FOLMAVA-chiều cuối thu
Đường đi Folmava uốn lượn, lại liên tiếp lên đèo xuống dốc nên tạo cảm giác mệt, nhưng phong cảnh luôn thay đổi, đẹp lạ lùng: lúc thì là rừng thông với những thân cây vươn cao thẳng tắp, lúc lại là cánh đồng rau cải xanh rì, có chỗ đã trổ hoa vàng lác đác trông thật đẹp. Lên khỏi một ngọn dốc, trước mắt lại mở ra một không gian thoáng đãng như từ trên cao nhìn xuống: những cánh đồng đất vừa cày lật trắng, một thị trấn xinh xắn với tháp nhà thờ cổ vươn cao vượt lên khỏi lùm bạch dương vàng... Lại có chỗ những vạt đồi lượn vào nhau, tạo nên không gian ba chiều nhiều màu sắc trông thật tuyệt... Rồi bỗng, chỉ trong giây lát, tôi như không tin vào mắt mình - một màn sương mù đã từ bao giờ che mờ cảnh vật, tất cả chìm trong khói sương, mờ ảo, xe chúng tôi đi bồng bềnh trong lớp sương mù. Chồng tôi, vốn tính hài hước, lúc này chợt thốt lên: - Cứ như Đường Tăng trên đường đi Tây Trúc thỉnh Kinh ấy nhỉ? Bác tài có nhìn thấy các tiên nữ bay lượn đâu đây thì cũng chớ lạc tay lái đấy nhé! Cũng là lời dặn lái xe an toàn, ai cũng cười và hiểu như vậy. Trần Tiến, một cư dân Plzen, nhưng tất cả “sự nghiệp” lại ở Folmava, cho biết, thời tiết mùa này ở đây luôn xảy ra như vậy, cứ chiều chiều là sương mù kéo về, vây quanh khu vực Domazlice, và nhiệt độ luôn thấp hơn nơi khác. Bác lái xe thông báo, nhiệt độ ngoài xe hiện là 3 độ, tôi chợt thấy lạnh và mệt, thiếp đi lúc nào không biết...
Xe dừng. Tôi mở bừng mắt: trước mặt là một hàng xe đang nối đuôi nhau chờ vào chợ. - “Đến nơi rồi chị ạ!”, Tiến thông báo. Đông đến vậy! Không khí trong chợ thật tấp nập, khác hẳn mùa đông năm trước, khi chúng tôi có dịp qua đây lần đầu tiên. Chợ hồi đó cũng không được khang trang, sạch đẹp như thế này. Tiến dẫn chúng tôi đến thăm “mini market” của anh Lưu Văn Ánh, quê Quảng Nam Đà Nẵng. Anh đang tất bật gõ máy tính tiền trước một hàng dài khách đứng chờ. Thấy vậy, Tiến dẫn chúng tôi đi ra phía sau cửa hàng, một khu sân rộng vừa được xây mới bầy đầy những tượng, tượng người, tượng vật đủ kiểu đủ màu trông rất hấp dẫn. Những cặp vợ chồng khách Đức đang đi lại săm soi, ngắm nghía say mê... “Đến như mình, một mét vuông sân vườn chẳng có, cũng còn say mê, nữa là họ! Có được một con cún xinh xắn, to như thật, đặt trong vườn, hay một con ếch xanh, một con cò trắng đứng một chân, đặt bên cái hồ nhỏ trong khu biệt thự thì còn gì bằng!”, tôi thầm nghĩ. Bác lái xe, giờ mới tìm được chỗ đỗ, tìm đến với chúng tôi và thì thầm: Hôm nay khách đông thật, thế này thì bà con mình còn làm ăn được! Khuôn mặt gầy, đầy nếp nhăn của bác như giãn ra, bác đang vui với niềm vui của cộng đồng. Đi qua các dãy hàng bán quần áo, giầy dép, mà Tiến giới thiệu đây là khu chợ của anh Nguyễn Trung Hà, các chủ hàng đang mải mời chào khách, hay tất bật đi ra đi vào lấy hàng cho khách, không ai để ý đến chúng tôi. Vượt qua đường quốc lộ, chúng tôi sang thăm khu chợ mà Tiến cho biết trước đây gọi là “Khu chợ chuồng bò”, sau khi có casino Sport-Olimpia thì đổi tên là “Chợ casino”. Lại cũng vẫn các quầy hàng bầy đầy quần áo ấm đủ chủng loại, màu sắc, kích cỡ rất bắt mắt, “không biết trong số đó có còn loại hàng giả nhãn mác hay không”, tôi tự hỏi. Hai bố con ông Tây, ý chừng chưa “được” giá, định kéo nhau bỏ đi, cô chủ cửa hàng, khoảng trên 30 tuổi, to béo, khỏe mạnh, nháy mắt gọi lại, cuộc mặc cả lại tiếp tục, rồi ông bố móc ví trả tiền, cậu con trai vui mừng cầm lấy cái quần yêu thích cô chủ đưa, cả chủ và khách không quên cảm ơn và hẹn gặp lại, tôi thấy vui lây với cái “văn minh thương nghiệp” mà cộng đồng chúng ta đã có nơi đây - trên đất Séc này.
Trời lạnh, chị em phụ nữ chúng tôi tạt vào tiệm cắt tóc Mai Anh “tạo một kiểu làm kỷ niệm”. Tiệm cắt tóc đã hoàn toàn thay đổi: rộng gấp đôi và khang trang gấp ba lần năm trước, tọa lạc ngay gian đầu của khu nhà ba tầng mới khánh thành. Cô chủ Mai Anh thì lại hoàn toàn không thay đổi: vẫn trẻ trung, vẫn xinh đẹp như xưa. Khách đông nên Mai Anh cần thêm hai người giúp nữa mới làm hết việc. Chốc chốc lại có một tốp khách đến, nói bằng tiếng Đức với Mai Anh, rồi hẹn giờ quay lại. “Cửa hàng rộng, đẹp thế này, thu nhập thế nào? Tăng gấp đôi, gấp ba chứ?”, chị bạn cùng đi hỏi. - “Đúng là phần chi tăng gấp đôi: tiền thuê nhà, tiền thuê thêm người làm, tiền điện nước,... nhưng cũng ổn chị ạ!”. “Vợ chồng em đi làm có xa không?”, tôi hỏi. - “Bọn em ở ngay tầng hai, khu nhà bên kia thôi mà!”, rồi Mai Anh kể, ở đây hiện có 8 gia đình ở, ban đêm cũng không hoang vắng và mất an toàn như chúng tôi tưởng, vì có casino và nhà hàng hoạt động suốt đêm, lại có bảo vệ của chợ và của casino làm việc 24/24 giờ. “ở Plzen còn có khi bị mất trộm, chứ bọn em ở đây đã 5 năm rồi, chưa hề xảy ra chuyện gì!”, Mai Anh nói thêm. - “Đã 5 năm?”, tôi ngạc nhiên, không nghĩ là khu chợ nhỏ bé hẻo lánh nơi biên giới, chuyên bán hàng cho khách vãng lai, lại có cả khu nhà ở, mà lại có cách đây những 5 năm. - “Vâng, thì chợ này có cách đây đã hơn 8 năm rồi, nếu em nhớ không nhầm thì bắt đầu từ năm 1997, anh Tiến mua lại khu chuồng bò của một người dân địa phương, rồi mở chợ. Đến giờ dân địa phương vẫn còn nhắc lại và biết ơn anh Tiến vì đã “biến khu chuồng bò quanh năm hôi hám, bẩn thỉu thành khu buôn bán tấp nập, tạo thêm thu nhập và việc làm cho dân địa phương”. Tôi chợt nhớ đến câu nói của anh Đinh Xuân Vinh, biệt danh Vinh Ngô ngày nào: - “Chú ấy tài lắm, nói thật với chị, nói về tiếng, thì chú ấy thua em và Hà Nga, Hà Nga thỉnh thoảng còn được Sứ quán nhờ làm phiên dịch, thế mà về các mối quan hệ với chính quyền địa phương, em và Hà Nga thua hắn, thế mới lạ chứ!”. Phải chăng cái “uy” của Tiến với chính quyền địa phương xuất phát từ ơn đức “cả hai cùng có lợi” này chăng? Vừa nhớ đến Vinh thì cũng là lúc Tiến trở lại, mời chúng tôi xuống quán uống nước “các anh đang chờ các chị!”. Quán đông nghịt người. Vinh, Bằng và các anh trong đoàn đang chờ chúng tôi. “Hôm nay chắc là các chủ chợ lại xuống ốp nợ các chủ quầy chứ gì?”, chị bạn cùng đi đùa. “Chuyện đó đã không xảy ra cách đây hai năm rồi. Một phần do làm ăn được, một phần do không còn quầy dư nên bà con tự giác”. “Sắp tới, một doanh nhân Đức sẽ mở một siêu thị lớn bên cạnh mấy khu chợ này, tình hình buôn bán của bà con ta sẽ ra sao?”, một anh trong đoàn hỏi. -“Bọn em cũng chưa biết được, đến đâu tính đến đó thôi ạ!”. Không khí bỗng trầm xuống. Phải chăng đó là tình trạng chung của các chợ của ta hiện nay, một viễn cảnh khó lường? Cạnh tranh gay gắt, một vài chợ có nguy cơ bị đóng cửa, một số không ít thì thường xuyên bị kiểm tra, tịch thu hàng bản quyền, lại có chợ, thật đáng tiếc, “mâu thuẫn nội bộ” khó hàn gắn,... Đâu là bức tranh tương lai cho mô hình chợ?
Bốn giờ chiều, trời càng lạnh, sương vẫn giăng đầy nhưng lượng khách vẫn chưa vơi. Nhìn những người bán hàng núp trong lớp áo đông dày mà mặt mày vẫn tái ngắt, mới thấy đồng tiền kiếm được không dễ dàng. Dọc đường về, thoáng nhìn thấy bên đường hai tấm bia mộ, tôi chợt nhớ đến cái chết thương tâm của hai cậu em của vợ chồng Tiến và Chung, được anh chị đưa sang làm ăn được mấy năm thì gặp tai nạn trên đường cách đây vừa tròn năm năm, chết ở cái tuổi 25 và 28. Lại mới đây, báo chí đưa tin về cái chết của một người, nghi là người Việt, trong vụ hỏa hoạn cháy chợ người Việt ở Praha 8. Thôi thì ở đâu cũng có sự sống, cái chết, nhưng thương tâm hơn cả là những cái chết bất trắc nơi quê người. Chỉ ít phút sau, lại có tin về cái chết của một cô gái chưa tròn 18 tuổi, theo mẹ sang đây làm ăn chưa bao lâu thì đoản mệnh vì bệnh. Tang lễ sẽ được tổ chức vào thứ Tư tuần tới. Thật tội nghiệp cho cả cô gái và người mẹ trẻ! Tôi bị nôn và say suốt dọc đường về.
“Đất lành chim đậu”, đất Séc nhân hậu đã thu nhận gần bốn chục ngàn người con đất Việt. Nhưng xem ra công cuộc mưu sinh nơi đây không dễ dàng như nhiều người tưởng, có cả mồ hôi, máu và nước mắt. Những người Việt khoảng hai phần ba đang ngày đêm bám trụ đường biên, quên ngày, quên giờ, quên thời tiết, phục vụ những người khách bên kia biên giới, chắt chiu dành dụm từng đồng cho tương lai và gửi về giúp đỡ người thân nơi quê nhà. Khó khăn là vậy, vất vả là vậy, mà mỗi khi quê hương gặp tai ương hoạn nạn, lại chính những con người ấy nhiệt tình ủng hộ quê nhà với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “của ít lòng nhiều”. Chúng tôi đã rất xúc động khi được chứng kiến các Hội đồng hương Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, lần lượt ra mắt, quyên góp được nhiều triệu đồng, nhanh chóng cử đoàn trực tiếp chuyển tiền về tận các địa phương vừa bị cơn bão số 7 tàn phá vừa qua. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã được quê hương – thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đánh giá tốt.
Đến thăm các khu chợ đường biên, được tận mắt chứng kiến những vất vả, nhọc nhẵn của bà con trong chợ, chúng tôi cảm nhận rõ hơn giá trị của đồng tiền và thấy cao quí hơn nhân cách con người.
Đinh Thu Vân.
Các tin liên quan:
- Nuôi dạy con ở hải ngoại (07-01-2009)
- Du học sinh Việt Nam tại Paris ăn mừng chiến thắng (30-12-2008)
- Việt kiều đổ về nước làm ăn (29-12-2008)
- Tết mùa lạm phát của người Việt ở Nga (29-12-2008)
- Cuối tuần đi “chợ Đồng Xuân” ở Berlin (26-12-2008)
- Người Việt tại Nhật có thể được nhận tiền từ gói kích cầu (23-12-2008)
- Học tiếng Việt ở Úc (19-12-2008)
- “Người phụ nữ hoàn hảo” của Le Trung (17-12-2008)
- Món Việt ở xứ sở của “chú lính chì” (11-12-2008)
- Ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Việt ngày càng gia tăng ở quận Cam (Mỹ) (08-12-2008)
Cập nhật 12-12-2006