NSND Đặng Thái Sơn luôn tươi mới trong cảm xúc

“… Không cứ phải ở Việt Nam tôi mới chứng tỏ được sự hữu ích của mình... Tôi vẫn đang làm những điều có ích vì tương lai nhạc Việt, dù không sống trên nước Việt…” - nhạc sĩ Đặng Thái Sơn tâm sự.

- Đêm nhạc của anh tối 23 vừa qua tại Nhà hát Lớn được ca ngợi là hoàn hảo. Riêng bản thân anh thấy thế nào?

- Tôi đã phải đích thân sang tận Hungary để tập dượt với dàn nhạc Budapest, một sự hãn hữu từ trước tới nay. Cũng chính nhờ sự chuẩn bị chu đáo ấy, đêm nhạc đã diễn ra tốt đẹp. Hòa tấu giữa dàn nhạc và solist đạt mức chuẩn, không bị trúc trắc đáng tiếc. Riêng về chất lượng, đánh giá thế nào phụ thuộc vào chính khán giả chứ không phải tôi.

- Budapest thực chất là một dàn nhạc kịch. Biểu diễn với một dàn nhạc không chuyên về giao hưởng, anh gặp khó khăn gì?

- Trước đây cũng có nhiều dàn nhạc muốn được gặp gỡ tôi trước buổi diễn chính thức, nhưng thực sự tôi không có thời gian, và bởi tôi tin tưởng vào chuyên môn của dàn nhạc đó. Lần này thì khác. Chính vì Budapest không chuyên về nhạc giao hưởng nên tôi buộc phải tập dượt với họ trước khi cùng họ lưu diễn. Như mọi người thấy, sự chuẩn bị kỹ lưỡng bên cạnh thuận lợi là tác phẩm công diễn tôi đã trình tấu nhiều lần, chúng tôi đã không gặp trở ngại nào. Tất nhiên ngoài chuyên môn, sự thành công của mỗi buổi hòa nhạc còn phụ thuộc nhiều vào cảm hứng của nghệ sĩ. Với tôi, tại quê hương Việt Nam, cảm hứng âm nhạc luôn trào dâng mạnh mẽ nhất.

- Với bản nhạc mà anh phải diễn đi diễn lại nhiều lần như vậy, cảm xúc tâm hồn liệu có chai sạn?

- Điều đó thuộc về kinh nghiệm nghề nghiệp. Có những bản nhạc tôi phải chơi hàng nghìn lần, nhưng mỗi lần đều mang những cảm xúc mới. Không nhất thiết cảm xúc trong lần diễn này phải được lặp lại y nguyên ở buổi diễn sau, quan trọng là sự tươi mát của tác phẩm. Nghệ sĩ hơn nhau chính là ở chỗ đó. Kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ dạy cho người nghệ sĩ biết cách thể hiện chính mình. Cảm hứng ấy thậm chí có thể lên tới cao trào ngay trên sân khấu, chứ không cần phải lấy ở nơi nào xa xôi.

- Năm 2006, anh sẽ lại trở về Việt Nam cùng với mẹ của mình. Dự định cho đến giờ có gì thay đổi?

- Tôi sẽ trở về Việt Nam nhân dịp 50 năm thành lập Nhạc viện Hà Nội (1956-2006) cùng với mẹ của tôi. Năm 2007, tôi tiếp tục về VN biểu diễn cùng với dàn nhạc giao hưởng. Tôi cố gắng để mỗi năm đều có thể trở về quê hương mình. Tất nhiên, thời điểm đó phải có ý nghĩa, và còn phải đúng vào mùa âm nhạc nữa.

- Yêu quê hương như vậy, sao anh không về Việt Nam sinh sống?

- Vị trí của tôi là trên trường quốc tế. Tôi là đại diện duy nhất cho Việt Nam về nhạc giao hưởng, nếu tôi quay về, ai sẽ thay tôi làm nhiệm vụ đó? Lý do ấy quan trọng hơn tất cả.

Không cứ phải ở Việt Nam tôi mới chứng tỏ được sự hữu ích của mình. Tôi vẫn trao học bổng âm nhạc cho những sinh viên Việt Nam ngay tại nơi không phải quê hương mình. Thậm chí tại Đại học Montreal (Canada) nơi tôi giảng dạy, có tới gần 50% sinh viên học nhạc là người Việt Nam. Tôi vẫn làm những điều có ích vì tương lai nhạc Việt, dù không sống trên nước Việt. Hơn nữa, Việt Nam có rất ít trường đào tạo chuyên về âm nhạc. Nếu ở lại quê hương, sẽ có rất ít cơ hội nghề nghiệp.

- Biểu diễn từ thiện, trao học bổng toàn phần âm nhạc, anh nghĩ sao về những động thái của mình trong mỗi cuộc trở về đất mẹ?

- Mỗi năm tôi đều có một buổi biểu diễn từ thiện ở bất kỳ thành phố nào gặp bất trắc, chẳng hạn động đất ở Nhật Bản, sóng thần ở châu Á..., trong đó tôi vẫn dành nhiều ưu ái nhất cho những mất mát mà người dân Việt Nam phải gánh chịu do thiên tai. Nhưng tôi muốn công việc của mình thực hiện phải có trọng điểm, như thế mới thực sự ý nghĩa.

Đã thành thông lệ, mỗi lần về Việt Nam, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn lại giành một ngày thăm thày cô và các sinh viên Nhạc viện Hà Nội, cái nôi đầu tiên đưa anh đến với âm nhạc. Dù 9h30 sáng 24, buổi thỉnh giảng mới bắt đầu, nhưng rất nhiều người đã đến địa điểm từ sớm. Hơn 10 sinh viên đại diện khoa piano trình diễn khả năng của mình trước sự chứng kiến của nghệ sĩ. Nhân dịp này, anh cũng trao 1 học bổng âm nhạc toàn phần mang tên Đặng Thái Sơn cho sinh viên xuất sắc bộ môn piano, và tìm kiếm gương mặt xứng đáng tham dự festival âm nhạc tại Nhật.

Lê Bảo (VnExpress)