Personal tools
Home | Contact | Fonts | Sitemap | Search
Monday, 23/12/2024 5:10

Một người Thái gốc Việt làm Tổng Biên tập tờ Indochina

Là giám đốc Công ty Long Thai Travel Group Co., Ltd, Visarut Khachonkitisakul gần như không có thời giờ rảnh rỗi vì luôn phải điều hành các tour du lịch và giải quyết những vấn đề về đường bay quốc tế. Trong số những ngoại kiều Thái Lan gốc Việt mà tôi gặp, anh là người nói tiếng Việt sõi nhất với cách diễn tả chuẩn mực của một trí thức.

Bangkok những ngày đầu tháng năm nóng nhức nhối. Tuy nhiên, Visarut, một công dân Thái Lan lớn lên trên mảnh đất đầy nắng và gió này như phớt lờ sự trêu ngươi của thời tiết. Vừa tập trung lái xe trên con đường cao tốc vào giờ cao điểm, anh còn mải bận rộn với những hai chiếc điện thoại. Là giám đốc Công ty Long Thai Travel Group Co., Ltd, Visarut Khachonkitisakul gần như không có thời giờ rảnh rỗi vì luôn phải điều hành các tour du lịch và giải quyết những vấn đề về đường bay quốc tế. Trong số những ngoại kiều Thái Lan gốc Việt mà tôi gặp, anh là người nói tiếng Việt sõi nhất với cách diễn tả chuẩn mực của một trí thức.

Sinh năm 1973, nước da trắng, khuôn mặt tươi cười và vẫn với phong cách đặc thù của người Việt Nam, Visarut là một doanh nhân dễ gây thiện cảm với người đối diện. Công ty của anh nằm trên đường Srivara, số 290, khá đông nhân viên và hầu hết là người Thái. Tất nhiên, với lợi thế là một người Thái gốc Việt, tiếng Thái Lan và tiếng Anh được sử dụng gần như song ngữ, Visarut tập trung chiến lược vào các tour du lịch đưa người Việt sang thăm quan Thái Lan. Ngành Công nghiệp du lịch của Thái Lan ngày một phát triển mạnh và lượng khách du lịch Việt Nam đang là một tiềm năng rất lớn. Nắm bắt được điều này, Long Thai Travel Group với kinh nghiệm gần 11 năm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch đã tìm kiếm rất nhiều đối tác tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài phạm vi hoạt động tại công ty của mình, Visarut còn có cổ phần trong một công ty sản xuất thuốc Thú y.

Thấy sự việc kỳ cục vì hai lĩnh vực chẳng liên quan gì đến nhau, tôi tò mò gạn hỏi và những điều mà Visarut trả lời càng khiến tôi rối tinh lên vì nó liên quan đến lợi ích, lợi nhuận, thuế và các phạm trù kinh doanh. Chỉ có điều, tôi hiểu rằng với đầu óc của một thạc sỹ Marketing, đã lăn lộn nhiều với những kinh nghiệm thực tế, việc gì Visarut cũng có thể làm được. Như để chứng minh cho điều tôi nghĩ, Visarut xòe đôi bàn tay chai sần, giọng đầy tự hào “Trong 3 năm trời sống trên nước Nhật, đôi tay này đã làm đủ mọi việc, từ xây dựng, cào tuyết cho tới làm đường…".

Visarut Khachonkitisakul mang dòng máu Việt Nam thuần túy. Ông bà của anh sang Thái Lan từ năm 1942 và cả bố mẹ anh đều được sinh ra ở Thái Lan. Trước năm 1955, một làn sóng người Việt Nam đã di cư sang đây và hầu hết sinh sống ở vùng Đông Bắc. Lúc đó chính quyền Thái Lan do muốn quản lý nhân khẩu nên đề nghị họ nhập quốc tịch nhưng tất cả người Việt Nam di cư thời bấy giờ đều không chịu. Họ giải thích rằng do đất nước đang có chiến tranh, kinh tế khó khăn nên họ chỉ tạm thời sống ở đây thôi. Họ vẫn muốn là người Việt, bao giờ đất nước hòa bình, họ lại trở về quê hương. Nhưng chiến tranh kéo dài quá lâu, thời gian ở lại đã khiến họ quen với nếp sống mới, hơn nữa nhà cửa ruộng vườn ở quê hương đã chẳng còn. Khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam và quân đội Mỹ kéo vào, việc xin nhập Quốc tịch Thái Lan lại trở thành không thể vì Chính phủ Thái Lan đang có xu hướng thân Mỹ. Họ lo ngại những người Cộng sản Việt Nam sẽ dựa vào quốc tịch đó để dễ bề đi lại và hoạt động cách mạng. Vì vậy, không chỉ thế hệ cha ông, mà ngay cả Visarut và các bạn gốc Việt cùng trang lứa sinh ra, lớn lên ở Thái Lan mới được nhập quốc tịch trong vòng 15 năm trở lại đây, có người 10 năm, có người mới chỉ vài năm. Trước đó, Chính phủ Thái Lan dồn toàn bộ người nhập cư Việt Nam ở vùng Đông Bắc và chỉ cho phép họ đi lại trong vòng 5 tỉnh (không bao gồm Bangkok). Người anh họ của Visarut tên là Phước thổ lộ rằng lúc đó "chúng tôi sống khác nào ăn xin ở Thái Lan” nhưng Visarut lại có một quan điểm hoàn toàn khác. Anh đã thi vào Đại học Kiến trúc ở Bangkok và có số điểm xếp thứ hai trong danh sách tuyển sinh. Nhưng khi làm thủ tục học, Visarut không có quốc tịch nên bị loại khỏi danh sách. Chán nản, anh sang Nhật làm việc trong ba năm rồi sau khi trở về Thái Lan vẫn nung nấu ý định đi học đại học và đã thi đỗ ngành quảng cáo. Lúc này Visarut đã xin được quốc tịch và trở thành công dân Thái Lan. Anh khẳng định "Người Việt Nam mình thông minh, sáng tạo và năng động hơn họ nhiều. Khi đi học cũng như lúc làm việc, người Việt Nam chẳng thua kém bất kỳ người Thái Lan nào hết".

Quả thực những đức tính của người Việt mà Visarut đúc kết được làm tôi ngạc nhiên vì điều đó đã được chứng minh. Năm 2003, Visarut đã trở thành tổng biên tập của tờ tạp chí du lịch Indochina được in bằng tiếng Anh và tiếng Thái với con số phát hành khởi điểm là 5.000 bản/số. Đây mới chính là niềm tự hào của Visarut khi mà tôi thấy anh luôn nâng niu tờ báo và liên tục giới thiệu về nó. Trong phần nội dung, những bài viết và hình ảnh du lịch Việt Nam được Visarut dành phần thời lượng khá lớn và trân trọng. Trong suốt cuộc nói chuyện, Visarut khiến tôi kinh ngạc vì anh thuộc lịch sử Việt Nam hơn rất nhiều người Việt sinh ra và lớn lên ở trong nước. Anh nhớ từng giai đoạn lịch sử một cách chính xác và thậm chí có chỗ còn giảng giải cụ thể. Anh luôn tự hào vì trong quãng thời gian sống trên đất nước Thái Lan, ông nội anh đã tham gia hoạt động cách mạng. Trong các cuộc huy động quyên góp tiền để ủng hộ kháng chiến trong nước và phong trào viết truyền đơn, ông nội anh luôn là một trong những người tích cực nhất. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là Visarut có một phòng thu để từ đó anh cho ra đời các tác phẩm âm nhạc. Là một cây ghita năng nổ thời sinh viên, giờ Visarut có điều kiện để thực hiện mơ ước của mình, các bài hát của anh với chủ đề bảo vệ xã hội và tôn giáo liên tục đoạt giải thưởng nhất, nhì do Hội Phật giáo trao tặng. Số tiền đoạt giải sau đó lại được trao tặng cho các Hội từ tiện hoặc ủng hộ chùa chiền.

Tôi được nghe một số bài hát trữ tình do anh sáng tác (lời bằng tiếng Thái), giai điệu đẹp, nhẹ nhàng và rất có hồn. Dù sao thì những gì mà Visarut, một doanh nhân nghệ sĩ, đã làm được đúng như anh nói “Không nhiều nhưng đủ để chứng minh người Việt không hề thua kém khi phải sống ở bất kỳ môi trường nào".

                                                                             (Người Hà Nội)

 


Related news:
Created by admin
Last modified 01-07-2005
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin