Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Tuesday, 17/12/2024 15:33

Người Việt ở Séc luôn hướng về đất mẹ

Chia tay tôi, Lan cứ nhắc đi nhắc lại: “Sau khi hoàn thành nốt chương trình học, nhất định em sẽ về Việt Nam. Hẹn gặp lại chị ở Việt Nam nhé”.


 


Đấy không chỉ là mong ước của Lan – cô sinh viên du học thạc sỹ ngành kinh tế tại Cộng hoà Séc mà của phần đông người Việt ở đây. Dù ở xa quê hương, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào họ cũng hướng về quê hương, hai tiếng Việt Nam luôn đau đáu trong tim.

Giữ gìn văn hoá Việt

Lan kể: “Ngoài giờ học, em và một số lưu học sinh Việt lại tham gia các hoạt động của cộng đồng như dạy tiếng Việt cho các em nhỏ người Việt, tổ chức những buổi tiểu luận chuyên đề về Việt Nam để giới thiệu cho bạn bè quốc tế hiểu về văn hóa dân tộc mình”.

Ý thức được tầm quan trọng của tiếng Việt trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc, đa phần người Việt ở nước ngoài trong đó có thế hệ trẻ như Lan đều cố gắng làm sao để giữ được tiếng Việt. Nhiều hình thức học tiếng Việt đã được áp dụng và mang lại hiệu quả tốt. Chỉ riêng Trung tâm thương mại Sapa (trung tâm đổ hàng lớn nhất của người Việt tại Séc, tại Praha4) đã có gần chục lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em các lứa tuổi. Một số gia đình mua sách giáo khoa tiếng Việt và tự dạy các em ở nhà, một số gia đình còn cho con em ở độ tuổi bắt đầu đi học về nước học tiếng.

Chị Hạnh, buôn bán hàng vải ở Trung tâm thương mại Sapa cho biết: Con trai lớn của mình được 5 tuổi cho về Việt Nam với ông bà để chuẩn bị học lớp 1. Học được 1 năm ở quê, rồi cho cháu trở về Séc để học tiếp. Trong gia đình, mọi người cũng thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt. Ngoài ra, mình còn khuyến khích cháu xem truyền hình VTV 4, đọc một số báo của cộng đồng người Việt tại Séc như: Báo Xa xứ, Tuần tin mới, Vạn Xuân…. Thỉnh thoảng khi cháu nghỉ hè vợ chồng cố gắng sắp xếp để cháu về Việt Nam, cho cháu đi thăm những di tích lịch sử ở quê nhà…. Nhờ nhiều hình thức học như vậy, bây giờ cháu đã sử dụng thành thạo tiếng Việt, nhiều khi rất thông minh và dí dỏm nữa.

Không chỉ quan tâm dạy tiếng Việt cho các cháu, phần đông cộng đồng Việt ở đây rất chú ý hướng các cháu về cội nguồn vì người Việt định cư ở đây đã từ 20-30 năm, thế hệ thứ hai và thứ ba sinh ra và lớn lên tại Séc nên rất ít có cơ hội hiểu biết văn hoá dân tộc mình.

Thỉnh thoảng các gia đình lại nấu các món ăn dân tộc như phở, bún ốc, riêu cua… để con em mình biết ăn những món ăn đặc sắc của quê hương. Vào những ngày lễ lớn như Tết thiếu nhi, Trung thu, Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại CH Séc, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam…lại tổ chức chương trình ca múa nhạc thiếu nhi, múa lân, rước kiệu, chơi các trò chơi dân gian. Nhất là ngày Tết cổ truyền luôn được bà con tổ chức rất chu đáo. Trong các bữa ăn ngày Tết cũng có đầy đủ bánh chưng, giò xào, canh măng… không khác ở Việt Nam. Đây cũng là dịp cộng đồng Việt tại Séc gặp gỡ nhau, chia sẻ những thông tin về quê hương, kể cho con cái mình nghe những phong tục tốt đẹp ngày Tết Việt như: đi chúc tết họ hàng, mừng tuổi đầu năm….

Theo chị Hạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc không chỉ là biết nói tiếng Việt, biết ăn cơm, mặc áo dài… mà điều quan trọng là làm thế giới biết đến Việt Nam với sự kính trọng khâm phục như xây dựng cộng đồng Việt ngày càng vững mạnh, xây dựng một hình ảnh Việt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.

“Mình sống ở đây thì phải hoà nhập tốt vào nước sở tại. Nhưng hoà nhập mà không hoà tan, phải luôn tự hào là người Việt Nam. Cộng đồng người Việt tại Séc luôn hướng về quê hương”. Chị Hạnh chia sẻ

Hướng về quê hương

Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hoà Séc hiện nay có khoảng trên 40.000 người, trong đó có hơn 2/3 đã được Cộng hoà Séc cho phép định cư. Người Việt tại Séc chủ yếu làm nghề kinh doanh và cư trú ở hầu hết các địa phương trên toàn lãnh thổ cộng hòa Séc, tập trung nhiều ở một số thành phố lớn và khu vực biên giới Séc - Đức, Séc - Áo. Đại bộ phận bà con cộng đồng làm nghề kinh doanh buôn bán tại các Trung tâm thương mại hoặc các chợ do một số Công ty của người Việt Nam thuê hoặc mua đất xây dựng, nhiều người kinh doanh bán lẻ tại các thành phố. Trong đó, môt bộ phận cộng đồng đã thành lập các công ty, nhà máy, xí nghiệp, mở nhà hàng, khách sạn, xưởng sản xuất... kinh doanh thành đạt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, dù xa quê hương và cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng bà con luôn dõi theo tình hình quê nhà và kịp thời có sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần đối với đồng bào bị thiên tai, tai nạn. Có thể đến những nghĩa cử và việc làm cao đẹp của Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Séc ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 5/2007 gây ra 47.700 USD. Cộng đồng người Việt tại Séc đã ủng hộ kịp thời 50 triệu đồng (lần đầu) giúp nạn nhân trong vụ sập cầu Cần Thơ. Hội đồng hương Hưng Yên đã ủng hộ 15 nghìn USD cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh để xây nhà và giúp đỡ các nhà chính sách, gia đình có công với cách mạng….

Không chỉ có các hoạt động hướng về người nghèo trong nước, các nạn nhân bị thiên tai, tai nạn trong nước nhiều doanh nhân “ăn nên làm ra” đã bắt đầu trở về mở các nhà máy ở trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nổi lên trong cộng đồng người Việt tại Séc, có thể kể đến những doanh nhân như anh chị Thiện – Thu. Gia đình doanh nhân này đã về nước lập công ty chuyên cung cấp thiết bị đèn cao cấp của Áo tại Việt Nam, thu hút nhiều lao động.

Chia tay, Lan nhắn nhủ thêm: Sinh viên Việt Nam, dù ở nước nào, cũng luôn mong đóng góp khả năng của mình vào công cuộc xây dựng đất nước. Có thể ở nước ngoài với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, các bạn đều có thể xin được việc làm với mức lương hơn hẳn Việt Nam. Nhưng trong lòng ai cũng đều băn khoăn, trăn trở về cơ hội việc làm ở quê hương. Riêng em, em đã thấy rất nhiều cơ hội phát triển ở quê hương, chẳng hạn em có thể làm việc cho các công ty Séc đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam.

Thanh Tâm
(ĐCSVN)

 

Created by phuongthuan
Last modified 06-06-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin