Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 16/12/2024 18:15

Người mang nụ cười đến với trẻ thơ và người khuyết tật

Với tấm lòng luôn hướng về những trẻ em bất hạnh ở quê nhà, suốt nhiều năm qua, cùng với nhiều bạn bè đang sinh sống ở hải ngoại, anh đã vận động quyên góp tiền để mua hàng trăm chiếc ven gửi tặng các bệnh viện trong cả nước để chữa bệnh miễn phí cho các cháu bé con các gia đình nghèo bị bệnh não úng thủy. Tính đến nay số bệnh nhân được cứu sống từ số ven của anh và bạn bè gửi tặng đã lên tới 320 cháu.Bên cạnh việc giúp đỡ trẻ em bị bệnh não úng thủy, hiện nay anh đang triển khai việc thành lập trung tâm đào tạo công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật.

Người tôi muốn nói đến trong bài viết này là anh Đỗ Văn Du, một Việt kiều đang định cư tại Mỹ. Sinh ra ở Huế, Năm 14 tuổi, anh bị tai nạn cướp đi mất một cánh tay và một chân. Tuy vậy, vượt qua số phận anh vẫn vươn lên học giỏi và nhận được học bổng du học chuyên ngành công nghệ thông tin tại University Washington (Mỹ) năm 1971. Hiện nay Đỗ Văn Du đã là một kỹ sư thành đạt trên đất Mỹ nhưng không lúc nào anh không nghĩ đến những người bất hạnh ở quê nhà.

Từ nhiều năm nay anh liên tục có những hoạt động từ thiện đối với quê hương. Anh đã nhiều lần tổ chức quyên góp trang thiết bị y tế tặng cho các bệnh viện trong nước, tổ chức các đoàn bác sỹ Mỹ đến làm việc, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật.... Cùng với các bác sĩ Mỹ lập dự án chữa bệnh não úng thủy ở Việt Nam và đứng ra quyên góp tiền và thiết bị chữa bệnh cho các cháu. Anh cho biết ở Việt Nam đã phát hiện khoảng 7000 – 8000 ca bị bệnh não úng thủy, căn bệnh này nếu được phát hiện và điều trị sớm, đa số trẻ có thể có một cuộc sống độc lập và tham gia vào các hoạt động của xã hội như một người bình thường, nếu phát hiện quá trễ sẽ chữa trị khó khăn, thậm chí tử vong. Để chữa trị căn bệnh này cần phải phẫu thuật đặt ống dẫn lưu (ven) để dẫn lưu dịch não nhằm làm giảm áp lực ở não, nếu không sau khi bị bệnh trẻ chỉ có thể sống được vài năm. Trong tình hình Việt Nam hiện nay để mua được một ống ven như vậy phải mất 700 USD cộng với chi phí cho mỗi ca phẫu thuật khoảng 3 triệu VND. Đối với hoàn cảnh nhiều gia đình ở nông thôn chi phí cho một ca phẫu thuật như vậy là khá lớn nên nhiều gia đình đành để con mang bệnh mà chết.

Với tấm lòng luôn hướng về những trẻ em bất hạnh ở quê nhà, suốt nhiều năm qua, cùng với nhiều bạn bè đang sinh sống ở hải ngoại, anh đã vận động  quyên góp tiền để mua hàng trăm chiếc ven gửi tặng các bệnh viện trong cả nước để chữa bệnh miễn phí cho các cháu bé con các gia đình nghèo bị bệnh não úng thủy. Tính đến nay số bệnh nhân được cứu sống từ số ven của anh và bạn bè gửi tặng đã lên tới 320 cháu.

Điều khiến anh ngày đêm trăn trở là ở nước ta, do ảnh hưởng chất độc hóa học từ những năm chiến tranh, số bệnh nhân não úng thủy được phát hiện ngày càng tăng, việc chữa trị bệnh cho các cháu ngày càng vượt xa khả năng vận động của anh. Với nỗi băn khoăn đó, anh đã kiên trì vận động bạn bè ở nước ngoài, các tổ chức cá nhân trong nước và ngoài nước nhờ trợ  giúp. Hiện tại, ngoài số ven mua tặng các bệnh viện từ tiền vận động được, anh đã được Công ty Metronic và Integra L-S hứa sẽ hỗ trợ bằng cách tư vấn, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, và có chế độ ưu đãi đối với các đơn vị y tế mua thiết bị và nhận chữa trị loại bệnh này.

Anh cho rằng việc tư vấn để những bậc cha mẹ có kiến thức phát hiện sớm bệnh trạng của con mình cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều trường hợp khi bệnh phát triển đến độ trở thành dị dạng, cơ thể đứa trẻ không mang nổi chiếc đầu của mình, cha mẹ mới đưa con đến bệnh viện thì đã không còn cứu kịp... Để không còn những đứa trẻ bị bệnh não úng thủy chết vì sự thiếu hiểu biết của người lớn hoặc vì không có điều kiện chữa bệnh, việc thực hiện một chương trình tư vấn, trợ giúp  chữa bệnh là một yêu cầu bức thiết. Anh rất mong mọi tổ chức, cá nhân, trong và ngoài nước cùng chung vai, góp sức trợ giúp để các bệnh nhân mắc căn bệnh này không còn bị chết do không có điều kiện chữa trị hoặc do sự thiếu hiểu biết của các bậc cha mẹ.

Bên cạnh việc giúp đỡ trẻ em bị bệnh não úng thủy, hiện nay anh đang triển khai việc thành lập trung tâm đào tạo công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật. Đối tượng này hiện đang chiếm một phần đáng kể trong xã hội. Theo thống kê ở Việt Nam số người bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc hóa học trong chiến tranh, và những người bị tàn tật do tai nạn có khoảng 9 triệu người. Phần lớn đang ở độ tuổi lao động từ 15-40 tuổi, độ tuổi quan trọng nhất trong cuộc đời để mỗi người phấn đấu, xây dựng cuộc sống tương lai. Tuy vậy, cơ hội để người khuyết tật tham gia vào đời sống cộng đồng không nhiều. Việc thành lập trung tâm đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật cũng nhằm mục đích tạo điều kiện tốt hơn cho người khuyết tật để họ không chỉ đảm bảo cuộc sống cho mình mà tạo điều kiện để họ khẳng định vươn lên có vị trí tốt trong xã hội và không còn mặc cảm là gánh nặng của gia đình, xã hội. Hy vọng đây sẽ là điểm khởi đầu mở ra cho người khuyết tật một hướng đi mới có thể làm thay đổi cách nhìn của xã hội đối với họ. Với dự án này, người khuyết tật không chỉ làm những việc đơn thuần mà còn có thể làm việc ở những trình độ cao hơn, có cơ hội việc làm và  vươn lên khẳng định mình trong xã hội.

Hiện tại anh vẫn đang tìm kiếm những người tình nguyện để trợ giúp trong việc vận động  gây quỹ từ thiện để bắt đầu dự án này. Trước mắt anh dự định sẽ chọn 20 cháu có khả năng giao tiếp tiếng Anh để đào tạo. Khi có kinh phí sẽ tiếp tục triển khai nhiều khóa học ở nhiều trình độ khác nhau để đào tạo cho các cháu. Mục đích của anh giúp các cháu sau khi ra trường đều có thể làm việc tốt ở vị trí của mình đó là cách tốt nhất giúp người khuyết tật tự hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng.

Nói về những việc làm của mình anh cho biết: Mình đã là người khuyết tật nên biết được những bất hạnh của người khuyết tật phải trải qua, mình chỉ muốn đóng góp một phần nhỏ để giúp đỡ những người có số phận không may mắn và đem lại cho họ một cơ hội. Anh cũng mong muốn tất cả mọi cá nhân, tổ chức hãy ủng hộ, chia sẻ bằng những hành động thiết thực để giúp người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng, xã hội. Đây là công việc chung của nhiều người, trong đó có cả sự tham gia của chính những người khuyết tật.

                                                                                                                Minh Thúy

 


Các tin liên quan:
Tạo bởi admin
Cập nhật 28-06-2005
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin