Ngọn rau, mầm lá quê nhà

... Chuyện “rau mắc hơn thịt” chỉ mới là một lý do (vì sống ở đâu tức theo thời giá đó), lý do quan trọng hơn là tự trồng rau vì nhớ Việt Nam, nhớ món ăn, nhớ ngọn rau, mầm lá quê nhà của bà con người Việt xa xứ...



Trang trại trồng rau của TS Hồ Đang (VK Úc)

Bác ba Bông Huệ có mấy người con ở nước ngoài. Trong một lá thư nhà của vợ chồng Lan và Cường từ Đức gửi về có kèm theo tấm hình dưới đây mà lời ghi chú bằng chữ Việt hơi bị “gập ghềnh” chính tả một chút: “Tấm hình nầy mấy miếng rau quế, dấp cá, rau răm ớt… Anh Cường trồng những loại rau đỡ khỏi tốn tiền đi mua. Má biết không ở bên đây mà tụi con đi mua 100g là 12.000 đồng tiền VN, tức là qui ra tiền Đức là 2 đồng DM”.

Nhưng chuyện “rau mắc hơn thịt” chỉ mới là một lý do (vì sống ở đâu tức theo thời giá đó), lý do quan trọng hơn là tự trồng rau vì nhớ Việt Nam, nhớ món ăn, nhớ ngọn rau, mầm lá quê nhà của bà con người Việt xa xứ.

 


Những hộc rau tại nhà của anh chị Cường - Lan (KV Đức)

Đã có một thời nở rộ vào các thập niên 1980 - 1990, thư nào của thân nhân gửi về cũng có đề nghị bên này gửi qua bên kia những thứ như cốm Vòng gói lá sen, cau khô, trà xanh, măng khô, tôm khô củ kiệu…  Nhu cầu "món chân quê" lớn đến nỗi, có nhiều bà con kết hợp du lịch thăm thân với buôn chuyến xách tay các đặc sản nói trên, cũng bù đắp phần nào cho chi phí chuyến đi. Rồi sau đó, có cầu thì có cung, sản phẩm hương sắc Đông phương đã được xuất nhập đại trà, lại thêm tại những vùng đất mới giá lạnh, bà con người Việt cũng đã biết cách tự ươm lấy dăm luống rau, hay dăm hộc rau xanh để mà vui mắt, vừa đỡ nhớ quê nhà vừa có rau xanh cho bữa ăn gia đình, dần dà sau đó một số người có điều kiện đã mở trại canh tác kinh doanh.

 

Trường hợp điển hình mà tôi đã có dịp tiếp xúc đó là đôi vợ chồng chị Hồng anh Vinh có công ty du lịch bay ở Hawaii. Cứ mỗi lần về thăm quê, chị Hồng lại nhờ tôi đưa lên cơ sở giống GINO để tìm mua hạt giống, từ ngò gai, đến bí, bầu, rau muống, mồng tơi... Chị nói “ăn chẳng bao nhiêu, nhưng chỉ thích trồng để ngắm, mỗi sáng ra nhìn, thấy cây ớt chớm nụ hoa, sao mà yêu thế, nó giúp làm dịu đi nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ nơi tuổi thơ mình đã trải qua với bao kỷ niệm êm đềm. Lúc đầu ăn không hết thì cho, cho riết người ta cũng ngại, nên đòi mua. Vậy là, chồng lái trực thăng đưa khách còn vợ trồng rau để bán. Thế nhưng thu nhập hai bên cũng "xêm xêm", nghĩa là trồng rau quê cũng kiếm lợi ngang bằng lái máy bay du lịch hiện đại.

 

Cũng từ những người quen, tôi còn được biết tin, ông Trần Đức Ước doanh nhân thành đạt của Sài Gòn xưa, nay cũng thành đạt tại Hoa Kỳ nhờ mở trại trồng rau muống. Một mô hình khác, tại Seattle, ông Nguyễn Hiền sau 12 năm định cư ở Hoa Kỳ đã trở thành chủ nhân một trang trại nổi tiếng. Đáng ghi nhận nhất là tại Sydney-Autralia, tiến sỹ Hồ Đang đã lập trang trại rau xanh rộng đến 5 ha, không chỉ để kinh doanh mà còn là nơi để hướng dẫn, thực tập cho những bà con người Việt, người Úc muốn đi vào nghề trồng rau nhiệt đới.

 

Mới đây, sau những ngày lặn lội ở Cần Thơ, Rạch Giá theo đoàn tình nguyện viên về Việt Nam làm từ thiện, anh Jimmy cũng nhờ người quen bên vợ về vườn ở Mỹ Tho bứng lên một cây chuối sứ con để mang sang Mỹ. Thấy tôi ngạc nhiên, anh cho biết: "Ở bên Mỹ không có chuối sứ chỉ có chuối già của Mỹ, của Mễ thôi. Gia đình anh trai tôi cũng có vườn ở Long Khánh nhưng nghe tiếng giống chuối sứ Mỹ Tho ngọt và ngon. Bên Mỹ tôi ở chung cư đâu có đất mà trồng. Tôi mang chuối con về theo yêu cầu của bà chị Năm tôi. Nhà chị ấy có ít đất". Hành trang anh Jimmy mang về cho bà chị Năm của anh ngoài bầu chuối sứ, còn có 3 cây mít con, mấy bụi lá dứa còn nguyên gốc rễ và một bịch hột rau muống.

 

Còn chị Hồng, khi có người thắc mắc chuyện chị từ Hawaii đã cất công về Hóc Môn để nài nỉ mua mấy gốc chuối con, bọc bầu đất rất kỹ để đem về Mỹ, chị giải thích: “Chuối không gieo được hột, nên phải bứng chuối con. Về bển trồng để còn nhắc nhở ông chồng theo hai câu hát ru của mẹ ngày xưa, “Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”.

 

Thế mới biết ngọn rau, mầm lá quê nhà không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn vì sự nặng lòng nhớ quê của nhiều người Việt xa xứ.

 

(Theo Người Viễn xứ)