"Cửa sổ thông tin" của Việt Nam
Con người đa tài đa nghệ này là ông Võ Tá Hân, Việt kiều mang quốc tịch Canada song đã nhiều năm sống và công tác tại Singapore.
Học xong chương trình cử nhân và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ, ông bảo vệ tiếp luận án thạc sĩ vào năm 1973 tại Viện Đại học Kỹ thuật Massachusett (MIT) về đề tài: "Khu chế xuất và Việt Nam sau chiến tranh". Sau đó, ông xuất bản một cuốn sách về khu chế xuất (EPZ) trích từ bản luận án này, trong đó tổng hợp nhiều thông tin, đánh giá của ông về loại hình thu hút đầu tư nước ngoài khá thành công ở nhiều nước đang phát triển này. Trong đoạn kết của cuốn sách, ông đã bày tỏ mong muốn Việt Nam nên có một cái nhìn mới về EPZ. Nhận định đáng chú ý của ông là EPZ không nên chỉ dừng lại ở một khu mà còn có thể mở rộng thành một "thành phố chế xuất" hoặc thậm chí "một quốc gia chế xuất" nơi thông thoáng về luật lệ thủ tục cho đầu tư và xuất khẩu. Không chỉ dừng lại ở mức độ lý luận, ông tiếp tục biến nó thành hiện thực. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản trị như làm Tổng Giám đốc Ngân hàng Montreal châu Á, thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn địa ốc và khách sạn "City Developments" ở Singapore, Tổng giám đốc Công ty Tài chính Singapore ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư của Singapore. Hiện phần lớn các công ty Singapore đầu tư vào Việt Nam đều do ông giới thiệu và có sự tác động không nhỏ của ông. Ông đứng ra tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa doanh nghiệp hai nước để tăng cường hiểu biết, xúc tiến đầu tư. Không phải là quá khi gọi ông là người bắc cầu nối cho các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam.
Là một Việt kiều, song ông đã hết sức thẳng thắn rằng nhiều người Việt Nam ra đi từ những năm tháng chiến tranh khói lửa, hay những người ra đi từ thuở Việt Nam còn đang trong thời kỳ vật lộn tìm đường thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu, còn thiếu thông tin về Việt Nam dẫn tới những hiểu lầm và có những cái nhìn phiến diện. Với một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, Việt Nam hiện tại vẫn như ký ức khi họ mới ra đi, không phải là một Việt Nam phát triển như hiện nay, song đó chỉ là những người chưa một lần về lại Việt Nam. Sau nhiều lần tranh cãi với bạn bè tại Mỹ về Việt Nam hiện tại, ông đã đi tới quyết định phải cung cấp cho họ những thông tin cần thiết về một Việt Nam đổi mới. Vậy là tờ Vietnam Newswatch (Quan sát tin tức Việt Nam) ra đời khi Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới, do công ty của ông tại Singapore xuất bản. Điều đặc biệt ở chỗ tờ báo chỉ sưu tầm nguyên bản những tin tức, bài viết về Việt Nam đã đăng trên các báo nước ngoài rồi trình bày lại, đóng thành quyển, in và phát hành tới người đọc. Vietnam Newswatch phát hành mỗi tháng hai số, liên tục trong khoảng năm năm liền. Đối tượng của tờ báo là những người Việt tại nước ngoài, các học giả quốc tế, thậm chí ngay cả những học giả trong nước cũng đặt mua để nghiên cứu về Việt Nam.
Đầu năm 1991, ông tham gia viết bài cho tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn. Đầu tiên những bài báo đó được viết dưới dạng thư gửi từ Singapore dưới bút danh Thái Bình. Những bài báo về kinh tế của ông đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý bởi trong đó có nhiều ý kiến, phân tích và bình luận sắc sảo, độc đáo về các vấn đề phát triển của Việt Nam. Qua đó, ông truyền đạt những kinh nghiệm phát triển của Singapore, những thông tin rất hữu ích đối với Việt Nam vào giai đoạn đó. Đó là những kinh nghiệm về vay nợ nước ngoài, quản lý ngân hàng, điều hành công ty, phong cách và phương pháp làm việc của doanh nhân... Những bài báo nội dung có vẻ khô cứng, song cách diễn đạt lại rất mềm mại, uyển chuyển như chính những giai điệu về xứ Huế, quê hương ông mà ông vừa trình làng trong một CD có tựa đề "Bài thơ cho Huế", gồm 10 ca khúc.
Trong thời gian này, từ Singapore, ông đã đưa về Việt Nam khoảng hơn nửa triệu cuốn sách đủ loại về tin học, kinh tế, tài chính, báo chí... qua Công ty phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những đầu sách rất quý mà ở Việt Nam không có. Chúng vừa để bán, vừa để tặng cho các trường đại học, thư viện, bệnh viện trên khắp cả nước.
Không dừng tại ở việc cung cấp, truyền bá những kiến thức phát triển của thế giới cho Việt Nam, ông Hân còn là một doanh nhân Việt kiều đang trực tiếp đầu tư vào một số lĩnh vực tại Việt Nam. Hiện ông đang là Cố vấn cao cấp cho Ngân hàng Thụy Sĩ UBS AG tại Singapore. Ông luôn tin tưởng sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng đang đi đúng hướng, từng bước đưa Việt Nam phát triển. Ông kể, những người bạn Singapore của ông cũng cho rằng, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ dẫn đầu trong các nước ASEAN dựa vào tiềm lực mạnh mẽ và những gì mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
(Theo Quân đội Nhân dân)
Các tin liên quan:
- Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh và mô hình dự báo MM5 (02-11-2007)
- Võ Đình Tuấn - một trong "100 thiên tài đương đại" (31-10-2007)
- Nguyễn Cao Hùng - người phát minh kỹ thuật siêu cao rộng tần vô tuyến điện (31-10-2007)
- Tommy Trần: 'Quay về là bất ngờ của chính tôi' (30-10-2007)
- Người Việt trong ngành dược ở Mỹ (29-10-2007)
- Một người Việt mở Trường dạy âm nhạc Việt Nam tại Đức (29-10-2007)
- Huỳnh Hùng - đầu bếp giỏi nhất nước Mỹ (05-10-2007)
- Cô gái gốc Việt tặng 15.000 USD cho 3 sinh viên Việt Nam (02-10-2007)
- Người Việt phát minh hệ thống chiếu sáng tự động ôtô (06-09-2007)
- Từ HCB Toán quốc tế đến GS trường ĐH Florida (08-08-2007)
Cập nhật 23-08-2005