Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Thursday, 26/12/2024 0:0

Lấy chồng xa xứ

Dĩ nhiên có nhiều cuộc hôn nhân của những cô gái lấy chồng Việt kiều rất hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc người ta đã kể nhiều, trong khi không ít những đau thương mất mát lại không mấy ai nhắc đến.

Có lẽ vì những người trong cuộc với quan niệm “xấu che tốt khoe”, nói ra “xấu chàng” thì cũng “hổ thiếp” nên âm thầm nuốt lấy đắng cay...


Và vì thế, phía sau những đám cưới rình rang nở mày nở mặt với bà con làng xóm, phía sau những lời mô tả về một cuộc sống “thiên đường” là những nước mắt, chua cay. Cứ thế, cứ thế, tiếp nối theo nhau những hoang tưởng về những cuộc hôn nhân đầy hạnh phúc trên miền đất hứa... 

Thất vọng ban đầu

Những năm còn là sinh viên, B.N. “được” (hay bị!?) một Việt kiều từ Úc trở về theo đuổi. Trước sự săn đón, chiều chuộng rất “trình độ” của chàng Việt kiều, dĩ nhiên một cô gái mới lớn như B.N. cũng phải xiêu lòng. Cô bằng lòng kết hôn và một thời gian sau xuất cảnh theo chồng sang Úc.  Đến Úc vào một ngày chủ nhật mùa đông, là ngày nghỉ cuối tuần nên chồng cô được rảnh để đưa cô đi chơi.

Nhưng sáng thứ hai thì anh phải đi làm chứ không xin nghỉ để “hưởng tuần trăng mật”. Tuy là một người có văn bằng cao đẳng tại Úc, nhưng vì không tìm được việc làm với bằng cấp có được nên anh phải chấp nhận làm một công nhân tạm thời tại một hãng xưởng. Vì thế anh sợ nếu nghỉ thì sẽ khó kiếm việc khác, nên dù cô mới sang cũng đành để cô “ở nhà một mình” vậy thôi!

B.N. là một cô gái hiểu biết, có học thức. Qua sách báo cô cũng biết ít nhiều về cuộc sống ở xứ người nên B.N. không quá kỳ vọng vào “xứ sở thiên đàng”. Điều mà cô mong muốn chỉ là một cuộc sống gia đình bình thường nhưng hạnh phúc, vì vậy cô không phiền trách anh khi phải ở nhà một mình như vậy.

Thấy chồng phải đi làm từ 6 giờ sáng nên 5 giờ cô đã thức dậy lo nấu thức ăn cho chồng đem theo vì chỗ làm không bán thức ăn trưa, mà nếu có bán thì chồng cô cũng luôn phải đem thức ăn ở nhà theo vì không quen ăn thức ăn của Úc.

Nhưng sang đến ngày thứ ba, vì quá mệt mỏi với đêm không ngủ trên máy bay và sang Úc lạ chỗ khó ngủ nên khi chuông báo thức gọi chồng dậy đi làm mà cô vẫn ngủ ngon lành. Chồng cô thấy cô ngủ mà không dậy nấu thức ăn cho anh đem theo, anh phải lay cô thật mạnh nhiều lần cô mới giật mình tỉnh giấc. Anh tỏ vẻ hơi khó chịu nhắc cô nhanh tay lên vì sắp trễ giờ làm. Cô thoáng thất vọng. Tuy có hơi buồn, nhưng B.N. vẫn thông cảm cho chồng vì nghĩ anh là đàn ông, có lẽ không nhạy cảm như đàn bà mà thôi.

Nhưng đến lúc mang thai khoảng bảy, tám tháng, trong một lần vợ chồng bất hòa, cô buồn nên bỏ ra ngoài để mong hít thở khí trời cho khuây khỏa. Khi trở về dùng khóa để mở cửa thì mở hoài vẫn không được, chồng cô đã khóa trái cửa bên trong. B.N. gõ mãi mà chồng không ra mở. (Mãi về sau cô mới được biết chồng cô khóa trái cửa là vì lúc đó bận nói chuyện điện thoại với một cô bạn gái trước đây của anh ta). B.N. thất vọng, nhà thì không vào được, lại không có một ai thân thích nên cô đành ôm bụng bầu sắp tới ngày sinh nở ra công viên gần đó để ngồi. Đêm mùa thu ở Úc không quá lạnh, nhưng lòng B.N. đang đóng băng!

Một ông hai bà

Đau khổ hơn B.N. là T.D. T.D. quen với Q.H., một Việt kiều Úc lịch lãm. Ông ta nói cho cô biết rằng ông đã ly dị vợ bảy, tám năm nay, có giấy chứng nhận độc thân hẳn hoi. Thấy ông Việt kiều tuy lớn tuổi hơn nhiều nhưng cư xử lịch thiệp, biết chiều chuộng, có vẻ yêu thương cô thật lòng, chuyện ly dị cũng đã qua lâu nên cô bằng lòng làm đám cưới với ông ta.

Đến khi đặt chân sang Úc, cô mới hỡi ôi vì thật ra tờ giấy ly dị chỉ là một bằng chứng giả. Gọi là một bằng chứng giả, chứ không phải là một tờ giấy giả bởi lẽ đó là một tờ giấy ly dị thật nhưng chỉ là thật trên giấy tờ. Ở Úc, do luật lệ về vấn đề an sinh xã hội, nhiều cặp vợ chồng vì muốn hưởng thêm lợi nên đã cùng nhau thỏa thuận làm giấy ly dị để qua mặt luật pháp hưởng thêm trợ cấp an sinh xã hội từ Chính phủ Úc. Giấy ly dị thì thật, nhưng hai người vẫn sống với nhau như vợ chồng bình thường.

Cô đau đớn hiểu ra sự thật, nhưng không có ai thân thích nên thời gian đầu đành chịu cảnh “một ông hai bà”. Phải ở chung nhà, bà lớn nhà trên, bà nhỏ nhà dưới. Chỉ đến khi không chịu nổi cái cảnh cứ hễ mỗi lần giận nhau, chồng cô lại bỏ lên nhà trên ở với bà lớn.

Cô buồn quá, điện thoại về xin gia đình gửi tiền sang để cô mua vé máy bay bỏ về VN với ý nghĩ ở lại luôn. Nhưng rồi phần vì người chồng lại bay về VN năn nỉ, xin lỗi, mong cô quay trở lại Úc để “làm lại từ đầu”, phần vì cô cũng ngại mang tiếng với xóm giềng và bà con họ hàng nên chấp nhận. Chấp nhận để rồi lại ân hận cho những tháng ngày đau khổ về sau.

Chân Tâm (Melbourne, Úc)

 

    


Related news:
Created by admin
Last modified 20-11-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin