Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 0:16

Lập nghiệp ở xứ người

Tỉnh Champasak, Lào là một trong những địa bàn có nhiều Việt kiều sinh sống nhất. Hiện có khoảng 5.000 Việt kiều, chiếm gần một nửa trong số đó là thanh niên ở độ tuổi từ 18 đến 35. Những ngành nghề khá phổ biến mà nhiều thanh niên Việt kiều thường chọn để lập nghiệp là: sửa xe, máy tiện, điện, may hoặc buôn bán tạp hóa cùng gia đình tại nhà...

vùng biên giới phía nam nước Lào, có những thanh niên Việt Nam vượt mọi khó khăn, khao khát tự đứng ra mở tiệm làm chủ. Thực tế, có nhiều người đã thành công từ những nghề được coi là "thời thượng" hay những nghề tưởng chừng là “vô danh”.

Người khởi xướng kinh doanh Internet

Hầu hết chủ tiệm Internet ở Pakse (Champasak, Lào) là người Việt Nam. Người đi tiên phong khai phá lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thời thượng này tại Pakse phải kể đến anh Lâm Đức Hải (sinh năm 1967). Trước năm 1999, anh Hải trang bị cho mình một cái máy vi tính và kết nối internet với mục đích duy nhất là để liên lạc với gia đình anh bên Pháp. Biết tin đó, một số khách du lịch đã tìm gặp anh Hải và xin được... xài ké. Nhận thấy nhu cầu về internet của một số người dân và đặc biệt là của khách du lịch rất cao, anh Hải đã chính thức bắt đầu kinh doanh dịch vụ này. Lúc này, tiệm internet của anh "sống chung" với tiệm bán phở của gia đình bên vợ. Tiệm chỉ có một máy vi tính đời cũ rẻ tiền nên không thể đáp ứng yêu cầu của khách du lịch. Một người ngồi với chiếc máy thì mấy chục người ngồi... chờ, tuy rằng mặt bằng giá truy cập internet ở đây là rất cao - khoảng 30 ngàn kip/giờ, tương đương 45 ngàn đồng (hiện nay, giá đã xuống 12 ngàn kip/giờ). Sau đó, anh Hải quyết định thuê mặt bằng để mở hẳn tiệm internet đồng thời trang bị thêm máy khá tốt. Hiện nay, cơ ngơi tiệm net của anh trông bề thế, rộng rãi hẳn với hai căn nhà thuê, 15 máy vi tính có đường truyền tốc độ cao. Bốn nhân viên trong tiệm (trong đó có 3 thanh niên Việt kiều) cũng được ông chủ trẻ trực tiếp huấn luyện cách sử dụng máy vi tính và bồi dưỡng thêm tiếng Anh...

Tiệm hớt tóc Cu Tý

Dưới chân cầu Tha Hinh huyện Pakse có một tiệm hớt tóc nho nhỏ bảng hiệu ghi bằng tiếng Lào nhưng khi dịch ra lại đặc chất Việt: tiệm hớt tóc Cu Tý. Mặc dù có tên thật là Trần Văn Hải (sinh năm 1972), song chủ nhân tiệm hớt tóc này vẫn thích được mọi người gọi bằng cái tên dân dã thời thơ ấu. Từ nhỏ, anh Cu Tý muốn sau này được làm chủ một tiệm hớt tóc. Tuy nhiên, do không có vốn nên anh hành nghề tại gia, trong một con hẻm nhỏ khu Việt kiều Tân An suốt 7-8 năm liền. "Hữu xạ tự nhiên hương", tiếng tăm của anh thợ hớt tóc nghèo có ngón múa... kéo khá điêu luyện đã bay đi khá xa.

Người Lào lẫn người Việt, khách du lịch và cả những vị cán bộ ở Viên Chăn hoặc nhiều nơi khác khi đến lưu lại Pakse vài ngày, thường tìm đến tiệm anh Cu Tý. Lúc này, anh bắt đầu thực hiện kế hoạch dời tiệm ra phố. "Một năm 2-3 lần, mình thường đi qua Thái Lan cốt để mua sách và tìm hiểu các kiểu thời trang tóc mới nhất trên thị trường", anh Hải cho biết "bí quyết" để thu hút khách hàng. Thế nhưng, theo anh Hải, thái độ kiên nhẫn, biết cách tư vấn các kiểu tóc đẹp, phù hợp cho khách... cũng chiếm vị trí quan trọng không kém để người thợ hớt tóc được khách yêu mến và tìm đến. Nói khó tin, nhưng chính anh Hải lại không hề nhớ địa chỉ cụ thể tiệm hớt tóc của anh! Một điều không thể phủ nhận là chỉ cần nói "tiệm hớt tóc Cu Tý dưới chân cầu Tha Hinh" là không khó khăn gì, khách xa hay gần đều có thể dễ dàng tìm ra địa chỉ của anh thanh niên Việt kiều này. 

Như Lịch
(Thanh niên)


Các tin liên quan:
Tạo bởi admin
Cập nhật 04-10-2005
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin