Siêu thị Việt phát triển tại Cộng hòa Séc
Từ “chợ trời” tới siêu thị
Khi 2 đại gia bán lẻ Delvita và Droxi thông báo sẽ từ bỏ thị trường CH Séc, các hệ thống siêu thị mới đang chuẩn bị thế chân. Ông Nguyễn Dương, cựu Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt tại Prague và hiện là Giám đốc Cty thương mại quốc tế Scitexim, cho biết, hàng chục thương gia người Việt đang chuẩn bị mở hàng loạt siêu thị mới ở các thành phố nhỏ để cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế cũng như của Séc trong vài năm tới.
Theo ông Dương, hệ thống siêu thị của người Việt với quy mô từ 300m2 – 1.000m2 sẽ rất phong phú về hàng hóa, từ thực phẩm tới dược phẩm và mỹ phẩm. Ông Dương thừa nhận rằng việc mở rộng kinh doanh trên thị trường bán lẻ sẽ rất khó khăn với doanh nhân Việt và hiện nay họ đang khảo sát thị trường, lựa chọn địa điểm thích hợp.
Một thương gia Việt - người sở hữu 12 cửa hàng bán lẻ và đang chuẩn bị mở thêm cũng như nâng cấp thành siêu thị – cho biết ông không thể bình luận về hệ thống kinh doanh mới trong tương lai. Thương gia này từ chối tiết lộ tên và chi tiết kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị vì tính cạnh tranh cao với các nhà bán lẻ CH Séc, tập đoàn nước ngoài và ngay trong cộng đồng người Việt. Theo ông Dương, thương gia Việt thường chỉ đưa ra bình luận sau khi mọi việc đã hoàn thành và thu được thành công.
Tuy nhiên, các đối thủ trong thị trường bán lẻ cho biết thương gia Việt có những kế hoạch đầy tham vọng tại CH Séc. Zdenik Juraeka, Phó Chủ tịch Liên đoàn Du lịch và thương mại CH Séc, nói: “Các thương gia Việt đang mua lại tài sản của các nhà bán lẻ CH Séc ở nhiều thành phố nhỏ”. Ông Juraeka đưa ra bằng chứng cụ thể như việc mua các văn phòng bỏ trống của Jednota, tập đoàn bán lẻ CH Séc có 3.600 siêu thị trên toàn quốc, với ý định mở các cửa hàng lớn. Cũng theo ông Juraeka , người Việt ở CH Séc chủ yếu mới chỉ làm chủ các cửa hàng bán lẻ cỡ nhỏ với hàng hóa chính là quần áo, giày dép và hàng điện tử nên không thể cạnh tranh với các siêu thị. Người Việt thậm chí còn thuê lại các gian hàng trong siêu thị như của Jednota để mở các cửa hàng ngay tầng 1.
Tuy nhiên, ông Juraeka khẳng định, việc cùng tồn tại này sẽ sớm thay đổi khi các thương gia Việt đang nhanh chóng chuyển từ hình thức kinh doanh kiểu “chợ trời” thành những nhà bán lẻ chuyên nghiệp. Theo ước tính của Hiệp hội Doanh nhân Việt tại CH Séc, cách đây 5 năm có tới 75% trong tổng số 40.000 người Việt ở nước này kinh doanh kiểu “chợ trời”, nay đã giảm xuống một nửa.
Cạnh tranh khốc liệt
Theo ông Nguyễn Dương, trong vài năm qua các nhà bán lẻ người Việt đã dành dụm tiền để nâng cấp cửa hàng thông thường thành siêu thị nhỏ với nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, để tránh mạo hiểm, các nhà bán lẻ này vẫn giữ kiểu kinh doanh “chợ trời” cho đến khi cửa hàng kiểu mới thành công. Ông Dương khẳng định: “Trong vòng 3 – 5 năm tới, kiểu kinh doanh “chợ trời” của người Việt sẽ hoàn toàn biến mất ở CH Séc”.
Michal Severa, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu thị trường GFK Praha, nhận định: “Gia nhập vào hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp, người Việt sẽ phải trải qua một thời gian đầy khó khăn”. Theo chuyên gia này, để đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, các nhà bán lẻ người Việt nên liên kết thành các tập đoàn lớn, thiết lập mối quan hệ vững chắc với nhà cung cấp…
Theo ông Nguyễn Dương, mặc dù các nhà bán lẻ người Việt khó cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế, nhưng họ vẫn có cơ hội khi một số đại gia bán lẻ ra đi. Giới chuyên gia kinh tế của CH Séc nhận định, nếu các thương gia Việt thành công trong việc tạo ra hệ thống bán lẻ phong phú về hàng hóa, giá rẻ và đặt ở vị trí thuận lợi, họ có thể trở thành các tập đoàn siêu thị tầm cỡ quốc tế. (Theo TPO).
Related news:
- Hà Nội trong nỗi nhớ người xa xứ (30-11-2006)
- "Ngày Nhà Giáo Việt Nam" ở Magdeburg (28-11-2006)
- Trường tiếng Việt tại Ba Lan kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2006 (27-11-2006)
- Hướng đi nào cho các trung tâm thương mại Việt Nam ở Đông Âu (24-11-2006)
- Lấy chồng xa xứ (20-11-2006)
- Việt kiều Thụy Sĩ hãnh diện vì Việt Nam gia nhập WTO (07-11-2006)
- Trung tâm thương mại đầu tiên của người Việt ở Hungary (02-11-2006)
- Chuyện học tiếng mẹ đẻ của học sinh người Việt ở Phần Lan (13-10-2006)
- Mở nhà máy robot Việt trên đất Canada (10-10-2006)
- Chứng khoán VN: Thời cơ vàng cho các nhà đầu tư Việt kiều (04-10-2006)
Last modified 23-11-2006