giản:
Dư luận ở nước ngoài đánh giá rất cao. Họ thấy rằng, Việt Nam là một nước rất giàu tài nguyên và cũng là một thị trường đông dân thứ nhì ở Đông Nam Á. Ngay như Thụy Sĩ - tuy chỉ là một nước nhỏ, không có nhiều tài nguyên như Việt Nam, dân số rất ít, vậy mà, khi gia nhập WTO, Thụy Sĩ là nước Âu Mỹ duy nhất có cán cân thương mại với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Thụy Sĩ đã mượn hơn 10 triệu công nhân Trung Quốc để làm việc cho các công ty mình. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Thụy Sĩ cũng đang làm ăn tại Việt Nam, nhưng đó là những doanh nghiệp lớn. Khi Việt Nam gia nhập WTO, kiều bào tại Thụy Sĩ khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của họ đến đầu tư tại Việt Nam. Kiều bào Việt Nam tại Thụy Sĩ rất hãnh diện vì Việt Nam gia nhập Tổ chức WTO - một cửa ngõ vào thế giới văn minh và phát triển.


Mặc dù, Việt Nam sẽ có nhiều thử thách trong quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường trong những năm tới, nhưng nếu có sự hỗ trợ của kiều bào, nhất là chất xám của kiều bào, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ thắng lợi. Tôi xin được trích dẫn phát biểu của ông Công Nguyên Dương - Giám đốc Viện Phát triển Trung Quốc tại hội thảo được tổ chức hồi tháng 10 vừa qua ở Hà Nội. Ông Công Nguyên Dương nói: "Cuộc cạnh tranh quốc tế xét cho cùng là cuộc cạnh tranh về nhân tài mà Việt Nam không thiếu nhân tài ở trong và ngoài nước". Bản thân tôi thấy rằng, điều đó rất đúng. Kiều bào rất mong muốn được Nhà nước trọng dụng. Họ không chỉ có sức mạnh về kiều hối mà họ còn có nguồn lực chất xám rất lớn, có thể đóng góp cho đất nước khi Việt Nam có mặt trong WTO.

 

PV: Xin cảm ơn ông!./.

 

Hương Giang (thực hiện)

(Theo VOV)

Tạo bởi admin
Cập nhật 07-11-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin