Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 23:56

Hành trình của một Việt kiều đi tìm rượu Bó Nậm

Tôi gặp hai anh Mai Văn Bản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Khoáng sản Bắc Kạn và Doãn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Khoáng sản Bắc Kạn, Giám đốc Nhà máy rượu Bắc Kạn, tại Hội nghị tổng kết năm 2007 của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước Giải khát Việt Nam. Tôi được mời tham gia Hội nghị với tư cách Việt kiều, một chuyên gia về rượu.



Tác giả Tô Việt, chuyên gia về rượu

Trong Hội nghị, tôi đã bị chinh phục hoàn toàn bởi cách nói chuyện dí dỏm, thông minh của anh Mai Văn Bản:

"Bó Nậm, theo tiếng dân tộc Dao, có nghĩa là “nguồn nước”. Chúng tôi, những đệ tử của "thần lưu linh", đều hiểu rất rõ rằng phàm rượu bia ngon, nguồn nước và nguyên liệu ban đầu có một vai trò hết sức quan trọng. Sau đây là truyền thuyết về rượu Bó Nậm.

Một nhân viên thu mua của Công ty Khoáng sản Bắc Kạn xuống bản người Dao, thử rượu ngô, mê tít. Anh hỏi bà chủ nhà đó là rượu gì thì bà chủ nói đó là rượu bổ nam. Thấy anh nhân viên ngớ người không hiểu, bà bèn giải thích: “Ông nhà tôi mỗi lần dùng rượu đó thì quan hệ chăn gối nồng nhiệt hơn, vì thế mà tôi gọi rượu đó là rượu bổ nam”.

 

Cô con gái bà chủ, vừa lên núi gánh củi về tới sân, nói thêm vào : “Em thì gọi rượu đó là rượu bố nằm. Bố em rất nghiêm khắc, không bao giờ cho con gái đi chơi tối. Bởi thế, mỗi khi hẹn hò với người yêu, em lại cho ông uống vài ly, uống say là ông lăn ra ngủ không biết trời trăng gì nữa”.

 

Cậu con trai 17 tuổi nãy giờ ngồi im, bỗng lên tiếng: “Cánh thanh niên trong bản tụi em thì gọi trại đi là rượu "Lắm bồ”, vì từ khi tụi em uống rượu này, con gái các bản khác theo rầm rầm”.  

Tôi cười ngất, nhìn chai rượu Bó Nậm mà hai anh Bản và Sỹ có nhã ý tặng tôi. Đó là một chai rượu tương đối ấn tượng, dạng chai Whisky Label 5, thủy tinh mờ “tông xuyệt tông” như cách giải thích của anh Sỹ, nghĩa là họa sỹ thiết kế cố tình để chữ “Rượu Bó Nậm-Vodka Bắc Kạn” nổi ở phía trước, phần thủy tinh trong. Các phần còn lại của chai là thủy tinh mờ. Phần sau dán lời chú thích trên nền đen. Cầm chai rượu giơ lên ánh sáng, sự tương phản giữa độ trong suốt lung linh của rượu và hàng chữ nổi phía trước, hàng chữ đen phía sau cho thấy đây thật là một công việc tỉ mỉ, công phu.

 

Từ hôm đó, tôi quyết định sẽ lên tham quan Nhà máy vào một dịp nào đó. Rồi công việc cứ cuốn hút tôi, cho tới ngày gặp lại Bùi Quang Tâm, phóng viên của Sài Gòn Tiếp thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi dùng bữa tối tại “Quán Gấm” của anh Mười và chị Ngọc Sương. Trong bữa ăn, chủ đề đàm luận vô tình lại xoay quanh chuyến công tác của nhà văn Nguyễn Duy và đoàn làm phim Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh cách đây mấy năm về “ Hành trình đi tìm Quốc tửu Việt Nam”.

 

Thế là khi về lại Hà Nội, tôi nhấc máy gọi liền cho Sỹ. “Gì chứ chuyện ấy quá đơn giản. Để mai em cho xe xuống Hà Nội đón anh”. Tôi gợi ý Sỹ mời thêm mấy anh em nhà báo khác. “Không có vấn đề gì cả, xe em 7 chỗ mà, có thể ngồi được tới 9 người”.

 

Tôi gọi cho 3-4 nơi. Cuối cùng thì cũng tập hợp được nhóm phóng viên 4 người gồm Mộng Điệp, phóng viên Tạp chí Món ngon, Thu Huyền, phóng viên Tạp chí Đồ uống Việt Nam, Xuân Thi và Linh, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp thị. Linh là phóng viên nhiếp ảnh nên cũng là người vất vả nhất trong chuyến đi thăm Nhà máy rượu và làng nghề Bắc Kạn này, với lỉnh kỉnh máy ảnh và các vật dụng nhà nghề khác.

 

Chúng tôi rời Hà Nội lúc 6 giờ 30 phút sáng. Hành trình 190 km cầu Chương Dương, Đông Anh, Sóc Sơn, Thái Nguyên và Bắc Kạn.

 

Từ Yên Viên, trời bắt đầu mưa, kiểu mưa bụi rớt của áp thấp nhiệt đới. Chúng tôi dừng lại ở Yên Viên ăn sáng, sau đó qua Thái Nguyên đón anh Doãn Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Công ty Khoáng sản Bắc Kạn, đồng thời là Giám đốc Nhà máy rượu Bó Nậm.

 

Sỹ là một người vui tính, quê Nghệ An nhưng lấy vợ Thái Nguyên. Hàng tuần, anh rời Thái Nguyên lên Bắc Kạn vào sáng thứ hai và quay trở lại Thái Nguyên vào tối thứ sáu để “nộp thuế”, theo như cách anh nói vui.

 

11 giờ, chúng tôi tới Bắc Kạn. Làm việc 20 phút với anh Bản và anh Giang, Phó Giám đốc Khai thác Khoáng sản của Công ty, sau đó đi tham quan Nhà máy sản xuất rượu, cách đó chừng 800 m.

 

Nhà máy có khoảng 50 công nhân trong 1 quy trình khép kín gồm: bộ phận thu mua, bộ phận sản xuất và bộ phận kinh doanh, cùng 2 nhân viên kỹ thuật phụ trách phòng thí nghiệm cảm quan. Nhà máy được trang bị khá hiện đại với tháp làm lạnh và khử an đê hít, phòng lạnh, dây chuyền đóng chai, phòng thí nghiệm cảm quan, khu tàng trữ rượu chưng cất lần đầu tại các làng nghề và kho chứa thành phẩm. Mỗi ngày nhà máy sản xuất được 3.000 lít rượu ngô. Số rượu tàng trữ trong bồn Inox là 2.000.000 lít.

 

Rượu ngô chưng cất lần đầu được thu mua từ 6 xã thuộc tỉnh Bắc Kạn. 6 xã này nằm rải rác trên một diện tích rất rộng, vì từ nhà máy tới xã gần nhất cũng phải đi cả 50-60 km.

 


Phong cảnh Bắc Kạn

Xã viên người Dao trong các làng nghề thu hoạch ngô 2 vụ chính trong năm, với số lượng ngô dự trữ trong nhà, họ có thể cung cấp sản phẩm rượu ngô quanh năm cho Nhà máy. Để đảm bảo chất lượng rượu, Nhà máy cung cấp luôn cả men ủ cho xã viên các làng nghề.  Nhân viên thu mua của Nhà máy sẽ bám trụ tại các điểm thu mua gần làng nghề nhất để có thể lên thăm và trợ giúp kỹ thuật cho bà con vào bất cứ lúc nào.

 

12 giờ 30, chúng tôi dùng cơm trưa với Ban Giám đốc Công ty và Nhà máy rượu. 14 giờ, lên xe honda Innova đi thăm một làng nghề nằm ở thôn Khuổi Lượi, thuộc huyện Ba Bể, cách Bắc Kạn 60 km.

 

Điểm thu mua do cô nhân viên tên Thuần, người dân tộc Tày quản lý. Trong kho có khoảng vài chục chiếc can nhựa 10 và 20 lít đựng rượu đang nằm chờ xe của nhà máy tới chở đi. Thuần cũng là người dẫn đường cho chúng tôi vào bản.

 

Rời đường quốc lộ 3, chúng tôi đi qua một cây cầu treo vắt vẻo rung rinh mà những người yếu bóng vía hay nhút nhát kiểu gì cũng sợ. Con đường vào bản dài chừng 3 km, ngoằn ngoèo giữa một bên là vách núi, một bên là vực thẳm. Hôm trước, trời mưa lớn nên trên con đường mòn còn nhiều vũng lầy. Đi được chừng một km thì chúng tôi gặp một rừng chuối bên sườn núi đang trổ hoa rất đẹp. Thuần nói: “Hồi đầu, khi em mới lên đây, tụi trẻ con người dân tộc leo trèo trong cánh rừng này như lũ khỉ. Thấy em, chúng nó còn hú lên đe nẹt, nhưng nay thì thân quen tới mức em tới đâu chúng cũng chào”.

 

“Công việc của em có khó lắm không?” - tôi hỏi. “Cũng khó anh ạ, vì tư duy của người dân tộc đâu giống như tư duy của người Kinh. Với lại em đàn bà con gái, một tuần đi bộ vào bản mấy lần cũng mệt. Lại còn phải thuyết phục họ sử dụng men do nhà máy cung cấp, trong khi từ bao đời nay họ quen sử dụng men tự chế. Sau rồi thấy cũng vui vui, cảnh trí thiên nhiên hoang dã và con người chân chất, mộc mạc tình quê. Nhiều hôm em lên uống rượu say ngủ lại không về”.

 

Đi chừng tiếng đồng hồ, chiếc áo tôi mặc trên người sũng nước. Trời lại nắng chang chang, phóng viên Mộng Điệp bỏ cả giầy cao gót, đi chân đất. Thi và Linh mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cả bọn đang mệt muốn đứt hơi thì Thuần reo to: “Các anh các chị ơi, nhà bà Nhất đây rồi”.

 

Tôi dụi đôi mắt cay xè vì mồ hôi, ngước lên lưng chừng đồi bên hông. Một căn nhà rộng lợp nửa ngói âm dương, nửa tôn cách nhiệt nằm khuất sau một rặng chuối lớn và mấy cây mận quả sai chĩu chịt. Chỉ còn 200 mét thôi mà sao chúng tôi thấy lâu đến nơi thế. Cuối cùng thì cả đoàn cũng tới nơi. Ra cửa đón chúng tôi là một phụ nữ người Dao chừng 40 tuổi, khá cao, xinh xắn. Hai chiếc răng cửa bịt vàng lóe sáng mỗi khi bà cười. Thuần nhanh nhảu giới thiệu: “Đây là cô Nhất, chủ nhà. Còn đây là các anh các chị nhà báo lên thăm làng nghề”.    

 

Bà Bàn Thị Nhất có 2 người con trai, đứa lớn đang đi lao động xuất khẩu ở Malaysia, đứa nhỏ đang học lớp 12. Cậu con trai đầu đã có vợ và 2 con trai, lớn 4 tuổi, bé hơn 2 tuổi. Lũ trẻ thấy người lạ tới nhà thì rủ nhau chạy nấp sau tấm phên, mẹ chúng phải gọi mãi mới ra.

 

Tất nhiên, việc đầu tiên của chúng tôi là ngồi nghỉ ít phút lấy sức, sau đó yêu cầu bà Nhất thao tác lại các quy trình làm rượu ngô.

 

Ngô nguyên hạt được ủ với men trong vòng 30 ngày, sau đó đưa vào chõ để chưng cất như ta đồ xôi vậy. Mỗi ngày bà làm được 2 mẻ rượu. Tôi nếm thử thứ nước cất nhờ nhờ thơm mùi men và khoáng chất từ nguồn nước khe đầu nhà. Rượu ngô này không tinh tế bằng rượu chưng cất từ nếp cẩm, nhưng lại có chất mạnh mẽ, phóng khoáng và hoang dã của núi rừng...

 

Rời bản xuống núi, tôi dùng máy ảnh ghi lại hình một chú bé người Dao lùa đàn vịt dưới suối. Mặt trời đã khuất sau đồi khiến cho tôi có cảm giác hoàng hôn tím đang len lỏi chui ra từ mỗi vách đá, lùm cây. Và sương khói bảng lảng quanh đoàn phóng viên đi thành một hàng dài dọc theo triền núi như trong câu chuyện cổ tích. Và núi đồi yên lặng đẹp tới mê hồn, trong lúc đầu óc tôi lâng lâng siêu thoát cùng tình người và men rượu.

 

Tô Việt (VK Pháp)

(Theo Người Viễn xứ)


Các tin liên quan:
Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 08-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin