Hướng đi nào cho các trung tâm thương mại Việt Nam ở Đông Âu
Hội thảo không chỉ đánh giá tình hình và xác định hướng phát triển hợp tác các TTTM VN tại Châu Âu mà còn đề ra các giải pháp thực hiện và trao đổi các kinh nghiệm cho các doanh nghiệp VN tại Châu Âu trong quá trình hội nhập. Dự kiến Hội thảo lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại Vác xa va – Ba Lan vào tháng 09-2007. Bài tham luận được đăng trong tạp chí NGUỜI VIỆT Ở CHÂU ÂU số ra ngày
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX các nước Đông Âu đã có những thay đổi quan trọng sau sự sụp đổ của chế độ XHCN ở các nước này. Nền kinh tế chuyển đổi thành nền kinh tế thị trường đầy năng động. Trong khoảng 15 năm qua cộng đồng người Việt Nam tại Đông Âu ( bao gồm các nước Đức, Ba lan, Séc, Slowaki, Hungari, Bulgari) đã hình thành và phát triển nhanh chóng. Từ những cộng đồng non trẻ như ít về số lượng, không gắn bó với nước sở tại, hiện nay với gần 200.000 người cộng đồng người Việt Nam tại Đông Âu là cộng đồng năng động, nhiều tiềm năng, ngày càng gắn bó, hội nhập với cộng đồng chung Châu Âu.
Để có những thành công hôm nay, mỗi người Việt Nam tại đây đều phải cố gắng vượt lên gian khó, thử thách, chắt chiu tích luỹ kinh tế, đầu tư cho con cái học hành, đoàn kết gắn bó cùng vươn lên, hội nhập. Trong những năm qua đa phần người Việt Nam đã bắt đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trằng và từ nền kính tế chợ trời. Dù ở bất kỳ nước nào thì ở mỗi khu chợ trời đều có những người Việt Nam chăm chỉ, tần tảo sớm hôm. Buôn bán, phục vụ tại chợ đã trở thành một nghề chính của đại đa số người Việt tại Đông Âu. Do nhu cầu và thực tế dần dần đã hình thành các khu chợ trời ngày càng lớn của cộng đồng người Việt tại đây. Các khu chợ trời được thành lập, lớn lên và phát triển thành các TTTM VN. Do lịch sử và điều kiện thực tiễn, các TTTM VN đã trở thành trung tâm kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn gia đình Việt Nam, mà còn là nơi gắn bó những người Việt, tạo môi trường giao lưu, duy trì văn hoá, tiếng việt, tập tục truyền thống Việt Nam.
Có thể thấy một số đặc điểm chung của các TTTM VN tại Đông Âu hiện nay:
Về mô hình: Chủ đầu tư và quản lý các TTTM VN thường do công ty của người Việt Nam làm chủ. Các công ty này hoạt động theo luật pháp nước sở tại và không có sự hợp tác, liên doanh với các công ty hay các cấp chính quyền tại Việt Nam. Đa số các TTTM thuê, mua đất, mặt bằng kinh doanh và cải tạo, sửa chữa đưa vào sử dụng. Nhiều TTTM hiện đã lạc hậu, không đủ các tiêu chuẩn như đảm bảo về cứu hoả, vệ sinh, an toàn lao động và điều kiện hoạt động cho người lao động v.v. Tại các TTTM VN chủ đầu tư cho các công ty khác thuê lại mặt bằng, cửa hàng, kho bãi để tự sử dụng, kinh doanh. Phần lớn các công ty hoạt động tại đây là các công ty của người Việt Nam, ngoài ra còn có các công ty nước sở tại hay người Trung quốc, Thổ nhĩ kỳ, Nga, Ấn độ v.v. Một số TTTM lớn có vài trăm cửa hàng hay là trung tâm bán buôn hàng hoá nhập khẩu từ Trung quốc, Việt Nam, Thổ nhĩ kỳ, Thái lan, Ấn độ hoặc được sản xuất tại các nước sở tại. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam tại đây tiêu thụ hàng nhập khẩu chính từ Trung quốc, tỷ lệ hàng có nguồn gốc từ Việt Nam ngày càng ít (ước tính chiếm khoảng 15-20% thị phần).
Đối tượng phục vụ: Các công ty hoạt động tại các TTTM VN thường là các công ty nhỏ. Mặt hàng buôn bán chủ yếu là hàng vải, dầy dép, dụng cụ gia đình, thực phẩm, dịch vụ ăn uống v.v. Đa số các công ty không có thương hiệu riêng, chưa ý thức xây dựng thương hiệu, do vậy hoạt động vẫn mạng tính chộp dật, đầu tư ngắn hạn. Khách hàng chính của các TTTM bán buôn là các doanh nghiệp nhỏ, cá thể. Họ có hệ thống cửa hàng nhỏ hay tiêu thụ các loại hàng giá rẻ. Ít công ty hoạt động tại các TTTM VN có khả năng bán hàng cho các siêu thị hay có các hợp đồng cung cấp hàng lớn, ổn định. Tại các TTTM VN rất ít có các đại lý cho các doanh nghiệp trong nước. Mới chỉ có một số doanh nghiệp Việt Nam tại Đông Âu tự mình đầu tư xí nghiệp tại Việt Nam và chuyển hàng sang tiêu thụ. Các TTTM VN không chú trọng việc hỗ trợ hay tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng từ Việt Nam.
Về quan hệ: Không có sự hợp tác, liên kết giữa các TTTM VN ở mỗi nước hay khu vực. Đôi khi sự cạnh tranh giữa các TTTM còn chưa lành mạnh, tạo nên sự đối đầu gây thiệt hại về kinh tế, uy tín cho các doanh nghiệp và cộng đồng. Chính quyền Việt Nam chưa có các chính sách hỗ trợ hay đầu tư cho các TTTM VN tại Đông Âu nhằm giúp cho các TTTM phát triển và đủ sức cạnh tranh, hội nhập.
Sự hội nhập của các nước Đông Âu vào EU từ năm 2004 đã mở ra bước ngoặt với cộng đồng người Việt tại đây. Các doanh nghiệp buộc phải thay đổi tư duy kinh doanh để tồn tại, phát triển. Sự hội nhập cũng giúp nhiều gia đình Việt Nam yên tâm phấn đấu định cư lâu dài, ý thức đầu tư cho các kế hoạch làm ăn bài bản. Hàng loạt gia đình tập trung ổn định giấy tờ, nhà ở, đầu tư cho con cái học hành và cố gắng tìm kiếm hoạt động kinh doanh gắn kết lâu bền với nước sở tại. Mặt khác trong sự hội nhập EU các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải nhiều khó khăn trong kinh doanh, nhất là khi phương thức kinh doanh cũ, kinh doanh chợ trời đã không còn phù hợp. Hàng loạt các siêu thị mọc lên đang đẩy dần các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ của người Việt Nam về các vùng quê hay phá sản. Việc buôn bán ngày càng khó khăn, tăng chi phí và phải chịu quản lý chặt chẽ về thuế, nghĩa vụ doanh nghiệp. Tuy lộ trình hội nhập của các nước Đông Âu vào EU đã biết trước hàng chục năm, xong các doanh nghiệp Việt Nam tại đây thiếu hiểu biết, ít thông tin, đa phần không có phương án chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh của mình. Vì vậy việc phá sản, thất nghiệp trong những năm qua ngày càng tăng và sẽ còn tiếp tục nếu tình hình không được cải thiện. Điều đó gây hoang mang, phát sinh tiêu cực như làm ăn vi phạm phát luật, trốn thuế, lừa hàng v.v ảnh hưởng chung tới hoạt động kinh doanh và uy tín cộng đồng.
Với các TTTM VN khi các nước Đông Âu gia nhập EU cũng là giai đoạn thay đổi có tính quyết định, cơ hội cũng có, nhưng khó khăn cũng nhiều. Các khu chợ trời hay các TTTM không đủ tiêu chuẩn hoạt động chắc chắn sẽ bị loại bỏ. Kể cả các khu chợ trời của người bản địa, nơi có rất nhiều người Việt Nam kinh doanh như chợ sân vận động tại Vác xa va sớm muộn cũng sẽ bị đóng cửa , khi đó hàng nghìn người Việt Nam bị mất việc. Thêm nữa các chợ trời tại Nga hiện đang trong giai đoạn bị huỷ bỏ, cũng gây nên thất nghiệp cho hàng vạn người Việt và tạo ra làn sóng di dời của người Việt từ Nga tới các nước Đông Âu, tăng thêm gánh nặng trong kinh doanh, công ăn việc làm cho các cộng đồng hiện tại. Câu hỏi đặt ra liệu trong thời kỳ hội nhập EU, phương thức kinh doanh của người Việt Nam, nhất là kinh doanh chợ trời tại Đông Âu sẽ tiếp tục tồn tại hay đi về đâu? Bên cạnh đó mô hình của các TTTM VN liệu còn phù hợp hay phải thay đổi như thế nào cho thích nghi với tình hình mới?
Dù muốn hay không các TTTM VN kiểu cũ sẽ bị loại bỏ do không phù hợp với tiêu chuẩn EU hay bị phá sản do không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hơn nữa các TTTM VN còn phải cạnh tranh gay gắt với các TTTM của các nước khác như Trung quốc, Thổ nhĩ kỳ. Từ các khó khăn như vậy, trong những năm qua chuẩn bị cho quá trình hội nhập của các nước Đông Âu vào EU, tại Ba Lan năm 2001 các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện dự án xây dựng TTTM ASG và đưa vào hoạt động năm 2002, TTTM EACC khởi công 2003 đi vào hoạt động năm 2004, TTXTTM&ĐT ASEANPL trong dự án hệ thống các TTXTTM&ĐT ASEANRUSEU khởi công năm 2003 và khánh thành giai đoạn đầu năm 2005. Có thể nói đây là các TTTM VN được thiết kế và xây dựng hiện đại đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn EU với số vốn đầu tư rất lớn bao gồm hàng chục nghìn m2 sử dụng. Hiện tại các TTTM này cùng với TTTM Trung quốc GD tạo nên quần thể khu TM Châu Á vùng Wolka
Kosowska lớn nhất tại Châu Âu. Khu TM với diện tích gần trăm ha có hàng nghìn gian hàng , tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn người đang là mô hình thích hợp cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hậu chợ trời. Tuy đã có sự chủ động chuẩn bị xong trên thực tiễn các doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan vẫn không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Do chưa ý thức liên kết, hợp lực nên vẫn không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung quốc, Thổ nhĩ kỳ. Nguyên nhân có rất nhiều, xong bộc lộ một số hạn chế cơ bản như doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn chiến luợc xa, chưa tạo sức mạnh đoàn kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam. Chính quyền Việt Nam.chưa có chính sách phù hợp quan tâm tới mô hình kinh doanh hiệu quả và truyền thống này. Sự nhỏ lẻ, thiếu bộ phận tiên phong, tâm huyết và tính đố kỵ truyền thống đã làm yếu sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, chuyển cơ hội cho các doanh nghiệp nước khác. Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành khách hàng của các TTTM nước khác, hàng trăm doanh nghiệp Trung quốc, Thổ nhĩ kỳ từ trong nước hay khu vực EU đã tràn sang Ba Lan tăng thêm sự cạnh tranh trong kinh doanh.
Từ xu hướng hội nhập chung của EU và thực tiến các TTTM VN tại Ba Lan có thể khẳng định: Các TTTM VN tại Đông Âu vẫn có ý nghĩa và giá trị trong thời gian hàng chục năm tới khi các TTTM được xây dựng đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại chung của EU và hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bài bản. Đặc biệt vai trò các TTTM là trung tâm bán buôn hàng hoá của một nước hay khu vực. Sự hiện đại của các TTTM sẽ tạo điều kiện cho các công ty hoạt động tại TTTM có thêm lợi thế để phát triển, tăng uy tín, mở rộng bạn hàng, thậm chí là nơi cung cấp hàng hoá cho các siêu thị hay khách hàng từ các nước EU cũ. Việc đầu tư xây dựng các TTTM hiện đại cũng góp phần cải thiện bộ mặt, uy tín của các doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam và buộc chủ đầu tư phải quyết tâm cạnh tranh để tồn tại. Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng góp phần đầu tư tại nước sở tại, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương, đóng góp cho sự phát triển xã hội và quan hệ Việt Nam với nước sở tại, tạo thêm công ăn việc làm cho người bản địa, giúp cộng đồng gắn kết và sống hội nhập. Để các TTTM VN tại Đông Âu hoàn thiện và hội nhập cần thiết phải xác định đầu tư xây dựng các TTTM phù hợp với luật pháp, chuẩn mực của EU. Các TTTM phải đủ lớn để có thể cạnh tranh, cần hiện đại không chỉ về xây dựng mà còn trong các hoạt động quản lý, tiếp thị, quảng bá và quan hệ quốc tế, nhất là hài hoà gắn kết lâu dài giữa quyền lợi của chủ đầu tư và các công ty sử dụng. Có thiện chí liên kết các TTTM để đầu tư xây dựng các TTTM có quy mô lớn hơn, vừa tăng sức mạnh tài chính, vừa giảm đối đầu nội bộ, tập trung sức lực đối phó và cạnh tranh với các TTTM của các nước khác. Việc liên kết các TTTM VN trong mỗi nước hay giữa các nước Đông Âu sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Đông Âu thuận lợi khi mở rộng thị trường hay liên kết với Việt Nam. Để đạt được những mong muốn đó các TTTM VN tại Đông Âu cần sớm triển khai những kế hoạch cụ thể:
Thứ nhất, mỗi TTTM cần rà soát lại kế hoạch đầu tư, phát triển của mình trong thời gian tới, khẩn trương chuẩn bị đầu tư để có TTTM phù hợp với luật pháp, điều kiện kinh doanh mới. Tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gắn kết lâu dài và hoạt động có hiệu quả tại TTTM của mình. Nên hợp tác xây dựng TTTM với quy mô lớn, hiện đại và chuyên nghiệp, có những kế hoạch cho từng giai đoạn và lâu dài. Tăng cường quan hệ giữa các TTTM VN tại Đông Âu để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm từ việc tổ chức mô hình công ty, huy động vốn, hợp thức vốn, thiết kế, xây dựng và hình thành hệ thống quản lý. Hỗ trợ trao đổi, đào tạo các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Có kế hoạch liên kết với các đơn vị hành chính Việt Nam nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập các TTTM mang thương hiệu Việt Nam.
- Thứ hai, thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi, thăm quan giữa các TTTM VN tại Đông Âu. Sớm hình thành ban đại diện các TTTM VN tại Đông Âu. Ban đại diện có kế hoạch liên kết và phát triển các TTTM VN tại Đông Âu cũng như hợp tác cùng đầu tư tại Việt Nam hay các nước khác. Cần có các liên kết tài chính để gắn kết các TTTM VN tại khu vực. Liên kết tài chính có thể thông qua việc hình thành công ty chung cho từng dự án cụ thể, lập các quỹ đầu tư, nghân hàng theo luật pháp EU hay ký kết các thoả thuận, hợp đồng. Sự liên kết tài chính cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tại đây có lợi thế hơn khi thâm nhập vào các lĩnh vức khó khăn hiện nay như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, cổ phần hoá doanh nghiệp tại Đông Âu, Việt Nam cũng như xây dựng các xí nghiệp, hệ thống xúc tiến thương mại, đầu tư, đại lý, quảng bá sản phẩm. Có thể hợp tác xây dựng mô hình liên kết tạo ra các công ty đa quốc gia của người Việt Nam tai Đông Âu ( ví dụ mô hình của dự án xây dựng hệ thống các TTTXTTM&ĐT ASEAN – NGA – EU của các doanh nghiệp Việt Nam tại Ba lan đã đề xuất từ năm 2003). Nhờ uy tín và ảnh hưởng đã có của mình, các TTTM VN tại Đông Âu sớm liên kết mở rộng hoạt động kinh doanh hay hỗ trợ cho các doanh nghiệp các nước hợp tác sang các lĩnh vực như du lịch, dịch vụ công cho các doanh nghiệp, dịch vụ hiếu - hỷ cho các thân nhân Việt kiều, hệ thống dịch vụ du học, bảo hiểm, chăn sóc người cao tuổi cho Việt kiều hay thân nhân tại Đông Âu, Việt Nam v.v. Đồng thời có thể giúp gắn kết cộng đồng người Việt Nam tại Đông Âu trong các hoạt động xã hội như các hoạt động giao lưu văn hoá, giảng dạy tiếng Việt, hoạt động từ thiện.
Thứ ba, chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, quảng bá, tiếp thị cho mỗi TTTM hay cả hệ thống các TTTM VN tại Đông Âu như
Có thể nói các TTTM VN tại Đông Âu là một đặc thù có rất nhiều ưu thế của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là thuận lợi hiếm có hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp Việt kiều, liên kết với doanh nghiệp ở Việt Nam, làm cầu nối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước sở tại. Để các TTTM VN tại Đông Âu tiếp tục phát triển và gắn kết với Việt Nam cần có sự nhìn nhận đúng đắn và quyết tâm từ cả hai phía doanh nghiệp Việt kiều và chính quyền Việt Nam. Hiện đã đến thời điểm quyết định cho mỗi TTTM VN tại đây có thể tồn tại hay không tồn tại. Sự tồn tại của các TTTM VN cũng giúp cho hàng nghìn gia đình người Việt Nam tại Đông Âu ổn định cuộc sống. Hy vọng sẽ có những chính sách ủng hộ thiết thực của chính quyền Việt Nam giúp các doanh nghiệp Việt Nam tại Đông Âu có thể liên kết, hợp lực cùng xây dựng và phát triển các TTTM VN như ngôi nhà chung của các doanh nghiệp Việt Nam tại đây và là cầu nối của doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
TS. Hoàng Xuân Bình.
Chủ tịch TTTM ASG – Ba Lan.
Chủ tịch TTXTTM&ĐT ASEANPL.
Related news:
- Ấn tượng Việt Nam tại liên hoan bia quốc tế Berlin lần thứ 10 (09-08-2006)
- Người Việt ở Mỹ: Hy vọng có sự cải thiện thương mại với Việt Nam (26-07-2006)
- Tiến sĩ Thái Hồng Lam (Việt kiều Mỹ): Trở về vì lời hứa với quê hương (24-07-2006)
- Những ngôi sao nhỏ (18-07-2006)
- Bánh cuốn Việt Nam chinh phục Hoa Kỳ (12-07-2006)
- Biết nắm lấy tương lai thì tương lai càng đến gần (05-07-2006)
- Rau Việt trên đất Séc (04-07-2006)
- Trao giải thưởng cho học sinh giỏi của Trung tâm Luyện thi Susscess (28-06-2006)
- Lễ tổng kết năm học 2005-2006 của trường Tiếng Việt tại Ba Lan (27-06-2006)
- Lễ Bế giảng lớp học tiếng Việt tại Genève, Thụy Sĩ (23-06-2006)
Last modified 24-11-2006