Jacqueline Le Trinh: "Chỉ là hạt cát nhỏ nhoi"
“Chỉ là hạt cát nhỏ nhoi”
Trước đó cách đây 03 năm, tháng 12.2002, Jacqueline Le Trinh đã từng được UBND TP.HCM tặng bằng khen trong số 03 doanh nghiệp Việt kiều, vì “đã tích cực hưởng ứng, tham gia đầu tư, đóng góp công sức, của cải, góp phần trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2002”. Chị xúc động nói lên cảm xúc của mình: “Le Trinh được đứng trong danh sách được khen thưởng và vinh dự được nhận Bằng khen của UBND TP.HCM. Bên cạnh các vị Giáo sư, Tiến sĩ, Le Trinh cảm thấy mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi… Những đóng góp và những việc làm của Trinh trong thời gian qua là ý định mà Trinh từng ấp ủ ”Trinh sẽ làm một cái gì đó cho quê hương, vì Trinh là người Việt Nam”. Điều đó Trinh đã thực hiện như ý nguyện của mình ”.
Điều ấn tượng nhất khi lần đầu tiên gặp chị tại văn phòng làm việc của công ty, sau khi chị sang Singapore chuẩn bị tổ chức quảng cáo trên tivi vừa trở về. Chị nói “không ra hơi” vì đã trải qua nhiều ngày tổ chức đêm hội “Thời trang ngày cưới” và liên tiếp bay đi, bay về, rồi lo chuẩn bị tổ chức “Đêm hội Trăng Rằm” cho 2500 trẻ em đường phố nhân dịp Trung thu 2005. Riêng công ty của chị ủng hộ 30 triệu đồng để ủng hộ cho Quỹ trẻ em nghèo bất hạnh Q.1 cũng trong dịp Trung thu này.
Từ năm 1995, chị là người đầu tiên, hơn nữa lại là một Việt kiều “dám” đi tiên phong trong việc xin phép thành lập công ty hoạt động dịch vụ về văn hóa thương mại, thời trang, đào tạo đội ngũ người mẫu chuyên nghiệp. Đó là thời điểm muôn vàn khó khăn dành cho chị. Với gia đình, chị phải để các con đang học và còn nhỏ ở Mỹ cho ông bà ngoại chăm sóc. Bên cạnh đó, người thân ngăn cản và giận dỗi khi chị quyết định về Việt Nam đầu tư. Với Việt Nam, thời điểm đó tuy bắt đầu mở cửa, nhưng một thân một mình “lạ nước, lạ cái”, không biết các thủ tục hành chính ra sao, chị lại đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chuyên đào tạo người mẫu - một ngành rất mới của Việt Nam lúc bấy giờ.
Vì quyết tâm cao và đó cũng là tâm huyết của mình, chị đã “đi gõ cửa từng nơi và trình bày nguyện vọng đối với những người có trách nhiệm quản lý văn hóa - nghệ thuật. Chỉ trong vòng 02 tháng, chị đã xin được giấy phép thành lập Công ty Người mẫu Cát Tiên Sa - công ty đầu tiên của Việt Nam chuyên đào tạo người mẫu (mặc dù nhờ người khác đứng tên hợp pháp). Bước đầu gặp nhiều thử thách, gian nan, nhưng chị rất tự tin ở bản thân mình, bởi chị đã từng có dịp thử sức trong kinh doanh về thời trang ở Việt Nam và bản thân chị trải qua nhiều năm trong ngành quản lý khách sạn và đã từng là người mẫu trên các sàn diễn thời trang ở Mỹ. Chính vì vậy, từ tháng 02.1996, cùng với shop thời trang, Le Trinh đã có một đội ngũ người mẫu hùng hậu với Hà Kiều Anh, Minh Anh, Kim Chi, Mỹ Uyên…
Thành công trên quê hương
Đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ, là một doanh nhân năng động nhạy bén, chị đã “đi tắt, đón đầu” trong lĩnh vực thời trang và đã thành công. Chị cho rằng mình đã đi đúng hướng, vì thế năm 1999, Le Trinh quyết định thành lập Công ty Dịch vụ Văn hóa Thương mại Babi. Từ đó đến nay, hàng trăm gương mặt người mẫu đã ra nghề từ Babi. Trong đó, có không ít những gương mặt người mẫu ngôi sao sáng giá trên các sàn diễn thời trang, có thể nhắc đến Hoa hậu Thiên Nga, Trương Ngọc Ánh, Linh Chi, Hoàng Anh…
Để có được ngày hôm nay, chị từng hy sinh bản thân mình, phải xa các con và trong hoàn cảnh hôn nhân tan vỡ. Lúc còn nhỏ tuổi, Le Trinh theo gia đình sang Mỹ từ năm 1974, học tập và có cuộc sống ổn định ở Mỹ. Trong nỗi buồn riêng tư, chị về thăm Việt Nam. Chị không ngờ đó cũng chính là bước ngoặc quan trọng của cuộc đời mình - quyết định về sống ở Việt Nam. Mỗi khi nhớ lại những lúc khó khăn đã qua, mới đó mà đã 10 năm, chị không khỏi ngậm ngùi. “Thời điểm đó, nhiều người trong nước nghĩ rằng, Le Trinh không làm ăn được ở nước ngoài, có nghĩa là “hết xài”, không có việc gì làm nên mới về Việt Nam sống. Việc Le Trinh thành lập công ty Người mẫu, có người còn bảo Le Trinh hãy quay về Mỹ, chỗ này (Việt Nam) không phải là chỗ dành cho cô”.
Để có được giấy phép thành lập công ty cũng không phải dễ, Le Trinh đã gặp không ít những khó khăn: Phải có sự chứng nhận “không làm gì vi phạm pháp luật” từ phía chính quyền Mỹ - chính quyền San Francisco - California, nơi Trinh đang sinh sống và làm việc. Sau đó, hồ sơ được gửi lên Washington xin xác nhận không phải là tội phạm của nước Mỹ; Phải được Lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ xác nhận Le Trinh “không làm gì chống lại chính quyền Việt Nam”, đồng thời chứng nhận những giấy tờ mà chính quyền Mỹ đã ký bởi những con dấu thật.
Ngược lại, trớ trêu nhất, cũng vào thời điểm đó, nhiều Việt kiều cho rằng “những ai bước chân vào Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Việt Nam, chính là “cộng sản nằm vùng” và có không ít phiền toái đã xảy ra.
Có phải do có bản lĩnh mà chị đã vượt qua? Do bản tính của Trinh là vậy, khi đã quyết định điều gì thì sẽ làm tới cùng và phải thành công. Cho dù có đôi khi, ngồi một mình phải khóc, nhưng càng khó khăn Trinh càng phải cố gắng vượt qua. Mãi đến năm 2003, nhiều người vẫn còn nhìn Trinh bằng ánh mắt hết sức dè dặt và gắn cho Trinh nhiều tên gọi hết sức kỳ cục, mặc dù mình không làm gì vi phạm đến pháp luật.
Từ khi nào chị chuyển công việc chuyên đào tạo người mẫu sang tổ chức biểu diễn ca nhạc và còn xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ ? Đây là công việc có tính chuyển tiếp của Trinh. Người Mẫu của công ty gắn với chương trình biểu diễn ca nhạc, thời trang và quảng cáo, tại sao không chứ? Thế là Trinh đầu tư cho việc này và đặt hết tâm huyết vào công việc. Trong suốt 04 năm liên tục, Trinh đã tổ chức nhiều chương trình có thể nói nhiều nhất nước hiện nay. Đã từng có nhiều chương trình do công ty Babi tổ chức được dàn dựng công phu với hàng ngàn khán giả tham dự; Đã 8 năm với “Một thoáng Sài Gòn”, “Lời của Gió”, “Nhịp điệu thời gian”, “Đêm hội sông Hàn”, “Đêm hội Trăng Rằm” lần thứ 7…và sắp tới có thể còn là “Sức sống thời đại” nữa. Trinh còn tổ chức “Triển lãm đồ cưới”, chương trình này công ty của Trinh tổ chức từ năm 1999 đến nay và luôn được nhiều người ủng hộ.
Đâu là sợi dây gắn kết giữa chị và đối tượng khách hàng, đặc biệt là các công ty “nặng ký” ? Ngoài chữ “tín” và “hiệu quả” được đặt lên hàng đầu, Trinh còn đặt ra cho mình một tiêu chí: "Tránh sự trùng lắp gây nhàm chán và mỗi chương trình được chăm chút công phu". Trong các chương trình, tên của công ty đối tác đang kinh doanh trên thị trường Việt Nam luôn đặt ở vị trí ưu tiên như: Pacific Airlines, Konica, Nokia, Yamaha, Suzuki, Bossini, Vital, Swatch, Carberg… Mặc dù, công ty Babi là đơn vị thực hiện từ A đến Z, nhưng hầu như ít người biết, người ta chỉ biết đơn vị tài trợ đứng ra tổ chức, đó là thành công của Babi.
Làm từ thiện như ong thợ xây tổ
Là một nữ doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực làm kinh tế, tên Jacqueline Le Trinh đi liền với tên công ty Cát Tiên Sa và nay là công ty Babi. Và tên của chị còn gắn liền với công tác làm từ thiện với những chương trình tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thời trang rộng khắp cả nước. Sau khi trừ chi phí từ tiền tài trợ, quảng cáo, phần còn lại và tiền vé thu được, chị tặng ngay cho các tổ chức từ thiện ở địa phương.
Xuất phát từ cái tâm của mình muốn giúp đỡ các trẻ em mồ côi và người già neo đơn không nơi nương tựa, chị lặng lẽ làm việc thiện như con ong thợ cần cù xây tổ ấm. Trong 06 năm liền, công ty Babi của chị hỗ trợ thường xuyên cho Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp và hỗ trợ cho Trung tâm nuôi dưỡng các trẻ em và người già không nơi nương tựa ở Cần Thơ. Ngược lại với tấm lòng thơm thảo đó, Le Trinh luôn tránh né việc xuất hiện trước công chúng, cũng như trước ống kính truyền hình.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, Le Trinh cho rằng chị luôn luôn phải kiên trì, nhẫn nại, chuyên nghiệp, hết lòng vì công việc, kể cả kinh doanh và làm việc thiện. Chị luôn tâm niệm: “Mình vừa làm kinh doanh, vừa làm điều gì đó có ích cho xã hội. Mình không cần danh tiếng hay địa vị, chỉ mong sao làm việc nuôi con cho thật tốt. Có hai con (một trai, một gái) bên cạnh biết yêu thương mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời người”.
Và cứ thế, song hành cùng với công việc, chị làm từ thiện bằng cả tấm lòng.
N.Q (Người viễn xứ)
Related news:
- Hội họa Kết nối - 'phát minh' của một người Việt ở Mỹ (07-08-2007)
- Mối lương duyên giữa gốm Bát Tràng và hoa Nhật Bản (12-07-2007)
- Vai trò của các doanh nghiệp Việt kiều trong quan hệ doanh nghiệp hai nước Đức –Việt (10-07-2007)
- Người đem cảm xúc cho cư dân Yahoo (13-06-2007)
- Người góp phần nâng cao chất lượng sống cho người nghèo Việt Nam (11-06-2007)
- Chuyện của Xaman Worawat (11-06-2007)
- Hành trình tới NASA của 2 nhà khoa học gốc Việt (07-06-2007)
- Jennifer Phạm muốn gắn bó với quê hương (26-01-2007)
- Nghệ sĩ saxophone Michael Hùng: Người hiệp sĩ thầm lặng (30-11-2006)
- Jonathan Quan: Gợi giấc mơ xưa (28-11-2006)
Last modified 23-09-2005