Về một thanh niên Việt kiều trong đội ngũ tiếp quản Nhà máy điện Yên Phụ
Xuất thân từ một gia đình Nho giáo yêu nước, cha là một nhân sĩ trí thức, đã từng giữ chức Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Ngãi những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mẹ nguyên là nữ sinh Đồng Khánh và là cháu ruột của nhà thơ - hoàng tử Tùng Thiện Vương (con trai vua Minh Mạng), tuổi thơ Vũ Đình Bông đã được ươm trong một môi trường gia đình hết sức lý tưởng, lại được chứng kiến toàn bộ diễn biến của cuộc Cách mạng Tháng Tám vô cùng hào hùng của Dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nên Vũ Đình Bông sớm có tinh thần yêu nước và ý chí tiến thủ.
Trong những năm du học ở Paris cũng như suốt cuộc đời công tác sau này, hai từ Tổ quốc luôn luôn thôi thúc Vũ Đình Bông vươn lên vượt mọi trở lực trong học tập, công tác và đời sống.
Sẵn có lòng yêu nước, lại được những người lãnh đạo Hội Việt kiều yêu nước ở Pháp thời đó như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, giáo sư Phạm Huy Thông... chỉ bảo và giao nhiệm vụ, anh thanh niên Vũ Đình Bông đã nhanh chóng trở thành hạt nhân tích cực của phong trào. Nào là tham gia dạy chữ cho Việt kiều; nào là in ấn tài liệu và rải truyền đơn tuyên truyền về cuộc Kháng chiến của Việt Nam; nào là tổ chức thu âm lại Đài tiếng nói Việt Nam để phát thanh rộng rãi cho bà con Việt kiều nghe; nào là tổ chức liên hoan văn nghệ khuếch trương các chiến thắng trong nước như chiến dịch Biên giới, chiến thắng Tây Bắc... Do những nỗ lực đó, ngày Quốc tế lao động 1/5/1952, Vũ Đình Bông đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Pháp.
Trong thời kỳ học tập ở nước ngoài, Vũ Đình Bông cũng như bao thanh niên trí thức khác, luôn nung nấu ý nguyện muốn sớm trở về Tổ quốc tham gia kháng chiến, giải phóng dân tộc. Một buổi chiều, Vũ Đình Bông đột ngột nhận được lệnh trực tiếp từ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện: "Đảng đồng ý để đồng chí về nước tham gia kháng chiến. Đồng chí phải đi ngay, không được trở về nơi ở, để tránh bị mật thám theo dõi". Mật lệnh được thi hành ngay: Một người dẫn đường bí mật đưa Vũ Đình Bông rời Paris đến biến giới Pháp - Bỉ. Qua trót lọt biên giới rồi, anh lại nhận được ám hiệu theo một người dẫn đường bí mật khác, lên tàu thủy đi Ba Lan. Đến đây, hành trang duy nhất mang theo là chiếc cặp sinh viên, cũng phải gửi lại Bỉ, thế là anh về nước hoàn toàn với hai bàn tay không. Cuộc hành trình bằng tàu thủy dọc bờ biển Bắc Hải, rồi qua biển Bắc Hải, biển Baltique... của Vũ Đình Bông và một đồng chí nữa (mới bổ sung).
Tới Ba Lan, đoàn có thêm ba người nữa. Đến lúc này các anh đều đã được Chính phủ Ba Lan cấp hộ chiếu chính thức, kết thúc những ngày phấp phỏng lo bị địch phát hiện, bị bắt trở lại Pháp. Ở Matxcơva, gặp gỡ các cán bộ sứ quán ta, các anh mới biết, người tổ chức cuộc đi này, chính là đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô. Ngày 27/4/1954, đoàn bay sang Bắc Kinh, rồi tiếp đó đáp tàu hỏa về biên giới Việt - Trung. Từ đây, đoàn hành quân bộ vào chiến khu Việt Bắc.
Tháng 10/1954, cùng đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội, Vũ Đình Bông được phân công tiếp quản nhà máy điện Yên Phụ, trực tiếp phụ trách kỹ thuật, rồi trở thành giám đốc nhà máy này. Lúc đó Vũ Đình Bông vừa tròn hai mươi chín tuổi (thật tình cờ, năm anh sinh lại trùng với năm khởi công xây dựng nhà máy - năm 1925).
Tiếp quản một nhà máy như nhà máy điện Yên Phụ là một việc hoàn toàn không đơn giản, đặc biệt là về mặt kỹ thuật. Đây là một nhà máy của chủ Pháp, do các nhân viên kỹ thuật người Pháp trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất. Khi ta tiếp quản, còn ba trưởng ca người Pháp ở lại làm thủ tục bàn giao cho chính quyền Cách mạng. Ba trưởng ca này lâu nay giữ độc quyền về mặt công nghệ, công nhân người Việt không hề được phổ biến, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, mà chỉ răm rắp thao tác như một cái máy theo lệnh chỉ huy của họ. Những ngày sau giải phóng, việc duy trì dòng điện phục vụ sản xuất và đời sống cho các cơ quan, xí nghiệp và nhân dân thủ đô, quan trọng đến nhường nào. Nó liên quan trực tiếp đến toàn bộ công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời, làm tốt việc tiếp quản nhà máy điện này, sẽ tăng cường lòng tin của nhân dân đối với khả năng quản lý xã hội của chính quyền Cách mạng.
Đã cũ kỹ lạc hậu, lại hoạt động đơn độc không có nguồn hỗ trợ, nên việc đảm bảo nhà máy vận hành an toàn liên tục là một đòi hỏi vô cùng nghiêm ngặt và hết sức khó khăn. Nhận thức được điều này, Vũ Đình Bông phải thường xuyên làm việc với cường độ cao, ngày đêm bám sát sản xuất, gần gũi công nhân, theo dõi uốn nắn từng thao tác của họ; ghi chép, nghiên cứu xử lý từng trường hợp cụ thể... Nhưng rồi điều không may vẫn cứ xảy ra. Chiều tối hôm đó, đang hoạt động bình thường, bỗng nhiên đèn điện tắt phụt. Tất cả các phân xưởng đều tối om. Cả nhà máy chìm trong im lặng. Ai nấy nháo nhác và hốt hoảng! Điều gì đã xảy ra? Phải chăng có địch phá hoại? Với trách nhiệm của mình lúc này, đòi hỏi Vũ Đình Bông phải thật sự tỉnh táo, thật sự bình tĩnh để nhận định tình hình, dự đoán nguyên nhân cũng như kịp thời ban bố các mệnh lệnh ngắn gọn và chính xác, cùng tập thể công nhân nhanh chóng khắc phục sự cố. Ít phút sau, anh đã tìm ra nguyên nhân... 15 phút sau, điện bừng sáng trở lại! Những giây phút căng thẳng, nặng nề đã trôi qua, tất cả mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.
Thực trạng khi mới nhận nhiệm vụ tiếp quản nhà máy là thế, nhưng Vũ Đình Bông vẫn dũng cảm bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được giao với một tấm lòng yêu nước vô bờ bến và một quyết tâm hiếm có. Cấp trên yêu cầu anh nội trong ba tuần phải tiếp thu và nắm vững toàn bộ quy trình điều hành sản xuất để sớm thay thế hoàn toàn các chuyên viên người Pháp. Nhưng Vũ Đình Bông chỉ cần có mười ngày. Trong mười ngày đó, anh còn kịp viết xong tài liệu về quy trình vận hành, phổ biến cho công nhân và đào tạo cấp tốc các trưởng ca người Việt. Việc chỉ sau thời gian ngắn, người Việt Nam tự quản được nhà máy điện Yên Phụ đã làm cho chính các chuyên viên người Pháp đang ở Hà Nội cũng như người Pháp khác vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Sự kiện này là một thực tế hùng hồn đập tan luận điệu tuyên truyền của địch lúc bấy giờ rằng: chỉ một tuần sau khi quân đội Pháp rút đi, Hà Nội sẽ chìm trong bóng tối!
Hà Nội đã không chìm trong bóng tối! Một lần nữa Hà Nội lại chiến thắng!
Trần Huy Thuận
(Đại đoàn kết)
Các tin liên quan:
- "Gia đình Heritage Việt Nam” ở Berlin (05-01-2009)
- Cô gái trẻ người Việt trong nhóm vận động của ông Obama (26-12-2008)
- Người Việt đứng đầu top các nhà kinh doanh trẻ châu Á (25-12-2008)
- Sinh viên Đan Mạch gốc Việt tốt nghiệp xuất sắc Thạc sỹ Luật tại Copenhagen (23-12-2008)
- Việt kiều trẻ tìm đường về nguồn cội (16-12-2008)
- Hai tài năng bóng đá châu Âu mang dòng máu Việt (15-12-2008)
- Nữ sinh gốc Việt nhận học bổng 200.000 USD (12-12-2008)
- Việt kiều với việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới (02-12-2008)
- Nghị lực Việt nơi xứ Lào (17-11-2008)
- Đại hội Hội Phụ Nữ Việt Nam tại Leipzig CHLB Đức (14-11-2008)
Cập nhật 26-08-2005