"Nạp" tri thức để cống hiến
Huỳnh Minh Việt là sinh viên Việt Nam đầu tiên lọt vào top 50 sinh viên xuất sắc nhất thế giới, được tham gia chương trình lãnh đạo toàn cầu 2005 vừa được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ). Lê Thị Cảnh Chi là nữ Chủ tịch khóa 1 của Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF).
Hành trang: Tri thức
Sinh năm 1979, tốt nghiệp trường THPT Hà Nội - Amsterdam, cô gái gốc Hà Nội Lê Thị Cảnh Chi được tuyển thẳng vào 3 trường đại học, sau khi giành giải 3 tiếng Pháp toàn quốc.
Ngồi chưa ấm chỗ ở khoa tiếng Pháp (Đại học Ngoại thương), Cảnh Chi được cấp học bổng du học Pháp. Chỉ trong 4 năm học tập tại Học viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương (Pháp), cô sinh viên Việt Nam này đã tốt nghiệp… 3 khoa một lúc. Điểm giống nhau của cả 3 bằng cử nhân chuyên ngành Việt Nam học, Sư phạm ngoại ngữ tiếng Pháp và Thương mại quốc tế của Cảnh Chi gói gọn trong 2 chữ: Xuất sắc.
Cảm thấy vẫn chưa đủ, Cảnh Chi tiếp tục làm thạc sĩ. Sau một thời gian “dùi mài kinh sử”, Chi đã có thêm 2 tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học (biên dịch) và Sư phạm ngoại ngữ tiếng Pháp.
Sau chuyến đi Mỹ thực tập giảng dạy, Cảnh Chi thông báo tin vui: Tôi vừa nhận được giấy mời học cao học chuyên ngành thứ 3 - Thương mại quốc tế.
Giống như Cảnh Chi, chàng trai quê Quảng Nam Huỳnh Minh Việt cũng tự trang bị cho mình hành trang tri thức trên con đường khởi nghiệp. Học xong lớp 9, Việt là một trong số 21 học sinh Việt Nam được Chính phủ Singapore tuyển chọn, cấp học bổng toàn phần du học.
Thi hết phổ thông ở Singapore với 7 điểm A, xem hồ sơ của Huỳnh Minh Việt, đại diện tuyển sinh của Đại học Stanford - một trong những ĐH nổi tiếng của Mỹ về đào tạo kinh tế, không ngần ngại cấp học bổng cho Việt theo học chuyên ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh.
Không những thế, chàng sinh viên Việt Nam này còn là một trong số 50 sinh viên xuất sắc nhất thế giới, được chọn tham gia chương trình lãnh đạo toàn cầu 2005 do Quỹ từ thiện toàn cầu Goldman Sachs và Viện Giáo dục quốc tế (IIE) của Mỹ tổ chức.
Tại đây, Việt đã được nghe Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Ann Veneman, Chủ tịch Quỹ Goldman Sachs và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác trao đổi thẳng thắn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực lãnh đạo, ngoại giao…
Rực cháy đam mê cống hiến
Lần đầu tiên sang Pháp, không họ hàng, không người thân thích, Cảnh Chi vấp phải rất nhiều khó khăn. Bất đồng về ngôn ngữ, thiếu thông tin… Cảnh Chi cũng giống như bao du học sinh Việt Nam khác, phải tự bươn chải nơi đất khách quê người. Tất cả đã thôi thúc cô bàn với các bạn đi đến quyết định: Phải thành lập một tiếng nói chính thống của du học sinh Việt Nam tại Pháp.
Cùng với các thành viên tích cực khác, Cảnh Chi tự bỏ tiền túi ra đi rong ruổi khắp các vùng địa phương của Pháp trong suốt 6 tháng trời. Năm hết Tết đến, Chi không về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, mà tranh thủ đến thăm và ăn tết cùng các bạn. Dù đến Lion, Marseille hay Toulouse… Chi luôn chủ động trò chuyện, tìm hiểu cuộc sống của từng du học sinh Việt Nam, từng chi hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng.
Thế rồi, Hội Sinh viên Việt Nam đầu tiên tại Pháp đã ra đời vào 26/3/2004. Giờ nhắc đến “bà” Chủ tịch Lê Thị Cảnh Chi, hầu như du học sinh Việt Nam nào tại Pháp cũng biết.
Cống hiến hết mình cho cộng đồng bằng các dự án “nhiều chất xám” cũng là niềm đam mê của Huỳnh Minh Việt. Sẵn tố chất lãnh đạo thiên bẩm, Việt là tác giả của “Vietnam Medical Project” - Dự án tổ chức cho các bác sĩ và sinh viên y khoa quốc tế tình nguyện sang Việt Nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo trong 2 năm qua.
Việt là thủ lĩnh của SEALNET - nhóm sinh viên Đại học Stanford (Mỹ) nghiên cứu về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và môi trường. Ngoài ra, Việt cũng chính là người đề xuất tặng 13 máy tính cho Thành Đoàn TPHCM, cài đặt các phần mềm dạy tiếng Anh để nâng cao chất lượng ngoại ngữ…
Vai trò lãnh đạo của Huỳnh Minh Việt còn được thể hiện qua việc là thành viên tích cực trong Ban lãnh đạo “VietAbroader” - Tổ chức của nhóm sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường ĐH ở Mỹ. Mục đích của tổ chức phi lợi nhuận này nhằm giúp đỡ những sinh viên Việt Nam có ý định du học ở Mỹ nói riêng và nước ngoài nói chung.
Điều đó phần nào giải thích tại sao Huỳnh Minh Việt có thể vượt qua rất nhiều các ứng viên xuất sắc để được tham dự chương trình lãnh đạo toàn cầu 2005.
Trở về Việt Nam trong vai trò thực tập sinh tại Ngân hàng Thế giới chi nhánh Việt Nam (Việt là trường hợp đặc biệt vì hầu như Ngân hàng Thế giới không nhận sinh viên thực tập), Việt tâm sự: "Cuộc gặp gỡ với Tổng thư ký LHQ Kofi Annan và các lãnh đạo cao cấp đã giúp tôi học tập được nhiều kinh nghiệm đáng quý. Trước những thành tích của các nhà lãnh đạo xuất chúng trên thế giới, tôi hiểu còn phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa nếu muốn làm được điều gì đó có ý nghĩa cho cộng đồng".
(Theo Tiền phong)
Related news:
- Ám ảnh nguồn cội (05-06-2008)
- Ở Algeria vẫn không nguôi hướng về nguồn cội (03-06-2008)
- Ông già Noel của các cháu nhỏ thành phố Kosice (02-06-2008)
- 2 chàng trai Việt làm giàu trên đất Úc (18-04-2008)
- Ngôi sao Việt ở Thung lũng Silicon (17-04-2008)
- Chàng trai Việt tại Grinnell (14-04-2008)
- Việt kiều về nước kinh doanh: Không chỉ có trí tuệ, tài chính, mà còn có lửa ấm (21-03-2008)
- Người phụ nữ Việt Nam và phương pháp châm cứu “cấy chỉ” (20-03-2008)
- Vì những điều lớn hơn (19-03-2008)
- Tấm lòng của Chi Nguyen (19-03-2008)
Last modified 29-07-2005