Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 19:37

Cô Hiệu trưởng tâm huyết với học sinh Việt Nam

Trong số hơn 2700 trường phổ thông tại Thành phố Matxcơva , trường 282 là nơi có nhiều học sinh Việt Nam học tập nhất. Trong khi ở các trường khác, chỉ có một vài em, thì tại đây, có gần 130 em theo học từ lớp 1 đến lớp 11, chiếm tới 1/3 con số của trường. Ở trường, các cháu được học không phải đóng học phí, có chế độ ăn trưa và được hưởng mọi chế độ và quyền lợi như những học sinh người Nga khác.

 



Bà Irina Grigorievna Eogrova, Hiệu trưởng Trường Phổ thông 282,
nơi có tới 240 học sinh Việt Nam học

Một vấn đề đối với hầu hết học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga là trình độ tiếng Việt của các em rất yếu. Cũng có nhiều em nói tiếng Việt và giao tiếp tốt, nhưng không thể đọc và viết được, còn đại đa số, các em đều hiểu tiếng Việt như là một ngoại ngữ. Và dĩ nhiên là hầu hết các em biết rất ít về văn hóa, lịch sử và địa lý Việt Nam.

Cho tới nay, đã gần một phần ba thế kỷ trôi qua, người Việt Nam đã có mặt, làm ăn và sinh sống tại Liên bang Nga theo con đường hợp tác lao động, thế nhưng chưa hề có một lớp học tiếng Việt một cách hệ thống. Cũng đã có một vài thành phố khởi động mở lớp tiếng Việt, hoặc là mang tính phong trào, hoặc là mang tính tự phát, nên không có hiệu quả.

Người đầu tiên đề xuất vấn đề dạy tiếng Việt cho học sinh người Việt Nam tại trường 282 là cô Hiệu trưởng Irrina Grigorievna Egorova. Cô đã dành nhiều thời gian làm việc với Hội Phụ huynh, tham gia tổ chức nhiều buổi gặp mặt với cha mẹ học sinh,  thuyết phục họ  mở một lớp dạy tiếng Việt. Xin nói thêm là không phải tất cả các bậc cha mẹ học sinh đều hiểu được tính cấp thiết và ủng hộ kế hoạch này do những lý do về tài chính và chủ yếu là nhận thức.


.

Tham tán Công sứ Nguyễn Ngọc Bình cùng
bà Hiệu trưởng Irina Egorôvna cắt băng khánh thành lớp học tiếng Việt

Để khẳng định quyết tâm của mình, cô Irina Egorova đã dành ra một phòng lớn rộng hơn 60m2 trong hệ thống giảng đường làm phòng Truyền thống Việt Nam. Với quan hệ và uy tín của mình, cô đã xin được chính quyền một khoản kinh phí 250.000 rúp, tương đương 10 ngàn đôla Mỹ để xây dựng Phòng Truyền thống Việt Nam. Một số doanh nhân người Việt cũng đã góp phần đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đóng tủ và hệ thống giá, trang trí nội thất. Đại sứ quán và nhiều gia đình, cán bộ đã sưu tầm, tặng cờ, ảnh, hiện vật văn hóa, sinh hoạt... cho Phòng Truyền thống. Có thể nói, Phòng Truyền thống  tại Trường 282 là một bảo tàng tổng hợp mang tính văn hóa, lịch sử - một góc Việt Nam giữa Matxcơva.

Ngày 16/11/2007, cô Irina Egorova đã dành tới một nửa chương trình biểu diễn văn nghệ nhân  ngày Đoàn kết các dân tộc tổ chức tại Hội trường Lớn cho Việt Nam. Đội văn nghệ Việt Nam đã làm cho các đại biểu chính quyền thành phố, các hội phụ huynh các nước khác thán phục bởi các tiết mục đặc sắc mang tính Á Đông và sự chuẩn bị chu đáo.

Và cũng lần đầu tiên tại Matxcơva - ngày 30/4/2008, Trường phổ thông 282 đứng ra tổ chức Ngày lễ Chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Sau khi làm lễ chào cờ và cử quốc ca Việt Nam, trước hàng trăm đại biểu của các tổ chức xã hội, cô Irina Egorova đã ca ngợi dân tộc Việt Nam, đánh giá rất cao tình cảm  hữu nghị giữa hai dân tộc và bày tỏ nguyện vọng xây dựng một lớp tiếng Việt tại ngôi trường này. Trong tháng 11 này, tại đây cũng sẽ tổ chức lần đầu tiên Ngày Văn hóa Việt Nam theo sáng kiến của cô Hiệu trưởng.

Nguyện vọng của cô Hiệu trưởng đã thành sự thật. Ban Giám hiệu Nhà trường đã quyết định giao cho Hội Phụ huynh một phòng học rộng rãi, trang trí theo phong cách Việt Nam, có đủ mọi tiện nghi của một lớp học tiêu chuẩn. Một số phụ huynh ban đầu còn nghi ngờ về sự thành công của một lớp tiếng Việt, nay không những tự nguyện thu xếp cho con đến học, mà còn kêu gọi những gia đình ở ngoài khu vực chưa có thông tin đến đăng ký.

Do kinh phí hoàn toàn tự đóng góp, cô Hiệu trưởng và Hội Phụ huynh phải tìm những nguồn tài trợ khác, ngoài sự đóng góp của cha mẹ học sinh. Cô chủ động viết thư cho Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga đặt vấn đề nhờ sự giúp đỡ của Hội để “học sinh Việt Nam được học tiếng mẹ  đẻ dù ở xa Tổ quốc”.

Tình cảm của cô Irina Egorova hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tình cảm đối với Việt Nam. Chị  Phạm Thị Điềm, Hội trưởng Hội Phụ huynh đánh giá một cách công bằng: “Dù cho chúng tôi cố gắng hết sức, dù cho cha mẹ các em học sinh quyết tâm, nhưng không có sự hỗ trợ, giúp đỡ vô tư của cô Hiệu trưởng, thì sẽ không thể nào có lớp tiếng Việt tại trường 282”.

Nguyễn Thao (Liên bang Nga) 

Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 21-11-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin