Đặng Văn Cáp với cuộc hành trình theo Bác Hồ trở về Tổ quốc
Đặng Văn Cáp còn có tên là Đặng Văn Linh. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học yêu nước, nhiều đời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, cứu người. Cha ông là Đặng Văn Hữu từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp và đã đưa cụ Phan Đình Phùng về nhà mình chữa bệnh.
Vào những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ trước, cuộc sống bần hàn, lầm than do bọn thực dân, phong kiến áp bức, vơ vét đã xô đẩy nhiều người dân quê ông (Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) tha phương cầu thực. Trong khi quẫn bách lại bị lộ do tích cực tham gia vận động phong trào thanh niên chống áp bức, cường quyền, Đặng Văn Cáp theo dòng người sang nước Xiêm (Thái Lan). Dừng chân trên đất khách quê người chưa được bao lâu thì mùa xuân năm 1926, rất may như nhiều kiều bào ta lúc đó kiếm kế sinh nhai trên đất Xiêm, Đặng Văn Cáp được các ông Đặng Thúc Hứa và Lê Đạt (cha Lý Tự Trọng) dìu dắt nên đã sớm giác ngộ Cách mạng. Rồi ông được đứng vào tổ chức Thanh niên Việt kiều yêu nước, tham gia thành lập Hội Thân ái. Từ đó, ông Đặng Văn Cáp vừa tích cực hoạt động trong phong trào yêu nước, vừa bốc thuốc và làm nhiều nghề khác.
Thời kỳ đó, ông nghe kể về một người Việt Nam có tên là Thầu Chín bôn ba khắp nơi và đang hoạt động trên đất Xiêm. Nhưng phải đến cuối mùa thu năm 1928, Đặng Văn Cáp mới được gặp ông Thầu Chín. Ông vui sướng vì ông Thầu Chín chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Từ cuộc gặp lịch sử ấy, ông được sát cánh bên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc một thời gian khá dài trên đất Xiêm. Những kỷ niệm đầu tiên được gặp Bác Hồ đã in đậm trong ký ức và đi theo ông suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng.
Trong hồi ký của mình, ông viết: "Năm 1929, tôi ở với Bác lúc vừa đúng một năm tròn. Tôi phụ trách hiệu thuốc bắc. Bác cùng ở với tôi trong hiệu thuốc liền từ tháng 1 đến tháng 6/1929. Lúc đầu tôi ở phố, sau hiệu thuốc của tôi dọn về cùng ở với anh em ở trong làng. Gần cuối năm 1929, tôi thấy Bác chuẩn bị ba bộ quần áo. Sau đó, Bác đi vắng một thời gian. Tôi nhớ hồi đó là sau tết vào khoảng 3/1930. Tôi đang đi cày thì được gọi về. Sau thời gian đi vắng, Bác đã trở lại. Cùng ngày hôm đó, tôi được Bác công nhận là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam... Rồi Bác chia tay anh em ở Xiêm và đi Trung Quốc. Cho đến năm 1934, tôi lại bị bắt và đến tháng 6/1935, tôi cũng như những người bị bắt lần trước, bị trục xuất sang Trung Quốc... trong đó có vợ tôi là Nguyễn Thị Kẹo, nữ đảng viên từng tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930...". Tại Nam Ninh, Trung Quốc, Đặng Văn Cáp tiếp tục hoạt động trong phong trào yêu nước và ông được bầu làm Bí thư Chi bộ Việt kiều.
Năm 1938 - Nguyễn Ái Quốc từ Moscow về Việt Nam hoạt động. Khi đến Lan Châu, Trung Quốc, Người được các đồng chí trong Bát Lộ quân tiếp đón và qua nhiều chặng đường, cuối cùng về đến Quế Lâm, Quảng Tây. Tháng 2/1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia lớp huấn luyện du kích tại Nam Nhạc, Hồ Nam.
Cuối tháng 9/1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn không liên lạc được với các đồng chí trong nước và Người trở lại Quế Lâm. Các đồng chí Đặng Văn Cáp, Phùng Chí Kiên được tổ chức cử đến đón Bác nhưng không gặp, vì trước đó ba ngày Người đã rời Quế Lâm đi Trùng Khánh. Cuối năm 1939, Người đến Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam và đã bắt liên lạc với Ban Hải ngoại Đảng ta. Mãi đến tháng 5/1940, nghĩa là sau hơn 10 năm, Đặng Văn Cáp mới gặp lại đồng chí Thầu Chín. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, tình hình bà con Việt kiều ở Xiêm, Bác giao cho Đặng Văn Cáp làm liên lạc giữa các đồng chí Đảng ta với các đồng chí Đảng bạn Trung Quốc. Những ngày ở Côn Minh, ông được Bác chỉ bảo, dặn dò tỉ mỉ, nhất là cách nắm tình hình. Bác yêu cầu người làm liên lạc là phải nhớ trong óc, không được viết ra giấy. Tháng 6/1940, khi Chính phủ Pêtanh ở Pháp đầu hàng phát xít Đức, Bác khẳng định: "Thời cơ cho Cách mạng Việt Nam đã đến. Mọi người không nên ở lại Quế Lâm nữa, phải tìm cách về nước ngay để hoạt động. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng...".
Cuối năm 1940, Bác Hồ và các đồng chí Phạm Văn Đồng, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp cùng một số đồng chí khác rời Quế Lâm tìm đường về nước. Con đường trở về Tổ quốc được Bác đồng ý đi theo hướng Cao Bằng, thay vì hướng Lào Cai lúc đó cửa khẩu bị đóng, cầu bị phá và không an toàn. Hơn nữa, Cao Bằng là địa bàn có phong trào phát triển sớm và mạnh, việc liên lạc quốc tế lại thuận lợi hơn. Trưa ngày 28/1/1941, tức mồng 3 Tết Tân Tỵ, Bác Hồ cùng một số đồng chí của Đảng ta vượt cột mốc 108 về đến Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Cuộc hành trình trở về Tổ quốc của Bác Hồ diễn ra an toàn là hạnh phúc lớn cho dân tộc ta.
Trong hồi ký, ông Đặng Văn Cáp viết: Phải nói rằng, con đường đón Bác về nước thật gian khổ, khó khăn và không kém phần nguy hiểm. Phải dò dẫm từng đoạn, thấy thật an toàn mới tiếp tục đi. Trên đường, dù qua thành phố hay xuyên rừng, mọi người phải hóa trang đóng vai thích hợp. Có lúc Bác đóng vai nhà báo Trung Hoa "Tân văn ký giả", mặc quần áo complê, nói tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp. Đồng chí Phạm Văn Đồng đóng vai phiên dịch, Đặng Văn Cáp và anh em đóng vai người đi đường. Những ngày ở Pác Bó, Bác giao cho Đặng Văn Cáp in tài liệu và giao dịch, vận động đồng bào địa phương giúp đỡ lương thực. Do công việc hàng ngày phải trèo đèo, lội suối đi bộ hàng chục cây số mệt nhọc nhưng ông vẫn không ngại khó mà luôn toát lên niềm tin vì được Bác giao nhiệm vụ. Ông thầm nghĩ và tin tưởng Bác đã trở về Tổ quốc thì nhất định dân tộc ta sẽ sớm thoát khỏi ách thực dân, phong kiến. Cảm phục trước tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ khi trở về Tổ quốc đã đặt đại bản doanh tại Pác Bó và cảm hứng trước thắng cảnh non nước Cao Bằng, Đặng Văn Cáp làm bài thơ chữ Hán, 4 câu:
"Bỉ bỉ liệt thủy
Xuất tự Mã san
Bất xá trú dạ
Biên sái nhân hoàn"
Tạm dịch là:
"Suối Lênin cuồn cuộn
Từ núi Mác chảy ra
Suốt ngày đêm chẳng dứt
Tưới khắp cả gần xa"
Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 chuyển sang cục diện mới, Bác Hồ quyết định sang Trung Quốc làm việc với chi bộ hải ngoại của Đảng ta và gặp đại diện Đồng minh chống phát xít để "bàn việc lớn". Trước lúc lên đường, Bác căn dặn Đặng Văn Cáp: "Chú là người biết làm thợ rèn, chú phải chú ý nghề đó để khi có dịp là rèn giáo mác cho du kích".
Dưới sự chỉ đạo của Bác, Tổng bộ Việt Minh giao cho Đặng Văn Cáp phụ trách xây dựng xưởng vũ khí tại vùng Lũng Hoàng, sau đổi tên là Nam Sơn. Cách mạng Tháng Tám thành công, từ căn cứ địa Việt Bắc, Bác Hồ về Hà Nội. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 20/9/1945, Đặng Văn Cáp nhận lệnh của Trung ương về Hà Nội, làm thư ký biên dịch tiếng Trung và chăm sóc sức khỏe Bác Hồ. Ngày 1/10/1945, khi Đặng Văn Cáp về đến Hà Nội thì Bác đang sốt. "Bác về đây tuy đã có nhiều bác sĩ, nhưng chính anh phải theo dõi sức khỏe của Bác - đồng chí Trường Chinh căn dặn và giao nhiệm vụ cho Đặng Văn Cáp. Thấy Bác gầy, ông không cầm nổi nước mắt. Rất tế nhị, đợi các bác sĩ đi khỏi, ông mới vào bắt mạch, cắt thuốc cho Bác uống, sau đó Bác đỡ nhiều. Thời kỳ ấy, thù trong giặc ngoài hoạt động ráo riết nhằm phá hoại, lật đổ chính quyền Cách mạng non trẻ. Đặc biệt, bọn Việt quốc, Việt cách bày đủ trò nhằm mục đích gây ra căng thẳng cho Hồ Chủ tịch. Tất cả hành vi, mưu đồ của chúng đều không qua khỏi mắt Đặng Văn Cáp và anh em bảo vệ Bác. Bằng trí thông minh, ông và anh em đã tìm cách đuổi khéo, quyết không cho bọn chúng tiếp cận để quấy rầy, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của Bác. Tháng 3/1946, trước lúc đi Pháp ký Tạm ước, Bác chỉ thị cho Đặng Văn Cáp cùng anh em ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu để đưa "Lò rèn lô cốt đỏ" phát triển. Từ đó "Binh công xưởng Ké Cáp" đã sản xuất ra nhiều loại vũ khí góp phần phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Mặc dù ở chính quốc đang rối ren nhưng thực dân Pháp vẫn muốn cướp nước ta lần nữa. Chúng đã ngang nhiên phá bỏ Tạm ước vừa được ký kết. Tại Đông Dương, đặc biệt ở Việt Nam, chúng ra sức chống phá chính quyền Cách mạng. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta lúc đó là bằng mọi cách phải bảo vệ thành quả của Cách mạng vừa mới giành được và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ. Trước âm mưu đen tối của kẻ thù, Trung ương Đảng phải bố trí nhiều chỗ ở khác nhau cho Bác. Trong hoàn cảnh lúc đó, Đặng Văn Cáp lại được bổ sung vào tổ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Đặng Văn Cáp ít hơn Bác Hồ 4 tuổi, lại có vóc dáng gần giống Bác, vì vậy ông được tổ bảo vệ chọn đóng giả Bác Hồ. Bằng cách này, mặc dù với một mạng lưới mật vụ khát máu, xảo quyệt nhưng bọn chúng không tài nào phân biệt được ai là vị đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuy hàng ngày xe chở Bác Hồ vẫn đi từ Bắc Bộ Phủ ra ngoại thành Hà Nội và ngược lại.
Do yêu cầu của công việc, sau chiến dịch Cao Bắc Lạng, Đặng Văn Cáp được Bác cử sang Trung Quốc làm Biện sự sứ ở Quảng Tây, rồi đến tháng 10/1951, ông được giao phụ trách Trường Thiếu sinh quân Việt Nam tại Quế Lâm. Năm 1957, ông về nước và làm việc tại Cao Bằng cho đến năm 1960 thì chuyển sang công tác y học cổ truyền dân tộc. Trong 20 năm với cương vị là Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam, ông đã có công lớn đào tạo cho nước nhà nhiều thầy thuốc tâm đức trong sáng. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ông đã từng là đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III, ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Nhưng với ông, vinh dự lớn nhất là được gần gũi, phục vụ Bác Hồ qua nhiều thời kỳ, ở nhiều địa điểm, từ những ngày Người hoạt động trên đất Thái Lan đến cuộc hành trình gian khổ trở về Tổ quốc cứu dân cứu nước.
Bà Nguyễn Thị Kẹo, người con gái quê hương hát ví phường vải Trường Lưu, Can Lộc - vợ đầu của ông, sau khi bị bắt ở Thái Lan và trục xuất sang Trung Quốc rồi bị bọn Tưởng Giới Thạch giao cho thực dân Pháp giam đến chết. Sau này ông kết duyên với bà Hoàng Thị Vọng Bình, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Khu tự trị Việt Bắc. Khi tuổi đã cao, ông làm bài thơ "Tự thuật" tám câu bằng chữ Hán, như để tổng kết cuộc đời của mình nhưng vẫn lạc quan. Bài thơ tạm dịch là:
"Chín chục hoa niên vẫn chưa già
Nửa phần thế kỷ mãi xông pha
Con đường Cách mạng noi gương Bác
Phục vụ Đông y nối nghiệp Cha
Việt, Thái, Trung, Xô từng hoạt động
Công, nông, quân, chính đã tham gia
Hễ còn sức khỏe, còn tranh đấu
Bách tuế trường xuân ấm phúc nhà"
Gần một năm sau khi bài thơ ấy được sáng tác thì ngày 22/2/1984, Đặng Văn Cáp, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người cận vệ đầu tiên của Bác Hồ, người thầy thuốc tận tâm, tận tụy qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Thi hài ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
(Theo An ninh thế giới)
Các tin liên quan:
- "Gia đình Heritage Việt Nam” ở Berlin (05-01-2009)
- Cô gái trẻ người Việt trong nhóm vận động của ông Obama (26-12-2008)
- Người Việt đứng đầu top các nhà kinh doanh trẻ châu Á (25-12-2008)
- Sinh viên Đan Mạch gốc Việt tốt nghiệp xuất sắc Thạc sỹ Luật tại Copenhagen (23-12-2008)
- Việt kiều trẻ tìm đường về nguồn cội (16-12-2008)
- Hai tài năng bóng đá châu Âu mang dòng máu Việt (15-12-2008)
- Nữ sinh gốc Việt nhận học bổng 200.000 USD (12-12-2008)
- Việt kiều với việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới (02-12-2008)
- Nghị lực Việt nơi xứ Lào (17-11-2008)
- Đại hội Hội Phụ Nữ Việt Nam tại Leipzig CHLB Đức (14-11-2008)
Cập nhật 25-08-2005