Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 2:14

Người Việt ở Nga: TOGI trước ngày... "vỡ tổ"

Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2007, Trung tâm TOGI (Trung tâm thương mại của người Việt tại Nga) phải thực hiện di dân đợt đầu. TOGI nằm ở quận Nam, thủ đô Liên bang Nga, một trung tâm thương mại có tiếng phát đạt, vững vàng cũng sắp hết hợp đồng.


 


Cổng chợ TOGI

Người dân bình thản đối phó?

 

Trên thực tế, chúng tôi không nhận thấy sự hoang mang như nhiều đồn thổi. Có lẽ, do bà con đã có sự chuẩn bị. Bởi vì, không chỉ một lần dân Việt ở Matxcơva đã nghe đến việc TOGI sẽ bị đóng cửa.

 

Ngay tại chân cơ sở buôn bán ba tầng này, khi chúng tôi định chụp ảnh một gian hàng bán áo khoác, một giọng nam, miền Trung, không chút buồn rầu cất lên: “Mai ốp đóng cửa rồi, chụp làm gì nữa!”.

 

Người đàn ông quê gốc Đô Lương (Nghệ An) vui vẻ nói: “Tôi chuyển gần hết hàng về tỉnh cho thằng em bán. Ban quản trị cũng tạo điều kiện cho mở mặt này của quầy để bán cho hết hàng. Còn tôi đã có vé máy bay trong tay. Tôi sẽ về Việt Nam nghỉ ngơi đôi tháng rồi quay lại làm ăn tiếp. Tôi sống từ năm 1982 ở bên này, quen rồi”.

 

Gặp một người bán hàng complet nữ, dáng điệu anh vẫn rất bình thản. “Tiếc lắm! Vì ở đây làm ăn cũng được. Nhưng cần đi thì cũng thiếu gì chỗ để đến. Ra các chợ lớn như Vòm, Emeral hay Prajski. Ngay bên cạnh cũng có chỗ “chui vào” được, chợ Stroidvor ấy”.

 

Tại Nga, cũng có người Việt thức thời, nhanh nhẹn, nhân dịp này nổi lên thành một dạng chủ nhỏ. Họ liên hệ với các chợ có chủ là người Nga, “xí” trước một số chỗ, chuẩn bị cho dân trong chợ thuê lại.

 

Trên tầng ba của trung tâm thương mại, nơi lượng khách ít hơn hẳn ở các tầng khác, một bà cụ đã 70 tuổi, nhưng còn nhanh nhẹn, chủ một gian hàng túi xách, va-li, bán cho một chị người Việt hai cái túi xách bằng da với giá cả chưa bằng một nửa giá niêm yết thường ngày.

 

Bà bảo: “Bán cho gọn hàng. Tôi cũng mệt mỏi. Nhà cửa có đủ, của ăn của để cũng có rồi, không làm nữa. Cháu tôi nó bày ra cái cửa hàng này để tôi vừa bán vừa chơi cho khuây khỏa. Nhưng cũng chẳng chơi được, khách mua đông đúc suốt ngày, không có thời gian nghỉ ngơi. Nhân dịp này tôi nghỉ luôn”.

 

Lúc này, chỉ có bà cụ và một số người chấp nhận bán hàng rẻ cho người Việt để nhanh chóng được giải phóng khỏi hàng hóa nặng nề, khỏi công việc. Phần lớn các gian hàng khác, tuy có để bảng “Raspradaja”, tức là “hạ giá”, nhưng trên thực tế không có sự hạ giá.

 

 


Không có sự hoang mang
trong khu chợ TOGI

Một cô bé khác mau mồm mau miệng kể cho chúng tôi nghe: “Đã có người còn bán “đổ đống” áo khoác với giá 100 rup/ 1 cái, chỉ có điều phải “ôm” hết số hàng ấy. Người ta đã phải nhập những cái “kurka” ấy với giá từ 600, 700 đến 1000 rup/ một cái. Dân buôn ở tỉnh lẻ lên lấy về bán lại, “lời” chán”.

28/10 là mốc "như đinh đóng cột" phải ra đi. Nhưng có sự điềm tĩnh ở bà con là do thời điểm này đã tạm lùi lại. Ban quản trị thông báo đã gia hạn tồn tại thêm được 10 ngày đầu tháng 11, sau đó được cả tháng 11. Còn có tin là có thể đến cuối năm 2007, tức là còn được những hai tháng nữa.

 

Khắp nơi trong trung tâm thương mại, tiếng loa quản trị vang vang yêu cầu bà con chuẩn bị khẩn trương tiền thuê phòng cho tháng tới, để quản trị có tiền thanh toán cho chủ Tây.

 

Chuyển đổi... "tốt và giàu"!

 

Anh Phạm Quốc Toản cho biết: “Về phía Nga, tôi muốn nhấn mạnh rằng không có hiềm khích, tranh chấp, không hài lòng về tài chính đối với chúng tôi. Đơn vị chúng tôi đã thầu khu vực rộng 15.000 m2 này để làm trung tâm thương mại được gần 13 năm. Chúng tôi luôn là đối tác có uy tín đối với họ. Việc thanh toán luôn sòng phẳng và kịp thời.

 

Nhưng hiện nay, cùng với xu thế chung, họ đang thay đổi và nâng cấp mọi mặt, đương nhiên việc nâng giá mặt bằng là tất yếu..."

 

Anh Toản nói thêm: "Sau khi xây dựng xong, mỗi m2 đất sẽ được cho thuê với giá ít nhất là 600 USD. Họ cũng sẽ đòi hỏi khác đi về chất lượng hàng hóa và cung cách phục vụ. Chúng ta (ở đây là Ban quản trị và dân trong trung tâm thương mại), chắc chắn không đáp ứng được những tiêu chuẩn mà họ sẽ đề ra, vì thế hợp đồng không được gia hạn. Chúng tôi cố kéo dài thời gian ở lại để bà con giải quyết hàng hóa. Đồng thời, do uy tín của chúng tôi với phía Nga và phương pháp xây dựng cuốn chiếu của họ, nên cột mốc thời gian đã mấy lần được lùi lại".

 

Theo anh Toản, người dân trong trung tâm thương mại đã hiểu đúng vấn đề. Họ chấp nhận tình huống được ở lại thì càng tốt, đi cũng được. Ban giám đốc và dân trong trung tâm cũng đã gắn bó với nhau hơn một thập niên, vì thế phương châm đầu tiên là phải lo cho dân.

 

"Chúng tôi còn một trung tâm thương mại nữa - trung tâm Asian. Trung tâm thương mại Asian tuy nhỏ, chỉ có khoảng 200 phòng bán hàng, nhưng vẫn còn chỗ cho khoảng 30, 40 hộ dân. Chúng tôi cũng đã liên hệ với một số trung tâm thương mại có sức chứa lớn như Emeral để di dân đến" - Anh Toản nói.

 

Như vậy, có thể hiểu, thương hiệu TOGI, tức là Tốt và Giàu vẫn tồn tại. Mặc dù hình thái và địa điểm có thể thay đổi.

 

Anh Đôn cũng góp lời: “Các anh chị thấy đấy, thứ bảy, Chủ nhật, nhưng chúng tôi vẫn làm việc, vẫn trực. Hơn 450 phòng bán hàng đang hoạt động và hơn 1.000 con người ở đây đã gắn bó quyền lợi, số phận với chúng tôi nhiều năm. Lo lắng cho họ là trách nhiệm của chúng tôi”.

 

Mong đợi sự an hòa

 

Các “ốp” ở, bán hàng do người Việt đứng ra thầu, người Việt điều hành, lần lượt đóng cửa. Những quần thể thương mại, chuyên bán buôn – bán lẻ, vang bóng một thời, như Đôm 5, Salut, Sông Hồng chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện của những người đã từng ở Nga, có liên quan đến nước Nga.

 

Hiện nay, mô hình làm việc đan xen với người bản xứ đã che phủ dần dần mô hình buôn bán trước đây của người Việt tại Nga, nhất là ở Matxcơva.

 

Các trung tâm như Lion, An Đông, những nơi có tiếng là làm ăn chắc chắn, cũng chuyển đổi phương thức hoạt động. Các "ốp" ở như Phương Đông, Sài Gòn đã đóng cửa. Và một vấn đề đặt ra: Kiều dân Việt Nam ở Nga, những người buôn bán nhỏ, ít lưng vốn, sẽ đi đâu? Ở đâu? Làm gì?

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số sẽ rời Matxcova, về làm ăn ở các tỉnh xa; một số khác về Việt Nam; một số khác ra chợ Vòm, hòa cùng buôn bán với người Nga và người trong khối SNG ở các chợ nhỏ; một số khác chuyển đến Emeral, ở giáp ranh đường vành đai của Matxcơva.

 

Ở đây đã có nhiều người Việt buôn bán, hội tụ quanh TTTM Emeral – Mekong. Ở đây cũng có chợ thực phẩm, chợ xe hơi, phụ tùng xe hơi, chợ vật liệu xây dựng – nơi dân SNG buôn bán khá sầm uất.

 

Trong xu hướng hiện nay, mô hình làm việc đan xen với người bản xứ đã che phủ dần dần mô hình buôn bán trước đây của người Việt tại Nga, nhất là ở Matxcơva. "Cho dù tình huống buộc phải đến một nơi mới lạ, sống, làm việc với dân xứ người, hay dân xứ mình, chúng tôi vẫn mong và nhanh chóng hội nhập được với những người đã đến trước, đùm bọc lẫn nhau của người Việt, giữ gìn sự an hòa, để tiếp tục làm ăn ổn định, phát đạt.." - Cộng đồng người Việt đang buôn bán ở Nga thầm mong. (VNN)


Các tin liên quan:
Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 01-11-2007
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin