Phạm Duy: Người hát rong tìm ánh sáng
Quyết định về hẳn Việt Nam sinh sống khi ở tuổi 86, nhạc sĩ Phạm Duy đang mong đợi những ca khúc kháng chiến, những bài tình ca của ông được phép hát lại. Ông cũng đã làm đơn xin được Nhà nước Việt Nam chứng thực là công dân của nước Việt Nam.
Người về từ "thị trấn Giữa Đàng" (
PV: Thưa ông, tình hình sức khỏe của ông hiện nay như thế nào rồi?
NS Phạm Duy: Rất tốt! Mấy triệu chứng như ra máu… đã ngưng hẳn. Một phần do không khí bên ấy, tôi không chịu được lạnh. Về đây thì nóng, nóng quá nhưng tôi cũng chịu được... Nhưng đi ngoài đường nhiều quá thì tôi chóng mặt! Mấy ngày nay tôi ở nhà, trả lời phỏng vấn, không mệt nhưng đầu óc hơi bận bịu vì phải suy nghĩ. Có một khó khăn nhỏ là đường truyền internet ở đây hơi chậm. Tôi không mở hộp thư của tôi được, nhiều người thăm hỏi lắm. Có người còn gửi cho tôi mấy bài báo đã đăng trong nước, bên kia đăng lại nhưng tôi chưa xem được. Thành thử tôi hơi thấy khó khăn. Đây không phải nhà tôi, nên tôi không lắp đặt một đường truyền riêng được. Tôi quen làm việc như thế rồi.
PV: Đợt đón Tết Ất Dậu vừa qua có để lại trong ông những ấn tượng vui – buồn gì không?
PD: Tết vừa rồi vui quá. Tôi cứ ao ước được về Hà Nội vào dịp Tết chụp được một vài bức ảnh ngày mồng 1, mồng 2 không một bóng người, đó mới là Hà Nội của tôi ngày xưa. Mấy đợt trước tôi về Hà Nội toàn người là người. Mùng 1 Tết họ về quê hết, tựa như quang cảnh của phố Dầu ngày xưa với cậu bé 10 tuổi ngồi bên thềm vắng, tĩnh mịch nhìn trời mưa phùn nên thơ lắm! Tết vừa rồi tôi vui hơn là buồn. Tôi đi chợ hoa xuân ban đêm đến hai lần. Tôi không nghĩ là trong đời mình được hưởng lại những niềm vui ấy.
Tôi vẫn còn thiếu một bài Hương Ca. Tôi có sự đắn đo chọn bài gì bây giờ? Hương Ca là xưng tụng đất nước, quê hương. Quê hương bây giờ khác quê hương hồi xưa. Từ bài số 1, đại đa số là tôi phổ thơ mà theo tôi là của những người đại diện cho tinh thần dân tộc nhiều nhất như Sơn Nam, Phùng Quán… đại diện một phần nào mảnh tình đời của các ông mà tôi vắng mặt ở đất nước 30 năm nay, không phải của tôi nhưng tôi phổ nhạc cho thăng hoa lên. Nhưng rồi tôi quyết định chọn bài cuối cùng là “Tây tiến” của Quang Dũng vì nó đã đại diện cho tinh thần lãng mạn, cách mạng, hào hùng của dân tộc trong thời kỳ lịch sử mà tôi nghĩ phải ghi lại.
PV: Được biết ông đã có buổi từ biệt thân hữu ở
PD: Đúng, có 3 buổi. Toàn là bạn bè thân của tôi. Như bà Minh Trang bằng tuổi tôi, xuất thân đi hát như tôi. Bà ấy bảo: “Ông ơi, ông đi đâu thì đi, ông đừng quên chúng tôi nhé!”. Thế, tình cảm giản dị như vậy. Lẽ dĩ nhiên có những người chống đối không muốn cho tôi về, vì họ sợ mất tôi. Nhưng nếu quý vị hát nhạc tôi thì tôi vẫn còn chứ!
PV: "Mất" là mất như thế nào ạ?
PD: Mất là không ở bên hàng ngũ của họ, nhưng họ nhầm rồi, tôi có theo hàng ngũ nào đâu. Nhưng tôi thì không nói ra: “Không, tôi không ở hàng ngũ của ông”, nói như thế tàn nhẫn quá phải không?
PV: Theo ông tại sao họ lại chống đối ông?
PD: Làm sao đo được sự hạn hẹp của lòng người, sự tức giận của mọi người? Suốt 30 năm vẫn còn u mê như vậy sao mà đo được? Có thể vì bản thân họ, hoặc gia đình họ đã phải chịu những gian khổ, nguy hiểm, nhục nhã, bị cướp, bị hải tặc hãm hiếp… họ có thành kiến với cộng sản, không thích những người như tôi về sống tại quê hương.
PV: Nhưng khi có ý định về sống ở đây, một số người ở hải ngoại bức xúc với ông phải chăng vì họ đã mất đi một “lá chắn” là ông, muốn dùng ông để thực hiện một số ý đồ chính trị nào đó?
PD: Tôi không nghĩ họ ghê gớm đến như vậy, đó chỉ là sự nhỏ mọn trong tâm hồn họ. Họ có quyền thù hận nhưng đừng bắt tôi phải thù hận. Quý vị muốn ôm lấy đau khổ, quý vị cứ ôm, tôi không có. Tôi ra đi vui vẻ lắm. Khi quý vị mất mát, tôi rất thương quý vị, nhưng đừng bắt tôi phải đau theo.
PV: Vừa rồi nghe đâu có một số đài phát thanh bên Mỹ hát bài của ông nhưng ông không đồng ý?
PD: Cứ đến ngày 30/4 hay là hội hè có tính chất chính trị thì họ dùng nhạc của tôi. Bài “Việt
PV: Sau khi anh Duy Minh yêu cầu thì thái độ của các đài phát thanh ấy như thế nào?
PD: Có đài biết điều thì họ thôi, có đài họ nghĩ nhạc của ông Phạm Duy là của mọi người và họ cứ dùng. Nhưng tối thiểu, tôi đã minh định lập trường của tôi là: đừng dùng tôi vào những chuyện chính trị chính em, vớ vẩn! 30/4 với họ là ngày quốc nạn, trong khi đó ở VN là ngày của niềm vui. Với tôi thì đó là ngày kỷ niệm riêng, là ngày tôi bỏ ra đi. Tôi đã định chọn đúng ngày 30/4 để về VN, nhưng chẳng may bị ốm nên tôi phải lùi ngày về. Nhưng ngày về của tôi cũng vẫn nằm trong thời điểm này. Tôi là người lớn, làm việc có kế hoạch chứ không có hứng khởi mới làm.
“Bonjour Sài Gòn!”
PV: GS-TS Trần Văn Khê nói rằng: lứa tuổi này nếu ở nước ngoài thì ông và GS-TS Trần Văn Khê đang “ngồi chơi xơi nước”, nhưng cả hai ông lại “lê thân già” về đây vì đất nước?
PD: Đúng, chúng tôi là những người thích vất vả mà (cười). Nói thế thôi, chứ có một điều gì đấy rất thiêng liêng đã đưa chúng tôi về…
PV: Được biết ông đã xin phép phổ biến một số nhạc phẩm. Vậy ngoài việc xin phép phổ biến một số ca khúc, ông còn có dự định gì cho cuộc sống của ông?
PD: Tôi phải xin có tư cách pháp nhân để hành nghề. Nếu tôi về đây chỉ để chống gậy đi chơi như 10 lần trước thì tôi không có quyền đứng hát trên sân khấu, và chị cũng đã không phỏng vấn tôi. Về đây tôi muốn cống hiến tất cả những tài sản tinh thần của tôi cho nước VN. Nước VN nhận cái gì thì nhận lấy, quý vị không nhận gì cả thì tôi đành ôm lấy vào lòng thôi. Còn việc Nhà nước ở đây xem xét hồ sơ của tôi nhanh hay chậm, tôi không ngại gì cả. Tôi đợi được. Vì mỗi nước có những khó khăn, những dễ dãi, những luật lệ riêng.
Giờ tôi muốn đứng trên sân khấu, tôi phải là người có thẻ công dân. Và đồng thời xin phép bài nào hát bài đó. Và những bài đã xin phép là do ông Phạm Duy Quang xin phép. 10 bài nhạc kháng chiến, 10 bài nhạc tình (thơ của Nguyễn Tất Nhiên mà tôi phổ nhạc). Không lẽ Quang cứ hát bài “Mưa thì thầm”? Cũng phải hát “Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá…”, ví dụ như vậy. Nếu Nhà nước dễ dãi thì sẽ tạo điều kiện, vì những bài ấy đã quen hết cả rồi và người ta thích nghe lại. Nhưng những bài phổ thơ thì phải xác minh tư cách của người làm thơ, có giấy minh định ông này không có chống Cộng, từ xưa đến nay. Tôi đưa giấy cho Tòa đại sứ bên kia chứng nhận là ông Nguyễn Tất Nhiên không chống Cộng. Nhiêu khê lắm!
PV: Có lý do gì đặc biệt khi ông chọn những bài này để xin phép phổ biến trước không?
PD: Người ta thích! Người nghệ sĩ như Duy Quang chỉ cần biết khán giả thích là Quang hát thôi. Nghề giải trí quan trọng là ở chỗ đó thôi. Chứ biết thế nào là hay, dở? Khi hát lên thì người ta nhớ lại một số dĩ vãng mộng mơ. Những bà già bây giờ, vẫn nhớ lại thời kỳ (nhạc sĩ PD hát) “con đường tình ta đi…”, “trả lại em yêu khung trời đại học…”. Cũng may mắn là lúc đó âm nhạc VN èo uột lắm, chủ yếu là âm nhạc thương mại, tôi nâng cao lên, viết chủ yếu là tình ca, xã hội ca, đạo ca...
PV: Ông có nghĩ rằng Bộ VHTT sẽ cho phép phổ biến những ca khúc này?
PD: Tôi ước mong, tôi mong muốn lắm!
PV: Trong một bài viết gần đây đăng trên Người Viễn Xứ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho rằng đối với ông thì “nhạc sĩ Phạm Duy là người thầy, người anh và người bạn”…
PD: Bài viết rất dễ thương, nhưng ông ấy nói thế thì yêu tôi quá, bạn thì được, chứ thầy thì không dám. Có lẽ bởi vì ông ấy chọn con đường của tôi, yêu thích dân ca và khai thác dân ca.
PV: Có một số người nhận xét ông rất tự cao…
PD: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý yêu tôi lắm, khen tôi nhưng cũng bảo tôi tự cao. Có dịp tôi sẽ hỏi ông Tý: thế tôi tự cao ở đâu? Tôi đã viết những câu tự cao ở trên báo nào, nói trên đài nào, trong hồi ký của tôi có không? Một người tự cao như tôi không bao giờ nhận mình không phải là nhạc sư, không phải là nhạc sĩ mà chỉ là “người hát rong”. Chỉ toàn là “huyền thoại” về tôi. Huyền thoại này ở đâu mà có? Vì có ông thi sĩ Nguyên Sa viết bài về tôi, bảo tôi là “người lực sĩ”, cái gì tôi cũng nhất cả. Rồi thì ông Phạm Phú Lợi viết: "Phạm Duy – ông là nhà Bồ tát đọa". Ông ấy xưng tôi là “Bồ tát”, tôi có nhận mình là “Bồ tát” đâu? Ông Đoàn Xuân Kiên ở Anh thì bảo: "Ông Phạm Duy là một nhà độc lập". Nhưng tôi về đây thì tôi phải phụ thuộc ở đây chứ! 30 năm trời ở bên Mỹ tôi chỉ bị phạt có 2 lần giấy lái xe. Ngay cái giấy phép đi đường mà tôi còn trọng, tôi là người trọng luật pháp, trọng tư cách pháp nhân thì làm sao tôi là người tự cao được? Tôi có phê bình ai đâu? Tôi toàn khen mọi người. Vấn đề là có cần phải phá cái “huyền thoại” đó không? Tôi tự kiêu ở chỗ không cần phải giải thích. Bản thân tôi không có gì ngượng cả. Tôi còn có câu khẩu hiệu của người VN: “Nếu ai thứ nhất thì tôi đứng thứ nhì, còn ai hơn nữa tôi thì thứ ba”. Tôi trở về “number ten” chứ không phải “number one” đâu. Còn về tự tin à? Tôi là số một! Nếu tôi không tự tin, thì sao khi các nhạc sĩ chạy theo Bethoven và Mozart, tôi làm dân ca? Hồi còn ông Văn Cao, ông ấy bảo tôi: "Dân ca VN nghèo, cậu làm cách nào để phát triển dân ca?". Tôi vẫn làm, tôi phát triển đến Kiều. Tự tin đấy!
Người nghệ sĩ đứng đầu sóng ngọn gió. Nói hơi quá, chứ cái cựa quậy của anh nhạc sĩ cũng thành cơn sấm sét. Để ý nhé, tôi không phải là người phóng khoáng, không phải là người phóng túng. Một nhà thơ bên Nhật Bản nói tôi: “ông không phóng túng hình hài, ông không phóng túng cảm quan, ông không phóng túng tình dục, ông không phóng túng tiềm năng, ông không phóng túng gì cả mà ông “phóng dật”. Tất cả chỉ là cái phụ… Cá tính của tôi mạnh thế nên nhiều người khó chịu. Tôi sống hào hùng vì được làm người. Tất cả những cạm bẫy của cuộc đời trong vòng 60 năm nay, tôi thoát hết.
PV: Vậy hiện nay ông cho mình đang ở đỉnh nào rồi?
PD: Tôi cho mình là “người tình già trên đồi non”, trên đỉnh non. Ở đó chỉ có thiên nhiên và sự cô đơn. Tôi rất thích cô đơn, cô đơn mới là cái đáng quý. Tôi thiền. Chị có biết tôi thiền ở điểm nào không? Tôi thiền trong bài hát. Tôi làm Thiền Ca, một số người cũng khó chịu, thiền là thiền thế nào? (Nhạc sĩ PD hát):
“Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa
Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa
A, trần gian lạc thú
A, tiên cảnh phiêu du
Cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận, núi đợi, vực chờ, niềm yêu, nỗi khổ”.
Cuộc đời là cánh võng, võng đưa tôi đi khắp mọi nơi, lên tiên cảnh, xuống địa ngục, cõi tình, cõi hận… Tất cả những gì có trên đời, tôi đều đi theo cánh võng hết, nhưng tôi… nằm yên một chỗ. Đời đưa ta đi đâu, ta đi đó, nhưng ta vẫn là ta. Nhưng không chỉ có một bài mà có đến 10 bài.
PV: 10 bài Hương Ca, rồi 10 bài Thiền Ca… Ông có vẻ đặc biệt thích con số 10?
PD: Đúng, với tôi con số 10 là con số toàn vẹn nhất. Chị nghe bài số 10 trong Thiền Ca này: “Tròn như viên đạn đồng đen, đã khô vết máu quên miền chiến tranh”. Viên đạn đồng đen sinh ra để giết người, mà khi đã đi qua thi thể xác chết rồi thì nó quên chiến tranh. Viên đạn còn quên, huống hồ là mình?
PV: Ông có nghĩ rằng việc ông trở về VN sẽ gây ra dư luận trong giới âm nhạc VN?
PD: Có lẽ họ sẽ dựa vào những tin đồn, những thành kiến người ta tạo nên cho tôi. Nhưng tôi chưa nghe ai nói là “ông Phạm Duy không có tài” cả. Mà Nguyễn Du nói rồi đấy: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Nhưng tôi chấp nhận hết, cả những người thù. Tôi yêu người thù như yêu người tình. Tôi có thể đến bắt tay người vừa mới chửi mình hôm qua. Tôi nghĩ, sở dĩ thiên hạ còn yêu tôi vì trong nhạc của tôi có nhiều viên ngọc quý mà chính tôi cũng không ngờ, vì tôi chỉ biết làm ra xong rồi quên mất. Có người hát lên mình mới nhớ lại. Tôi sống sướng lắm, không mặc cảm thua ai, không mặc cảm thắng ai cả.
PV: Nhạc sĩ bảo rằng: "30 năm xa VN như một đêm dài, nay mở mắt ra thấy trời đã sáng". “Đêm dài” và “trời sáng” ấy với ông mang ý nghĩa như thế nào?
PD: Như ông De Gaule từng nói: "Những năm tháng đi ra ngoài sa mạc là khi ông làm chính trị. Những năm tháng cầm quyền là ông ấy trở về từ sa mạc". Thế thì tôi cũng vậy, có những lúc tôi ở trong đêm tối, sờ soạng trong đêm tối đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Ra đi cứ hỏi là mình có nên về hay không? Và giải quyết được câu hỏi ấy là “trời sáng” rồi.
PV: Ông hy vọng “trời sáng” sẽ đem lại những gì cho ông?
PD: Thực tế là tôi về đến đây thì xem như tôi đã đầy đủ hết rồi. Có những người yêu tôi, tôi có phong cảnh, có những con sông để tôi “tắm truồng”, tôi có núi non, tôi có tất cả… Thế nhưng để tôi được ra mắt công khai thì có lẽ còn phải cần nhiều yếu tố…
PV: Vậy ông có hối tiếc vì đã từ bỏ cuộc sống bên Mỹ? Ông đã "tạm biệt
PD: Tôi là người không bao giờ hối tiếc. Cuộc đời là những chuỗi tai nạn lịch sử, tai nạn gia đình, tai nạn xã hội, không ai tránh được đâu. Cuộc đời là thế đấy! Tôi “Adieu Hà Nội” ngày xưa, rồi lại “bonjour Saigon!”, đến “Adieu Sài Gòn rồi “bonjour Midway City!” Và giờ lại “
PV: Theo ông, nhà nước VN cũng như cộng đồng người Việt tại hải ngoại nên làm thế nào để chính sách đại đoàn kết dân tộc được hữu hiệu hơn, để tình người gần với nhau hơn?
PD: Không, chính phủ VN vừa làm một chuyện hết sức ngoạn mục là Nghị quyết 36. Đó là một cách đưa tay ra với những người thua trận. Thế là đủ rồi.
PV: Nhưng điều này cũng cần cả hai phía, ông có nghĩ thế không?
PD: Phía bên kia không có gì để đưa tay ra cả. Ít ra phải có một lực lượng. Bao lâu nay mình cứ tưởng bên kia có một lực lượng nhưng chẳng có gì cả, chỉ là một vài người lợi dụng từ “chống Cộng” để làm tiền. Đa số những người thầm lặng bên kia họ rất muốn về, nhưng bằng cách nào? Bằng cách ở đây mình phải cởi mở hơn nữa, thoáng hơn nữa. Nhưng tôi thấy, thế là thoáng rồi đấy! Vậy nên bây giờ chúng ta mới ngồi nói chuyện được với nhau thế này.
PV: Xin cám ơn ông vì buổi phỏng vấn này!
Mai Anh - Đức Huy
(Người Viễn Xứ)
Các tin liên quan:
- Nữ Chủ tịch gốc Việt của Phòng Thương mại Westminster (Mỹ) (04-11-2008)
- Khi nhà khoa học Việt kiều làm giám đốc doanh nghiệp (08-10-2008)
- Người “mắc nợ” quê hương (08-09-2008)
- Chuyện một doanh nhân Việt thành đạt tại Ekaterinburg (26-08-2008)
- Chủ quán Lê Đầy đầy thiện tâm (25-08-2008)
- Người quản lý mạng trầm lặng (19-08-2008)
- Vợ chồng ca sĩ Ái Vân hỗ trợ tiền ăn học cho 4 thủ khoa (14-08-2008)
- Lee’s Sandwiches trở về Việt Nam (12-08-2008)
- GS người Việt đoạt giải thưởng lớn về toán học của Mỹ (07-07-2008)
- Cô gái gốc Việt kể chuyện đời mình (16-06-2008)
Cập nhật 23-05-2005